Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
4 nội dung quan trọng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5
Phóng viên: Sau 3,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm, sáng 18/01, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã bế mạc và thành công tốt đẹp. Đại biểu đánh giá thế nào về kết quả của Kỳ họp này?
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong những ngày đầu năm mới 2024 - năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng cũng như có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài với. Sau 3,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận rất cao, 04 nội dung quan trọng được thảo luận và biểu quyết thông qua sau đây:
(1) Luật Đất đai (sửa đổi);
(2) Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi);
(3) một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Nghị quyết về giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng một số chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia;
(4) xem xét, cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp thiết về tài chính, ngân sách, cụ thể: cho phép phân bổ, sử dụng gần 64 nghìn tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc 5 lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông, trong đó dành gần 58 nghìn tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm…, đây là các quyết nghị rất quan trọng, tháo gỡ các khó khăn từ thực tiễn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của cả nước.
Toàn cảnh Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
Với nhiều nội dung quan trọng được trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan triển khai rà soát, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về nội dung, cơ sở vật chất, an ninh an toàn…để phục vụ tốt cho kỳ họp. Dù được diễn ra trong thời gian ngắn, tại Kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục chia làm 02 đợt để các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến góp ý một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp được diễn ra chủ động, thường xuyên, kịp thời diễn biến các phiên họp, nhất là với các phiên thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai từ cơ sở, đảm bảo quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch
Phóng viên: Một điểm đáng chú ý tại Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Với sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân về đạo luật quan trọng này, đại biểu đánh giá và kỳ vọng như thế nào để Luật có thể đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, người dân và doanh nghiệp?
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng, có tác động sâu rộng đến toàn bộ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Quốc hội đã thận trọng xem xét, đánh giá sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện với tinh thần trách nhiệm và nỗ lục cao nhất, đặc biệt những vấn đề còn ý kiến khác nhau, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ trong tiếp thu từng điều khoản luật dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; đã được thảo luận, cho ý kiến tại 03 Kỳ họp Quốc hội, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 06 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân, nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau được thảo luận rất kỹ từng điều khoản, phản biện, tranh luận rồi đi đến giải trình, tiếp thu hợp tình hợp lý, được đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận cao.
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
Các Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố đã tích cực tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Riêng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã tổ chức 04 lần hội nghị lấy ý kiến trực tiếp, qua đó, gửi 46 kiến nghị góp ý cho Luật Đất đai, phát biểu 19 ý kiến tại tổ, Hội trường, gửi 05 văn bản góp cho Quốc hội. Qua các kỳ họp, có nhiều vấn đề được cử tri Bình Dương rất quan tâm về phương pháp xác định giá đất, việc bồi thường, tái định cư, chuyển đổi đất nông nghiệp…
Nhưng đến nay tại Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, việc giải trình, tiếp thu dự thảo Luật này tôi cho là thỏa đáng. Trong đó có nội dung kiến nghị về việc mở rộng loại đất khác để thực hiện nhà ở thương mại đã được Quốc hội tiếp thu và giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm, trình Nghị quyết đặc thù để triển khai thực hiện thí điểm trong thời gian tới.
Để điều tiết chênh lệch địa tô trong chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang đất ở, báo cáo tiếp thu giải trình đã giao Chính phủ chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Thuế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước. Chúng tôi rất mong, nội dung này sẽ được Chính phủ tập trung chỉ đạo, để sớm tháo gỡ các điểm nghẽn cho các doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có tỉnh Bình Dương.
Với việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ khóa XV theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013, thể chể hóa được tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong thời gian tới, để Luật Đất đai (sửa đổi) với 15 Chương và 210 Điều (tăng 07 điều, chỉnh lý rất nhiều điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6) nhanh chóng đi vào thực tế từ 01/01/2025 (riêng Điều 190, Điều 248 sẽ có hiệu lực từ 01/04/2024), thật sự đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, người dân và doanh nghiệp thì việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cần đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Đồng thời tập trung tuyên truyền Luật này sâu rộng đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.
Mặt khác, cần tiếp tục quán triệt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai từ cơ sở, đảm bảo nguồn lực này phải được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả nhất. Muốn vậy, phải tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiểm toán trong lĩnh vực này; xây dựng hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu đất đai, nhất là cơ sở giá đất, cơ sở đất đai do cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước quản lý, đất đai là tài sản công, thị trường bất động sản...
Ngoài ra, mỗi cơ quan, tổ chức và người dân phải nghiên cứu, nhận thức đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình đối với đất đai, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất để thực hiện cho đúng và hiệu quả. Đồng thời, cơ quan dân cử, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát huy vai trò giám sát trong quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương, đơn vị nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai một cách hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia
Phóng viên: Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình này, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Quan điểm của đại biểu về nội dung này như thế nào và có kỳ vọng gì khi Nghị quyết được triển khai thực hiện?
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Trên cơ sở kết quả giám sát của Quốc hội, với tinh thần “trách nhiệm cao trước cử tri, đi đến tận cùng vấn đề giám sát để có giải pháp hiệu quả nhất” và căn cứ thực tiễn giám sát vừa qua tại Bộ, ngành, địa phương trong cả nước, Quốc hội xem xét, quyết định biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, áp dụng một số chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung vào các nội dung chủ yếu như sau:
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Việc phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; Điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; Sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; Quy định cụ thể về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; Xác định địa bàn, phạm vi áp dụng quy định về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; Quy định cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các chương trình…
Nghị quyết này với việc phân cấp cụ thể, rõ ràng về nội dung, thời gian và cấp có thẩm quyền thực hiện, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chăm lo tốt hơn đời sống cho Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn các Chương trình, nhất là là vốn sự nghiệp, triển khai thực hiện hiệu quả, hoàn thành mục tiêu của các Chương trình.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!