ĐẠI BIỂU LÊ THỊ THANH LAM - PHÓ ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH PHỤ TRÁCH ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG: LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) – ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HOÀN THIỆN, ĐỒNG BỘ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT

19/01/2024

Sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, trách nhiệm và đồng thuận rất cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Chia sẻ về kết quả kỳ họp, Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho biết, kỳ họp đã thành công tốt đẹp. Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện, đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN;…

Theo dòng sự kiện

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 15/01/2024 và bế mạc vào sáng ngày 18/01/2024 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội nghỉ 01 ngày (17/01/2024) để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã xem xét và thông qua 04 nội dung, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang

Phóng viên: Thưa đại biểu, sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ họp lần này?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Sau 3,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, tôi cho rằng Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác chuẩn bị, tiến hành Kỳ họp; khẳng định sự đổi mới, nâng cao chất lượng cả về chương trình, nội dung và phương thức điều hành của Đoàn Chủ tịch. Kết quả Kỳ họp đã đáp ứng nội dung và hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, nghị quyết của Quốc hội. Công tác điều hành các phiên họp đảm bảo phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan trình, thẩm tra, tiếp thu, giải trình, báo cáo.

Nhìn chung, về công tác chuẩn bị nội dung Kỳ họp được tiến hành chu đáo, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các vướng mắc về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được tháo gỡ một cách kịp thời, triệt để các khó khăn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới, hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt hơn.

Phóng viên: Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này là Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Vậy, đại biểu có kỳ vọng gì về tác động của dự án luật trong thời gian tới?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chuẩn bị, cho ý kiến rất công phu, kỹ lưỡng. Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, rất cụ thể, làm rõ thêm những vấn đề còn chồng chéo, bất cập trước khi biểu quyết thông qua Luật Đất đai. Cụ thể, tôi cũng đã tham gia đóng góp một số ý kiến liên quan đến các nội dung: Về quyền của công dân đối với đất đai (Điều 23); về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79); về đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đề nghị bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung vào Điều 202,…

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Trải qua quá trình lấy ý kiến, thảo luận thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện, Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội biểu quyết thông qua đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đạt được sự đồng thuận cao. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này đã giải quyết được những vướng mắc từ thực tế; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất;….

Một trong những yêu cầu đặt ra để Luật phát huy hiệu quả ngay sau khi có hiệu lực, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết ban hành; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung; …

Tôi kỳ vọng, Luật Đất đai sẽ được triển khai và thực hiện phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của cử tri. Luật Đất đai sẽ kéo dài tuổi thọ, phù hợp trong tình hình phát triển của đất nước.

Phóng viên: Đây là kỳ họp bất thường lần thứ 5 cho thấy tinh thần đồng hành, thích ứng của Quốc hội trong việc kịp thời phản ứng trước những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra. Theo dõi các kỳ họp, đại biểu có nhận định như thế nào về sự đổi mới này của Quốc hội?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng như sau: Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Việc tổ chức Kỳ họp bất thường nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách đặc thù, cơ chế phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng qua thực tế còn vướng mắc. Kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 5 nói riêng và các kỳ họp bất thường trước đó đã chứng minh cho tính đúng đắn, hiệu quả của việc tổ chức các kỳ họp bất thường. Qua đó, tiếp tục khẳng định Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, giải quyết triệt để các vấn đề cuộc sống đặt ra, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri; góp phần quan trọng và tạo cơ sở thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước;...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác