ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGƯỜI PHỤ NỮ LUÔN NHẬN KHÓ KHĂN VẤT VẢ VỀ MÌNH

Bà Phạm Thị Vách, sinh năm 1940 tại xã Hùng Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình làm nông nghiệp. Năm 1958, sau khi học bình dân hết cấp hai, bà Vách tham gia công tác Đoàn, làm thủy lợi, trở thành ủy viên Ủy ban xã…..

Tích cực tham gia và đi đầu trong những phong trào của địa phương, bà Vách được tín nhiệm cử làm Xã đội phó, rồi Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, Chủ tịch xã Hùng Cường và sau đó trở thành Bí thư Đảng ủy xã khi mới 22 tuổi. Những năm 60, đất nước bước vào giao đoạn cam go nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, thanh niên hầu hết lên đường làm nghĩa vụ, là Chủ tịch xã, bà Vách vừa phải lãnh đạo đảm bảo lao động sản xuất ở địa phương, vừa vất vả chiến đấu phục vụ chiến đấu. Công việc ấy bà Vách không nói ra, nhưng ai cũng biết là vất vả vô cùng. Thân gái một mình, bà Vách đi đầu trong việc huy động nhân dân làm thủy lợi, cấy cày, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước cả về lương thực lẫn tuyển quân.

Lương Bằng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kim Động, Hưng Yên, đời sống nhân dân rất khó khăn vất vả, thiếu đói triền miên. Chính vì thế mà vận động được nhân dân thực hiện nghĩa vụ lương thực, thực phẩm là việc rất khó khăn. Từng ngày, bà Vách phải đến từng nhà thuyết phục, thuyết phục một lần không được thì thuyết phục nhiều lần, lâu rồi người dân cũng hiểu ra. Chuyện về cái ăn, cái mặc đã khó thế, chuyện vận động các gia đình đưa con em đi nhập ngũ còn khó hơn nhiều. Là Bí thư Đảng ủy xã, cũng đồng thời là đại biểu Quốc hội Khóa III, IV, V (từ năm 1964 đến 1976), bà Vách nhận trên vai mình trách nhiệm nặng nề. Trách nhiệm ấy đòi hỏi bà nhiều khi phải hy sinh tình riêng lo chuyện xã hội. Bà chấp nhận hết, khó khăn vất vả bà đều nhận về mình, chỉ để đem lại hạnh phúc cho bà con, để bà con bớt đói, bớt khổ. Thế mà đến tận 10 năm sau, đời sống nhân dân Lương Bằng mới bớt đói.

Đất nước thống nhất, năm 1976, bà Vách “thoát ly” lên huyện, sau đó tiếp tục theo học văn hóa tại trường bổ túc tỉnh. Học xong, bà được bổ nhiệm là Giám đốc trường Đảng của huyện Kim Động, sau đó là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy, Chủ tịch Hội nông dân và Phó Bí thư thường trực huyện ủy Kim Thi. Khi còn ở địa phương, bà Vách luôn lãnh đạo địa phương đứng nhất, thứ nhì cuả huyện về các phong trào Đảng, chính quyền, riêng về phong trào tín dụng đứng thứ nhì tỉnh. Khi bà lên huyện làm lãnh đạo, các công tác kiểm tra và công tác của Hội nông dân luôn đứng thứ nhì tỉnh Hải Hưng….. Cho đến tận khi về hưu năm 1990, suốt hơn 30 năm công tác, dù trên cương vị nào, bà Vách cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

 

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU