Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An
Công tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, chu đáo
Phóng viên: Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc trọng thể vào ngày mai (15/01). Đại biểu đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị của Kỳ họp đến thời điểm này?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Tôi cho rằng, công tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, chu đáo, các nội dung dự kiến Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp này đã được chuyển tải về cho các Đoàn ĐBQH các địa phương để các Đoàn có thời gian tổ chức lấy ý kiến đóng góp. Đặc biệt là đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đối) trước đó đã được rà soát, điều chỉnh sau khi Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Và trong thời gian qua, hai dự án Luật này đã tiếp tục được rà soát lấy ý kiến, hoàn thiện. Việc UBTVQH trình hai dự án Luật nêu trên tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này là đảm bảo yêu cầu về chất lượng để Quốc hội biểu quyết thông qua.
Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 nội dung quan trọng
Phóng viên: Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung vào những nội dung nào, thưa đại biểu?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Tại Kỳ họp này, Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua 4 nội dung quan trọng sau đây:
- Luật Đất đai (sửa đổi): Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm đối với tài sản gắn liền với đất (Điều 34), Điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45)...
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6
- Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đối): Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 15 chương, 210 điều.
Trong đó đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung: Giải thích từ ngữ; ngân hàng chính sách; tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng, ban kiểm soát; kiểm toán độc lập; hoạt động của tổ chức tín dụng; giới hạn cấp tín dụng; tài chính, hạch toán, kế toán...
Một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm: Dự phòng rủi ro; Can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; Xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt; Xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; Cơ quan quản lý nhà nước; Điều khoản thi hành.
- Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia:
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều, trong đó quy định 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất; về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; về ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.
- Về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Dự thảo Nghị quyết gồm 3 Điều, quy định về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và phân bổ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ tư, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp bất thường lần thứ 5 xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn
Phóng viên: Với những nội dung quan trọng như vậy, đại biểu kỳ vọng gì khi các Luật, Nghị quyết đó dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường này?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quối hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước, thể hiện tính tuân thủ nghiêm túc của công tác lập pháp. Minh chứng là đối với 02 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 02 dự án Luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng tại Kỳ họp thứ 6, nhưng vẫn có những nội dung, vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất… Do đó, Quốc hội đã nghiêm túc cân nhắc và chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 6 mà quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án Luật.
Vì vậy, sau thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các Luật, tôi cũng như rất nhiều cử tri đều kỳ vọng và tin rằng, hai Luật này sau khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ được thực thi đồng bộ với một số Luật có mối liên quan chặt chẽ mà đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, đó là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo đó, các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thị trường bất động sản, dịch vụ thương mại… sẽ được kích cầu và tăng mạnh trở lại trong thời gian tới.
Cùng với đó, tôi cũng kỳ vọng khi Quốc hội thảo luận và thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc và khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua như tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do một số khó khăn, vướng mắc cần phải được kịp thời tháo gỡ về: Phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương (chi thường xuyên) hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước… Khi Quốc hội xem xét, quyết định thông qua Nghị quyết với những giải pháp chính sách đặc thù, khi đi vào thực hiện thì việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới sẽ đạt được hiệu quả như mục đích, yêu cầu và nội dung mà các Chương trình đã đề ra.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!