ĐBQH ĐẶNG BÍCH NGỌC: TẠO CÔNG BẰNG TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TÒA ÁN CÁC TỈNH

10/11/2023

Chiều 09/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng: cần quy định rõ trách nhiệm của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ đối với các đối tượng yếu thế; có quy định tạo công bằng trong hoạt động của toà án các tỉnh, thành trên cả nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ngành toà án.

Theo dòng sự kiện

Tổ chức hiệu quả TAND sơ thẩm chuyên biệt

Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, qua 8 năm thi hành Luật Tổ chức Toà án nhân dân (TAND), bên cạnh những kết quả đạt được, Luật cũng đã cho thấy những vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý. Do vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và bố trí các điều kiện bảo đảm để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trên cơ sở tổng kết kết quả triển khai thực hiện Luật, dự án Luật lần này đã bổ sung nhiều vấn đề qua thực tiễn còn vướng mắc; đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng: Để đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay với sự gia tăng của phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi thẩm phán phải có chuyên môn cao, có kinh nghiệm và kiến thức, thường xuyên được đào tạo thu thập chứng cứ, xét xử các vụ án, bảo đảm đúng người, đúng tội. Do vậy, việc Chính phủ đưa ra quy định thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt trong dự thảo Luật là cần thiết.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong thực tế không phải khu vực nào cũng có vụ việc này xảy ra. Do vậy, việc thành lập mới các TAND sơ thẩm chuyên biệt trong dự thảo chưa quy định rõ việc thành lập ở các địa phương và khu vực nào, mà chỉ quy định có thành lập và thẩm quyền thành lập do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND cấp cao, trên cơ sở đề xuất của TAND cấp cao. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát từ thực tiễn, cân nhắc xem nên thành lập ở khu vực, cụm nào và thành lập mấy tòa án chuyên biệt trên cả nước để tập trung giải quyết những vụ án khó, mang tính chất chuyên ngành, đòi hỏi kỹ thuật cũng như chuyên môn cao của thẩm phán.

Đặc biệt phải có đánh giá kỹ lưỡng để khi thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt sẽ giải quyết được những khó khăn hiện nay mà các tỉnh chưa đáp ứng được, cũng như tránh lãng phí nguồn lực thực hiện.

ĐBQH tỉnh Hòa Bình thảo luận tại tổ chiều 9/11. Ảnh: Lâm Hiển

Giúp việc xét xử khách quan, công tâm

Cũng theo đại biểu Ngọc, dự thảo Luật lần này đã sửa đổi theo hướng quy định rõ “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết tất cả vụ việc mà chỉ hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội để thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, hành chính theo quy định của pháp luật”. Mặc dù những quy định trên là phù hợp, nhưng để phân quyền và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong quy trình tố tụng, nên quy định rõ Tòa án chỉ có trách nhiệm thu thập chứng cứ hỗ trợ trong trường hợp có tình huống là các đối tượng yếu thế không thể tự thu thập chứng cứ và bảo vệ quyền lợi. Điều này giúp việc xét xử khách quan, công tâm, đúng người, đúng tội.

Liên quan đến việc đổi tên TAND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng: Tại điểm c, d khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật quy định tổ chức của TAND gồm: TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND phúc thẩm, sơ thẩm tại điều khoản chuyển tiếp (điểm b, khoản 1, Điều 153). Đại biểu cho rằng: trước những thách thức đặt ra trong công tác cải cách tư pháp thì việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế đổi mới hoạt động của TAND cấp tỉnh, cấp huyện là hết sức cần thiết. Bởi, báo cáo tổng kết thi hành Luật chỉ rõ, hiện nay Tòa án cấp huyện là nơi giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm trên 90% vụ việc phải giải quyết của Tòa án nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp để xét xử có chất lượng là yêu cầu bức thiết. Tuy nhiên, cần làm rõ việc thay đổi tên gọi của các TAND cấp tỉnh, cấp huyện có thúc đẩy được quá trình độc lập khi xét xử hay không. Bởi, thực tế, chúng ta đang thực hiện ở cấp huyện là xét xử sơ thẩm và ở cấp tỉnh đang có cả những vụ việc xét xử sơ thẩm. Do vậy việc đổi tên như vậy cần đánh giá kỹ lưỡng.

Hiện cả nước có 710 TAND cấp huyện, việc thay đổi sẽ gây ra những tác động, xáo trộn trực tiếp đến hệ thống pháp luật liên quan trong lĩnh vực tư pháp, đồng thời gây lãng phí tốn kém ngân sách nhà nước khi phải thay đổi biển tên, con dấu, trụ sở và nhiều vấn đề khác liên quan đến TAND. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ việc có tác động khi quyết định việc đổi tên hay không, bảo đảm tránh lãng phí, nâng cao đổi mới chất lượng hiệu quả hoạt động công tác xét xử”, đại biểu Ngọc đề nghị.

Quy định rõ về số lượng Thẩm phán

ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho biết: Báo cáo tổng kết thi hành Luật cũng như qua khảo sát tình hình thực tế tại địa phương cho thấy những bất cập trong việc quy định 4 ngạch Thẩm phán như hiện nay (Thẩm phán TAND tối cao, Thẩm phán Cao cấp, Trung cấp, Sơ cấp). Trong đó, TAND cấp tỉnh có Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp nhưng không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán sơ cấp công tác tại Tòa án này nên thực tế các Tòa án cấp tỉnh cũng không được bố trí Thẩm phán sơ cấp, công chức Tòa án cấp tỉnh muốn được bổ nhiệm Thẩm phán thì buộc phải về các Tòa án cấp huyện công tác.

​​Theo đó, đại biểu nhất trí với việc dự thảo đã sửa đổi, quy định chỉ có 2 ngạch Thẩm phán và tương ứng với 2 bậc đối với Thẩm phán TAND tối cao, 9 bậc đối với Thẩm phán để giải quyết những bất cập hiện nay về ngạch, bậc và tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí, sắp xếp, điều động Thẩm phán. Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 4, Điều 92 quy định “Thời gian giữ bậc Thẩm phán do UBTVQH quy định theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao” và khoản 5 Điều này quy định “Số lượng Thẩm phán, bậc Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định”, đề nghị bổ sung quy định rõ về số lượng Thẩm phán (cụ thể theo bậc Thẩm phán) trong tổ chức bộ máy của các TAND. Đồng thời, nghiên cứu quy định hợp lý về thời gian giữ bậc, để tạo công tác cho các Thẩm phán, tránh tình trạng nhiều trường hợp Thẩm phán đến khi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được nâng bậc lương cuối cùng.

“Qua khảo sát thực tế tại Tòa án liên quan đến dự thảo Luật hiện nay việc bổ nhiệm còn khó khăn nên mong rằng, trên tinh thần đã có nhiều quy định bổ sung của dự thảo Luật lần này và từ những vướng mắc ở cơ sở sẽ có rà soát và tính toán kỹ lưỡng”, đại biểu Ngọc chia sẻ.

Liên quan đến xây dựng Tòa án điện tử, dự án Luật đã quy định điều 149 là bổ sung những điều mới về xây dựng tòa án điện tử. Dẫn chứng từ thực tế, đại biểu Đặng Bích Ngọc mong muốn: dự án Luật sẽ đưa ra được cơ chế để tạo thuận lợi cho các tỉnh có điều kiện thực hiện. Mặt khác, cần xem xét đánh giá, có quy định tạo công bằng trong hoạt động hệ thống của tòa án các tỉnh trên cả nước để ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ngành tòa án.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác