ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

CHUYỆN VỀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ANH HÙNG NGUYỄN THỊ CHÉN

Mùa đông mà nắng vẫn vàng rực rỡ. Ven dòng sông Đáy màu xanh của bãi ngô, bãi dâu càng như xanh hơn. Trong căn nhà nhỏ thôn Thượng, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Tây, bà Nguyễn Thị Chén nhanh nhẹn bổ cau, têm trầu mời khách. Năm nay, bà Chén đã 78 tuổi rồi. Không còn đi làm đồng nữa, bà ở nhà nấu cơm, nước cho con, cháu. Không để mất nghề, khi rảnh rỗ bà vẫn chăn tằm, một công việc gắn bó với bà từ thủa còn thơ ấu. Dáng gầy, tuy tuổi đã cao nhưng cách nói chuyện của bà thì vẫn lôi cuốn hấp dẫn người nghe.

Sự ví von của bà thật giản dị, đáng yêu mà cũng sâu sắc. Bà bảo: “người phụ nữ nông dân chúng tôi như con tằm, suốt cuộc đời cứ nhả tơ, rút ruột của mình ra vì con cháu”. Chỉ vậy thôi, bà không nói thâm nữa nhưng chúng tôi hiểu, người Đảng viên 50 năm tuổi Đảng này, là đại biểu Quốc hội ba khóa, là Anh hùng lao động, là đại biểu chính thức đi dự Đại hội Đảng toàn quốc năm 1976 thì những đóng góp của bà với quê hương là không nhỏ. Câu chuyện của bà đưa chúng tôi trở về Phù Lưu Tế cách đây hơn 30 năm.

Xã có ba thôn nối tiếp nhau trải dài bên hữu ngạn dòng sông Đáy mà người dân vẫn quen gọi: thôn Thượng, thôn Trung, thôn Hạ. Diện tích tự nhiên có hơn 600 ha. Những năm 1963-1965, địa phương thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân làm thủy lợi. Nhiều chiến dịch làm thủy lợi được phát động thu hút hàng trăm thanh niên, dân quân, xã viên hợp tác xã nông nghiệp tham gia. Mương máng được mở rộng, khơi thông. Trên 60% diện tích được điều tiết nước tự chảy. Diện tích úng hạn ngày càng thu hẹp. Nhờ đẩy mạnh công tác thủy lợi nên diện tích trồng cây rau màu, cây công nghiệp đã được mở rộng trong đó diện tích trồng dâu đã được phục hồi. Trồng dâu nuôi tằm vốn là nghề truyền thống của các địa phương ven sông Đáy nhưng có thời gian đã bị mai một. Từ chỗ xã chỉ còn vài ba sào, đã phục hồi phát triển lên trên 53 mẫu. Được sự chỉ đạo của cấp trên, xã đã quy hoạch diện tích trồng dâu lên 103 mẫu. Với phương pháp mới, lại được cán bộ kỹ thuật cấp trên trực tiếp về hướng dẫn nên đã đạt năng suất tới 60kg kén/sào (tăng gấp đôi so với giống tằm cũ)

Hội nghị dâu tằm toàn miền Bắc đã được tổ chức ở xã. Đây là điều kiện để bà con trao đổi học tập. Lúc đó, bà Chén là Đảng viên, phụ trách sản xuất dâu tằm của xã. Lần đầu tiên, xã bán được cho Nhà nước 33.068 kg kén, tăng gấp nhiều so với trước kia. Công việc chỉ đạo của 12 đội dâu tằm rất bận rộn. Khi tằm còn nhỏ, đội sản xuất nuôi tập trung, khi tằm “ăn ba” thì xuất cho các gia đình nuôi. Khi tằm “ăn rỗi” thì hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp về kỹ thuật. Các tổ, các gia đình thi đua đạt năng suất cao nhất. Nhiều cá nhân, gia đình được hợp tác xã khen thưởng bằng những hình thức rất đơn giản nhưng lại gây sự hào hứng: dự hội nghị biểu dương của xã, thưởng chiếc chậu, chục chiếc bát nhỏ…… Trong thời gian đó bà được Đảng ủy và chính quyền quan tâm tạo điều kiện phấn đấu, rèn luyện. Bản thân bà cũng cố gắng. Công việc nuôi tằm bận như chăm con nhỏ nhưng bà và các xã viên đã cố gắng hoàn thành tốt. Thành tích phát triển trồng dâu nuôi tằm của xã đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước biểu dương. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về thăm địa phương, chỉ thị phải đưa nghề sản xuất dâu tằm lên thành nghề chính. Lúc này địa phương có bà Nguyễn Thị Xuân tham gia là đại biểu Quốc hội (từ tháng 4-1964 đến 1970). Qua phong trào trồng dâu nuôi tằm, bà Nguyễn Thị Chén, một Đảng viên gương mẫu tận tụy với công việc đã được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động năm 1966.

Bà được Đảng tín nhiệm giới thiệu và được bầu là đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI. Bây giờ kể lại chuyện ngày xưa đi họp Quốc hội bà vẫn còn tươi cười với chi tiết: bà là xã viên hợp tác xã nông nghiệp, mỗi ngày đi họp thì được tính….. như công đi làm ở ngoài đồng. Kỷ niệm còn mãi trong tâm trí người đàn bà vùng quê sông nước xa xôi này là những lần đi dự kỳ họp được vào Phủ Chủ tịch. Hai lần bà được gặp Bác Hồ khi người về thăm Nhà thương Vân Đình và xã Đại Nghĩa.

Những kỷ niệm của bà được coi như tài sản của một gia đình nông dân tiêu biểu: chăm chỉ lao động, có trách nhiệm và luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Bây giờ tuổi cao, bà Chén tham gia sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi của địa phương. Hàng ngày bà vẫn theo dõi sát sao nội dung các kỳ họp Quốc hội.

Khi được hỏi cảm nhận của bà về các hoạt động Quốc hội hiện nay, bà tâm sự: “Các đại biểu bây giờ phát biểu hay lắm, hiểu thông thạo nhiều việc, chứ ngày xưa bà chỉ biết mỗi trồng dâu nuôi tằm chứ không giỏi được như các vị ấy bây giờ đâu”. Vâng, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã và đang tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, có sự kế thừa phát triển để thực sự trở thành cơ quan quyền lực cao nhất mà bà là một trong những người đi trước đã góp phần làm phong phú thêm truyền thống 60 năm Quốc hội Việt Nam.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU