ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGHỆ SỸ NHÂN DÂN TRÀ GIANG

Trà Giang là một học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc năm 1955 khi đất nước bị chia làm hai miền. Năm 1959, cô học sinh trở thành sinh viên khoa Đạo diễn – Diễn viên của trường Điện ảnh và đến năm 1961, khi mới 19 tuổi, cô đã đóng bộ phim truyện đầu tiên của đời diễn viên, đó là bộ phim “Một ngày đầu thu”. Từ ngày bắt đầu ấy, cho đến năm 1990, về nghỉ hưu cũng là năm trở về sống ở thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn 30 năm chị đã đóng mấy chục bộ phim. Nhiều phim có chị tham gia với các vai diễn đã trở thành những phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn nhất trong lòng người xem. “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Làng nổi”, “Người không biết nói”, “Ngày thánh lễ”….. Những bộ phim trong đó nữ nghệ sĩ Trà Giang khắc họa nhiều tính cách phụ nữ Nam bộ và phụ nữ nói chung, những tính cách phụ nữ tiêu biểu cho cả một giai đoạn cách mạng, trong chiến đấu cũng như xây dựng cuộc sống và tâm hồn con người. Nghĩ về thời kỳ đó, về cuộc đời nghệ thuật vinh quang ấy, chị nói: “Thời của tôi sống nhiều lý tưởng, vì mọi người, đó là lối sống tự nhiên của toàn xã hội lúc đó. Rất đẹp, tôi may mắn được sống cuộc đời nghệ sĩ say mê hòa hợp, được tạo ra hình ảnh nghệ thuật về cuộc sống, nhân vật của thời đại, đóng phim hết lòng, hết mình

Được sống ở “một thời đại hay” mà đóng được những nhân vật mà thời gian qua lâu vẫn còn đó là niềm hạnh phúc. Năm 1990 kết thúc cuộc đời diễn viên điện ảnh giữa lúc trào lưu phim “mì ăn liền” ra đời, chị tưởng không ai còn nhớ đến mình nữa, vậy mà không phải thế. Người ta vẫn nhắc tới chị, phần nhiều do hình ảnh các nhân vật nổi tiếng do chị đóng và có cả yếu tố chị đã tiếp xúc với nhân dân rất nhiều qua vai trò người đại biểu Quốc hội Khóa V, VI, VII

Chị nhớ lại: thời kỳ trước, đất nước chưa phát triển như ngày nay, ở các kỳ họp Quốc hội chưa có các cuộc thảo luận được truyền hình trực tiếp, hoặc các cuộc chất vấn sôi nổi, gay cấn về nhiều vấn đề người dân quan tâm. Nhưng lúc đó chị cũng có nhiều điều kiện để tiếp xúc với dân, lắng nghe họ với tư cách đại biểu của Ủy ban Văn hóa của Quốc hội. Chị tìm hiểu tình hình và đóng góp vào việc phát triển văn hóa giáo dục, cũng như cảm thấy thiêng liêng khi người dân không thỉ đến vui mừng chiêm ngưỡng mê diễn viên điện ảnh xinh đẹp, mà còn tin tưởng trao cho chị những lá đơn thỉnh nguyện. Từ chỗ còn lạ lẫm, chỉ hỏi nhà thơ Chế Lan Viên “làm đại biểu Quốc hội, em phải làm gì”, cho đến khi trở thành người đại biểu của dân, chị hiểu sâu sắc thêm trách nhiệm của mình trước cuộc sống. Giữa công tác chính trị và nghệ thuật đã không tách rời. Thể hiện niềm vui, nỗi buồn của nhân dân để thể hiện các vai diễn sâu sắc hơn, đó cũng chính là phần thưởng do người dân đem lại cho người đại biểu – người nghệ sĩ của mình. Còn hạnh phúc nào lớn hơn.

Nghệ sĩ Trà Giang là vợ của giáo sư – tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc, nhà giáo sư và nghệ sĩ violon nổi tiếng của Nhạc viện âm nhạc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh. Ông góp phần rất lớn vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo âm nhạc cho nhiều thế hệ nghệ sĩ. Con gái chị cũng là một nghệ sĩ đàn piano nổi tiếng trong và ngoài nước. Cả gia đình là những nghệ sĩ xuất sắc của nước nhà.

Chồng mất, con gái duy nhất hoạt động âm nhạc ở nước ngoài, giờ đây một mình chị sống ở Thành phố Hồ Chí Minh với bà con, chị vẫn không ngừng cống hiến. Chị lại tiếp tục sáng tạo trên lĩnh vực mới đó là hội họa với nhiều tranh triển lãm và cũng nhiều tranh đem biếu tặng, làm công tác từ thiện.

Hình ảnh nghệ sĩ, nữ đại biểu Quốc hội Trà Giang luôn giành được tình yêu thương và quý trọng nơi cử tri, cũng là những khán giả của nghệ thuật nước nhà

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU