ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

CHU THÚY QUỲNH – ĐẠI BIỂU CỦA NGHỆ SỸ VIỆT NAM

Đã có rất nhiều người nói về những thành công trong cuộc đời hoạt động nghề thuật rực rỡ của Nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh. Bởi các tác phẩm biên đạo múa ấy đã đứng lại với thời gian và trong lòng khán giả. Tuy vậy, chị còn được nhiều người biết đến với tư cách là người đại diện cho các nghệ sỹ trước diễn đàn Quốc hội, bởi chị có điều kiện nói lên tâm tư, tình cảm của anh em hoạt động nghệ thuật trước những vấn đề đang đặt ra đối với nghệ thuật trong cơ chế thị trường hiện nay.

Tháng 02/1955, mới 14 tuổi, chị bắt đầu nghiệp múa trong Đoàn ca múa trung ương. Chuyến công tác sớm nhất của chị là đi tiếp quản khu vực 300 ngày (Hải Phòng – Hồng Gai). Từ thủa chập chững vào nghề, nhiều người xem chị múa đã thấy lóe lên những tia sáng của năng khiếu bẩm sinh. Không ít nhà phê bình nghệ thuật nhận xét rằng thập niên 60 có thể được coi là thời hoàng kim của múa, trước sau cả chục năm trời ấy mọi người xem chương trình của Nhà hát ca múa nhạc, cũng có nghĩa là xem chị múa trong hầu hết các vai chính của các điệu múa để đời của chị: “Tiếng gọi quê hương”, “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”, “Vũ kịch Tấm Cám”, “Gặp gỡ bên mâm pháo”…. Cùng rất nhiều điệu múa của các nước như Triền Tiên, Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Quốc.

Theo thời gian và cống hiến xuất sắc của mình, chị được cử đi học nghệ thuật múa tại Ấn Độ. Về nước, chị được các đồng chí lãnh đạo tin tưởng giao cương vị Giám đốc Nhà hát ca múa Trung ương. Ngoài công tác quản lý Nhà hát, chị lại càng bộn bê hơn với rất nhiều chương trình nghệ thuật khổng lồ trong vai trò tổng đạo diễn với quy mô hoành tráng phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại như các Đại hội Đảng, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác, các lễ hội như “990 năm Thăng Long – Hà Nội”, “SEA games 22” và những chương trình giao lưu văn hóa quốc tế khác….

Trong cuộc đời của người nghệ sỹ nhân dân này, ngoài công việc chuyên môn như Chủ tịch Hội nghệ sỹ múa 3 khóa liên tục mà chị đảm nhiệm hiện nay, còn một loạt các trọng trách, công việc xã hội khác như Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Ủy viên Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam… Bên cạnh đó là những tâm huyết mà chị ngày đêm canh cách trong lòng trước những số phận, mảnh đời không may mắn. Bởi bản thân chị, ngoài những thành công trong sự nghiệp nghệ thuật thì chị cũng là người chịu những thiệt thời trong đời sống tình cảm gia đình mà không phải ai cũng có thể hiểu được. Nhà văn Đào Vũ, đã nói đúng tận gan ruột, tâm hồn chị: “Với trách nhiệm của mình trong các hoạt động nghệ thuật, lúc thì chị mềm mại, uyển chuyển trên sân khấu, khi hò hét cả quát tháo hàng ngàn người ngoài bãi tập trong lúc dàn dựng những chương trình quy mô lớn. Nhưng đêm về, người nghệ sỹ ấy nằm khóc nước mắt thấm gối về thân phận của mình”.

Với các hoạt động xã hội mà chị tham gia gồm 2 khóa Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội 4 khóa (khóa IV, VIII, IX và X) chị đã thay mặt anh em nghệ sỹ nói lên những tâm tư, tình cảm của họ đối với nghề mà những thay đổi về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, với thời cuộc đang ấp vào hoạt động nghề thuật. Chị tâm sự rằng: Tôi luôn có một niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đối với tiền đồ của đất nước. Nguyện vọng, kiến nghị thay thiết của tôi là tiếp tục thúc đẩy để phát triển nghệ thuật. Trăn trở của cả đời chị là nền nghệ thuật múa Việt Nam sẽ đi đến đâu, đi như thế nào? Một đất nước hơn 54 dân tộc khác nhau, riêng về nghệ thuật múa cũng đã tiếp thu hơn 54 truyền thống. Coi trọng và phát huy tính dân tộc không phải là chơi “đồ cổ”. Vấn đề là phải xây dựng cái hiện đại trên cơ sở truyền thống dân tộc như thế nào? Còn một chút nỗi lo của chị là trong nền kinh tế thị trường hiện nay làm sao chúng ta hướng công chúng thẩm thấu các giá trị nghệ thuật tốt hơn. Chị Quỳnh bộc bạch: “Tôi từ ngành nghệ thuật múa mà ra, và cũng chính nghệ thuật múa đã tạo ra tôi. Chúng ta đã bước sang thế kỷ XXI, tôi mong muốn được cùng đồng nghiệp xây dựng một nền nghệ thuật múa Việt Nam dân tộc và hiện đại, một trường phái nghệ thuật múa phương Đông ở Việt Nam”.

Nghỉ hưu nhưng chị vẫn được anh em bầu làm Chủ tịch Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam để tiếp tục dẫn dắt, truyền lại những kinh nghiệm quý báu mà cả một đời chị đã tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo cho anh em nghệ sỹ múa nước nhà. Với những cống hiến to lớn cho nghệ thuật, chị đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU