ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

Y XUÔI – NỮ ĐẠI BIỂU ƯU TÚ CỦA NGƯỜI XÊ ĐĂNG

Chị sinh ra tại làng Văn Tó, lớn lên tại làng Kon Pong trên mảnh đất anh hùng xã Đăk Uy (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) và lớn lên trong cái nôi cách mạng giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, khi cuộc sống buôn làng còn khó khăn, đói khổ.

Cuối năm 1960, lúc lên 10 tuổi, Y Xuôi được Cách mạng cho ra miền Bắc học và chị đã không phụ công mong mỏi của đồng bào Tây Nguyên nói chung và nhân dân Đăk Hà nói riêng, không ngừng cố gắng học tập và tu dưỡng đạo đức. Ở độ tuổi thiếu nhi, Y Xuôi vinh dự từng được nhà trường chọn đi tặng hoa cho Bác Hồ nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1962 tại Quảng trường Ba Đình và ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1963 tại Phủ Chủ tịch.

Năm 1978 tốt nghiệp đại học nông nghiệp Bắc Thái, rời ghế nhà trường, là một kỹ sư chăn nuôi thú y, Y Xuôi vui mừng được về lại quê hương làm việc tại Phòng nông nghiệp thị xã Kon Tum, rồi chị được đề bạt làm Trại trưởng trại chăn nuôi cấp 2 Đăkla, thị xã Kon Tum. Sau bao nhiêu năm học tập, nghiên cứu, kết hợp với những trải nghiệm từ thực tiễn sản xuất nông nghiệp mà chị tiếp thu được từ miền Bắc, chị là người dân tộc Xê đăng đầu tiên ở Kon Tum trở thành kỹ sư nông nghiệp trở về quê hương Kon Tum. Chị đã lặn lội tới các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai các chương trình, hướng sẫn đồng bào áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao đời sống. Từ thực tế chỉ đạo sản xuất đã mang lạicho chị nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý về trồng trọt và chăn nuôi. Chị đã cố gắng tuyên truyền để đồng bào các dân tộc thiểu số định canh, định cư làm nhà, lập vườn, đào giếng lấy nước làm ruộng nước, không phát rừng làm rẫy và tổ chức đời sống gia đình ổn định, ngăn nắp chẳng thua kém các làng đồng bào Kinh ở ven thị xã Kon Tum. Chị đã biết khơi dậy cho bà con biết phát huy truyền thống Cách mạng từ những năm tháng kháng chiến trước đây, kiên quyết không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, mà phải tham gia công sức làm đường giao thông, khai hoang xây dựng đồng ruộng, nâng cao đời sống. Vào thời điểm này chị liên tục đi xe đạp, thậm chí có lúc đi bộ hàng chục km về làng đồng bào dân tộc để tuyên truyền, vận động đồng bào ăn ở hợp vệ sinh, phải định canh, định cư để xây dựng cuộc sống mới.

Bằng tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn với quyết tâm cao, Y Xuôi không ngừng vận dụng kiến thức được trang bị dưới mái trường XHCN, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Chính môi trường cùng với sự nỗ lực phần đấu không ngừng nghỉ của mình, người cán bộ khoa học kỹ thuật, người nữ trí thức của dân tộc Xê đăng đã từng bước trưởng thành, góp phần cùng đội ngũ cán bộ và nhân dân trong tỉnh xây dựng buôn làng thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Được nhân dân tin yêu, kính phục, chị vinh dự được bầu là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX – Uỷ viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội. Tại địa phương, chị là đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã Kon Tum, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Kon Tum tháng 01/1990, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tháng 01/1995. Từ tháng 02/2001 đến nay, chị là Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kon Tum.

Trên bất kỳ cương vị nào, chị đều tỏ rõ phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ dân tộc Tây Nguyên kiên cường, thủy chung, đằm thắm và đôn hậu. Chị luôn gần gũi và gắn bó với nhân dân, thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của người dân, tìm hiểu và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Bà con quý mến và gọi chị là người “Đại biểu của buôn làng”.

Với phương châm gần gũi và sâu sát cơ sở, nhiều năm qua với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kon Tum, chị đã cùng tập thể đưa các phong trào của mặt trận không ngừng phát triển như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, phong trào ủng hộ vì người nghèo…Chị đi đến đâu cũng được bà con dân tộc tiếp đón như người thân trong gia đình, trong dân tộc. Mọi người gần chị hơn trong công tác dân vận, hoạt động Mặt trận. Nét sâu đậmm khi nghĩ về chị là lòng trung thực, là sự chân tình, là tiếng nói, giọng hát trẻ trung. Thái độ vui vẻ, cởi mở, chân tình là cầu nối mật thiết giữa chị với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Sự chia sẻ ngọt bùi, chịu đựng, lo toan trước mọi khó khăn đã giúp cho chị có những ngày tháng đáng nhớ trong công tác mặt trận, vận động quần chúng, nhất là đã quyên truyền vạch rõ âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên của bọn phản động với cái gọi là “Nhà nước đê ga” tự trị ở Tây Nguyên.

Chị Y Xuôi là một tấm gương sáng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc; tập hợp các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo…cùng nhau xây dựng Kon Tum ngày càng ổn định và phát triển. Kon Tum hôm nay tuy vẫn còn nhiều khó khăn của một tỉnh cực Bắc Tây Nguyên nhưng những gì mà Kon Tum làm được trong những năm qua là vô cùng quý giá và đáng trân trọng, là tiền đề cho sự chuyển dịch theo hướng phát triển và bền vững. Trong thành quả nhất định đó, có một phần đóng góp xứng đáng của những người như chị.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU