ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGƯỜI NỮ CÔNG NHÂN NHÀ MÁY DỆT NAM ĐỊNH

Nhà nghèo, bố là công nhân nhà máy dệt Nam Định, bà Phạn Thị Liên (sinh năm 1946 tại Thành phố Nam Định) chỉ được học đến hết cấp một. 14 tuổi, cái tuổi vẫn còn quá bé để trở thành một trụ cột kinh tế trong gia đình, bà Liên đã trở thành một trong những công nhân nhỏ tuổi nhất của nhà máy dệt Nam Định. Sở dĩ bà Liên được hưởng đặc cách đặc biệt này bởi lãnh đạo nhà máy thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của bà, nhà quá nghèo, bố lại mất sớm vì ung thư dạ dày, vì thế con gái được nhận vào “thế chỗ” ông bố.

Trở thành công nhân nhà máy dệt là một trong những niềm mơ ước của bà Liên. Và cô công nhân 14 tuổi lúc đó đã nỗ lực hết mình để xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo nhà máy. Năm 1961, mới 16 tuổi, bà Liên đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua vì những thành tích xuất sắc của mình trong lao động sản xuất. Suốt hơn hai mươi năm sau đó, danh hiệu này tiếp tục đồng hành cùng bà trong quá trình lao động tại nhà máy. Đứng máy suốt hơn 20 năm với nhiều thành tích, tháng 8.1985, bà đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động.

Bà Liên bảo, bà có tất cả mọi thứ ở nhà máy, cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc (chồng bà Liên cũng là công nhân nhà máy dệt Nam Định), các danh hiệu cao quý….. chính vì thế mà bà muốn làm mọi thứ vì nhà máy, đền đáp những gì nhà máy dành cho mình. Năm 1975, trong cuộc bầu của Quốc hội Khóa V, bà đã trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Liên tiếp hai khóa sau đó, Quốc hội Khóa VI, Khóa VII, bà cũng được cử tri tín nhiệm tiếp tục bầu làm đại biểu Quốc hội. Giữ trọng trách quan trọng với cử tri Nam Định suốt 3 khóa liền, bà Liên luôn tâm niệm phải làm thế nào để những kiến nghị của cử tri quê hương mình được Quốc hội lắng nghe. Trong những lần đọc tham luận của mình trước Quốc hội, bà Liên đều đặt vấn đề làm thế nào để nâng cao đời sống công nhân nhà máy dệt Nam Định…Hiểu rằng nếu chỉ đứng máy, mình sẽ không giúp được nhiều cho người lao động, năm 1984, bà Liên đi học tại trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó tiếp tục học đại học tại chức tại trường Đại học Kinh tế quốc dân để nâng cao trình độ. Từ công nhân đến đốc công, rồi làm Phó giám đốc Công ty dệt Nam Định (từ năm 1990) cho đến tận khi về hưu (năm 2001), bà Liên luôn lắng nghe ý kiến công nhân, tìm mọi cách cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao đời sống công nhân.

 

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU