BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NĂM 2018 VÀ DỰ KIẾN NĂM 2019 CỦA NHÓM NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM

16/03/2021

Báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại năm 2018 và dự kiến năm 2019 của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam.

QUỐC HỘI KHÓA XIV

NHÓM NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Số 33/BC-NNĐBQH14

V/v kết quả hoạt động đối ngoại năm 2018 và dự kiến năm 2019

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2018

 

 

Kính gửi: Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 

Thực hiện sự “chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động đối ngoại” của Ủy ban thường vụ Quốc hội[1] và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Chủ tịch Nhóm, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả đối ngoại năm 2018 và dự kiến năm 2019.

          I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NĂM 2018

  1. Các hoạt động quốc tế tại Việt Nam

  a) Tổ chức và tham gia Hội nghị Nữ nghị sĩ tại Diễn đàn thường niên Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26)

Chủ tịch Nhóm, Ban thường trực và thành viên Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia quá trình chuẩn bị, tổ chức và tham dự Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF lần thứ 3 được tổ chức vào buổi sáng ngày 18/01/2018 với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu khai mạc, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Nữ Nghị sĩ - một mạng lưới quan trọng gắn kết các nữ nghị sĩ để cùng thảo luận về bình đẳng giới và các vấn đề cùng quan tâm khác vì lợi ích phụ nữ và trẻ em gái. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành Hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận trung ương Trương Thị Mai báo cáo đề dẫn.

Các ý kiến phát biểu của các đại biểu đến từ các nghị viện thành viên APPF, trong đó có đại diện Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam chia sẻ các kinh nghiệm trong đảm bảo bình đẳng giới và các quyền lợi khác của phụ nữ và trẻ em gái, những thành công cũng như khó khăn ở mỗi quốc gia, từ đó kêu gọi các nghị viện, các nghị sỹ quan tâm và phối hợp hành động, thông qua các chức năng lập pháp, giám sát, nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, thực hiện ngân sách giới. Các đại biểu tham dự đã nhất trí kiến nghị việc bổ sung cơ chế Hội nghị nữ nghị sĩ APPF trong Quy chế hoạt động của APPF và đã được APPF-26 nhất trí thông qua. Như vậy, một trong các dấu ấn của APPF-26 trong lịch sử APPF là đã đưa cơ chế Hội nghị Nữ Nghị sĩ APPF trở thành một diễn đàn chính thức để các nghị sĩ có thể trao đổi mọi vấn đề về bình đẳng giới, kỳ vọng sẽ là một cơ chế hữu hiệu giải quyết những vấn đề khu vực như buôn bán phụ nữ, bảo vệ người di cư và những vấn đề là mối quan tâm chung của các nghị viện thành viên.

Ngoài ra, Hội nghị đã nhất trí dự thảo Nghị quyết chung do 6 nước đồng bảo trợ về chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và được APPF-26 thông qua.

b) Tiếp và làm việc với các Đoàn khách quốc tế tại Việt Nam[2]

- Tổ chức cuộc Gặp mặt và làm việc của Lãnh đạo Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình với các nữ Đại sứ, nữ Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ và thiết lập, tăng cường mối quan hệ giữa Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV và các nữ Đại sứ, nữ Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức quốc tế; góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam với Quốc hội các nước, với các tổ chức quốc tế; đồng thời, giới thiệu tới các bạn quốc tế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề phụ nữ dân tộc thiểu số của tỉnh Hòa Bình và nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc vùng Tây Bắc, cũng như kết hợp hoạt động xã hội, từ thiện của Nhóm tại tỉnh Hòa Bình.

 - Đại diện Lãnh đạo Nhóm, theo sự phân công của lãnh đạo Quốc hội và đề nghị của Ủy ban Đối ngoại, Nhóm đã tiếp và làm việc với Đại sứ Ailen tại Việt Nam và Bà Helen Pankhurst, người đứng đầu thế giới trong phong trào bình đẳng cho phụ nữ và là cháu gái của nhà hoạt động phong trào đòi quyền bỏ phiếu tại Anh Emmeline Pankhurst. Hai bên đã trao đổi về bình đẳng giới tại hai nước, sự hỗ trợ của Ailen đối với Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bình đẳng giới và khả năng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

- Đại diện Lãnh đạo Nhóm đã tham gia cuộc gặp mặt của Nhóm nữ đại sứ và Trưởng đại diện các cơ quan Liên hợp quốc với các nữ lãnh đạo Việt Nam nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10/2018.

2. Tham dự các diễn đàn đa phương liên nghị viện và hội nghị quốc tế tại nước ngoài[3]

Theo chương trình đối ngoại của Quốc hội nói chung, trong năm 2018, khoảng hơn 30 lượt nữ đại biểu Quốc hội tham gia các đoàn tham dự Hội nghị, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, trong đó có một số Đoàn đáng chú ý như:   

a) Tham dự Đại hội đồng lần thứ 138 và 139 Liên minh Nghị viện thế giới tại Genève, Thụy Sỹ

Thành viên của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia các hoạt động, hội nghị trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-138 (24-26/3/2018) và Đại hội đồng IPU-139 (14-18/10/2018) tại Genève, Thụy Sỹ. Các thành viên đã tham gia các hoạt động tích cực đặc biệt trong Hội nghị nữ nghị sĩ, có trách nhiệm và hiệu quả.

+ Tại Hội nghị nữ nghị sĩ trong khuôn khổ IPU-138, đại biểu Quốc hội nước ta chia sẻ một số nguyên nhân phụ nữ ít tham gia hoạt động chính trị như: (i) yếu tố văn hóa, lịch sử, hoàn cảnh phát triển dẫn tới những quan niệm chưa đầy đủ, đúng đắn về vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị; (ii) điều kiện phát triển của mỗi nước khiến phụ nữ không ý thức được vai trò, vị trí và quyền lợi của mình, không đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ trong xã hội; (iii) môi trường làm việc thiếu lành mạnh khiến phụ nữ còn e dè không tham gia vào lĩnh vực chính trị.

+ Tại Hội nghị nữ nghị sĩ trong khuôn khổ IPU-139, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến từ góc độ giới đối với dự thảo Nghị quyết về Tăng cường hợp tác liên nghị viện về di cư và quản trị di cư với tinh thần thông qua Thỏa thuận toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua các quy định pháp luật về lao động dựa trên các chuẩn mực quốc tế về quyền của phụ nữ, nhân quyền và quyền làm việc để đảm bảo rằng những phụ nữ di cư được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực và bóc lột. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng cần giải quyết những nguyên nhân của việc thiếu đại diện nữ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), do đó cần phải đổi mới các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức người dân về bình đẳng giới, về vai trò của trẻ em gái và phụ nữ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. 

b) Tham dự Đại hội đồng lần thứ 39 Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA - 39) tại Singapore từ ngày 03-07/9/2018

Tại Phiên họp nữ nghị sĩ của AIPA (WAIPA) đã thảo luận, thông qua hai nghị quyết để trình lên Đại hội đồng thông qua:

+ Nghị quyết về Tăng cường vai trò của doanh nhân nữ vì sự phát triển: Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực hoàn thiện nghị quyết; khẳng định vai trò của doanh nhân nữ vì sự phát triển, đồng thời kêu gọi nghị viện các nước cần thiết lập các khuôn khổ pháp lý có tính đến sự ưu tiên dành cho nữ giới làm kinh tế, đồng thời xóa bỏ các rào cản đối với doanh nhân nữ trong việc tiếp cận với các nguồn lực; xóa bỏ các quy định phân biệt đối xử đối với phụ nữ và có những tác động tích cực vào văn hóa kinh doanh nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội.

+ Nghị quyết về Trao quyền cho Phụ nữ trong ASEAN nhằm Khai thác tiềm năng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhấn mạnh các Nghị viện thành viên AIPA cần phải tăng cường nỗ lực chung nhằm khai thác công nghệ mới, giải quyết vấn đề bất bình đẳng, đạt tăng trưởng bao trùm ở các nước ASEAN. Các nữ đại biểu  nước ta đã đóng góp sửa đổi nội dung nghị quyết, kêu gọi các nước xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm khuyến khích phát triển thương mại điện tử; giảm sự khác biệt về trình độ phát triển công nghệ giữa các nước ASEAN; đồng thời làm thuận lợi hóa hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ cho phụ nữ.

c) Tham dự các hoạt động của Mạng lưới nữ nghị sĩ Pháp ngữ trong Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF) tại Canada

- Tham dự Hội nghị Mạng lưới nữ nghị sĩ trong APF tại Ottawa, Canada từ ngày 19-21/3/2018

Với tư cách thành viên Hội đồng điều hành Mạng lưới nữ nghị sĩ Pháp ngữ, đại biểu Việt Nam đã tham dự Hội nghị Hội đồng điều hành và Hội nghị mạng lưới nữ nghị sĩ Pháp ngữ tại Ottawa từ ngày 19 đến 21/3/2018, tham gia thảo luận các báo cáo về “Nhu cầu chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ và trẻ em gái tị nạn”, “Buôn bán người xuyên biên giới trong không gian Pháp ngữ”, “Tăng cường sự độc lập của  phụ nữ trong kỷ nguyên số trong không gian Pháp ngữ” và “Đánh giá việc thực hiện các điều ước quốc tế về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ”.

- Tham dự Đại hội đồng APF lần thứ 44 và Diễn đàn về vai trò lãnh đạo của nữ nghị sĩ tại Québec, Canada từ 5-10/7/2018:

Các đại diện nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Vai trò lãnh đạo của nữ nghị sĩ và các Hội nghị Mạng lưới nữ nghị sĩ, các Ủy ban Thường trực của APF; tham gia thảo luận các nội dung nghị sự về báo cáo chuyên đề, báo cáo hoạt động của các Ủy ban, các Vùng, Mạng lưới nữ nghị sĩ, các Nghị quyết do các Ủy ban đệ trình.

+ Diễn đàn vai trò lãnh đạo của nữ nghị sĩ quy tụ sự tham dự của nhiều nữ nghị sĩ của các phân ban thành viên APF được tổ chức ngay trước khi diễn ra Đại hội đồng, với mục đích là hướng tới sự phát triển các tiềm năng lãnh đạo của phụ nữ thông qua việc tối ưu hóa khả năng cá nhân và kết nối. Hội nghị tập trung vào 4 chủ đề: (i) truyền thông và công việc nghị viện, (ii) sự lãnh đạo ở phụ nữ, (iii) nữ nghị sĩ - nhân tố thúc đẩy sự thay đổi, (iv) cùng phát triển. Nữ đại biểu Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận các chủ đề và Việt Nam được đánh giá có nhiều kinh nghiệm tốt.

+ Hội nghị Mạng lưới nữ nghị sĩ:

Tại Hội nghị Mạng lưới nữ nghị sĩ, các Phân ban thành viên APF đã báo cáo về tình hình hoạt động của các Nghị viện thành viên trong việc thúc đẩy và đảm bảo quyền của Phụ nữ, cập nhật về tỉ lệ phụ nữ tham gia nghị viện; nghe và thảo luận các báo cáo và tham luận chuyên đề: (i) Tăng cường sự độc lập của phụ nữ về kinh tế trong kỷ nguyên số, (ii) Các điều kiện đảm bảo sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái tị nạn, (iii) Hậu quả của việc trẻ em không được khai sinh. Mạng lưới cũng xem xét việc thực hiện các Công ước và cam kết quốc tế về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; ngăn chặn bạo hành phụ nữ. Các đại biểu nữ cũng đã tham gia Tọa đàm về đảm bảo các tiêu chuẩn và thách thức của các quốc gia tiếp nhận phụ nữ tị nạn.

Các nữ nghị sĩ thảo luận về việc thực hiện Tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ Antananarivo tiếp tục ghi nhận quyền của phụ nữ, nhấn mạnh Phụ nữ với vai trò là nhân tố định hướng hòa bình, giữ vai trò chủ đạo trong việc phòng ngừa xung đột cũng như trong tiến trình hòa giải và quyết định; khuyến khích bình đẳng giới và sự độc lập của phụ nữ về tài chính nhất là trong kỷ nguyên số hướng tới việc phụ nữ ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin để khởi nghiệp.

Các nữ đại biểu tham dự Hội nghị thống nhất đệ trình Đại hội đồng thông qua Nghị quyết về tầm quan trọng của việc áp dụng nguyên tắc bình đẳng giới trong các cơ quan của Cộng đồng Pháp ngữ, nhấn mạnh việc thực hiện các văn kiện quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ trong lĩnh vực bình đẳng giới và văn kiện của Cơ quan Liên hợp quốc về phụ nữ (UNWOMEN), xây dựng Chiến lược của Cộng đồng Pháp ngữ về bình đẳng nam - nữ, trên cơ sở đó khuyến khích các cơ quan của Cộng đồng Pháp ngữ tạo điều kiện cho sự tham gia của phụ nữ trên trường quốc tế: chính sách rõ ràng và có trọng tâm; theo dõi, báo cáo, đào tạo và tăng cường khả năng; hỗ trợ tài chính; chiến lược truyền thông; thực hiện các chương trình phòng chống các hình thức bạo lực nhất là lạm dụng phụ nữ...

Nghị quyết về việc sáng lập một cơ chế trong Tổ chức quốc tế pháp ngữ nhằm khuyến khích bình đẳng nam - nữ, các quyền và sự độc lập của phụ nữ đã được thông qua, nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ như nhân tố của sự phát triển. Việc triển khai Nghị quyết của các nguyên thủ quốc gia đã được Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Michaelle Jean tái khẳng định tại cuộc gặp gỡ giữa Mạng lưới nữ nghị sĩ APF, bằng việc thành lập cơ chế này, sẽ cụ thể hóa các mô hình hoạt động, các nhiệm vụ, đồng thời đưa ra các sáng kiến liên quan tới việc khuyến khích bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Tổng thư ký Pháp ngữ một lần nữa nhắc lại để Cộng đồng Pháp ngữ phát triển vững mạnh, phải xây dựng được nền kinh tế tăng trưởng đồng đều cần các giải pháp xã hội căn bản và trong đó phát huy vai trò của phụ nữ, bảo vệ quyền của người lao động, khuyến khích khởi nghiệp… và các nữ nghị sĩ với vai trò đại diện của người dân sẽ đóng vai trò đặc biệt trong việc đưa ra các giải pháp này.

Bên cạnh đó, Mạng lưới nữ nghị sĩ đã thống nhất trình Đại hội đồng APF Tuyên bố về phòng chống buôn bán phụ nữ.

          d) Tham dự Diễn đàn phụ nữ Á - Âu lần thứ hai tại thành phố Xanh Pê-téc-bua, Liên bang Nga, từ ngày 19-21/9/2018

Đại diện Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia Đoàn Nga do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu dự Diễn đàn Phụ nữ  Á - Âu lần thứ hai tại thành phố Xanh Pê-téc-bua theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko với chủ đề bao trùm “Phụ nữ vì an ninh toàn cầu và phát triển bền vững”.

Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào thành công của Diễn đàn. Trưởng Đoàn Việt Nam đã phát biểu tại phiên khai mạc, khẳng định vai trò của Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu trong việc tích cực triển khai các cam kết toàn cầu; nêu bật những cơ hội cũng như thách thức đối với phụ nữ trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến chuyển sâu sắc; những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, cam kết của Việt Nam sẵn sàng phối hợp và hợp tác trong việc thực hiện các mục tiêu của Diễn đàn;  kêu gọi các quốc gia: (i) Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện trang bị, cập nhật kiến thức cho phụ nữ; (ii) Coi việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cơ hội cho phụ nữ là một trong những trụ cột ưu tiên trong quá trình xây dựng các giá trị chung từ cấp độ tiểu vùng, khu vực tới liên khu vực và toàn cầu, đặc biệt tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp cận nguồn lực sản xuất kinh doanh và tham gia năng động trên thương trường; (iii) Cùng nỗ lực phòng chống và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, mà người chịu thiệt thòi nhất chính là phụ nữ và trẻ em; (iv) Các quốc gia liên quan kiềm chế, không quân sự hóa và ưu tiên giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình nhằm xây dựng một thế giới không có bạo lực và phát triển toàn diện.

Tại phiên chuyên đề “Phụ nữ vì sự phát triển kinh tế cân bằng”, đại biểu Việt Nam chỉ rõ nền kinh tế chỉ có thể phát triển bền vững, cân bằng khi có sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của cả nam giới và nữ giới; khuyến nghị các quốc gia quan tâm xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia trực tiếp vào lĩnh vực kinh tế, thị trường việc làm, đồng thời bảo đảm sự công bằng cho phụ nữ trong thụ hưởng. Tại phiên chuyên đề “Phụ nữ vì sự tiến bộ xã hội”, đại biểu Việt Nam khẳng định phát triển kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; khuyến nghị các quốc gia: (i) Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan lập pháp cũng như các vị trí then chốt; (ii) Tiếp tục cải thiện khung pháp lý về lĩnh vực xã hội có lồng ghép giới, đồng thời bố trí nguồn lực và thúc đẩy thực hiện chính sách cũng như tôn trọng các cam kết quốc tế liên quan; (iii) Tăng cường tham vấn phụ nữ, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực xây dựng chính sách vì phụ nữ và bình đẳng giới.   

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã thông qua Văn kiện về kết quả Diễn đàn với một số nội dung chính: (i) Khẳng định Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu là diễn đàn đối thoại quốc tế mang tính đại diện và thực tế, đóng góp quan trọng vào việc đoàn kết phụ nữ thế giới vì mục tiêu xây dựng một tương lai ổn định và an toàn; (ii) Khẳng định quyết tâm tiếp tục đấu tranh cho bình đẳng nam - nữ, bảo đảm cho phụ nữ được tiếp cận bình đẳng và đầy đủ các nguồn lực kinh tế, mở rộng cơ hội cho phụ nữ thông qua hợp tác quốc tế; phấn đấu đạt tỷ lệ cân bằng giữa nữ giới và nam giới tại các cơ quan lập pháp của thế giới vào năm 2030; (iii) Kêu gọi các quốc gia, tổ chức và cộng đồng quốc tế hoàn thiện các cơ chế pháp lý, soạn thảo và thúc đẩy các chương trình, chiến lược quốc gia nhằm xóa bỏ trở ngại đối với phụ nữ để tham gia đầy đủ và thực sự bình đẳng vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động ngoại giao, các định chế quản trị toàn cầu cũng như trong triển khai các sáng kiến trong khuôn khổ các cơ chế liên kết toàn cầu và khu vực; kêu gọi thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong đối thoại liên tôn giáo và liên sắc tộc. Các đại biểu lên án và kiên quyết phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nghị sĩ, đi ngược lại luật pháp quốc tế và các giá trị dân chủ, gây tổn hại đến hợp tác và lòng tin.

3. Đánh giá chung

Nhìn chung các hoạt động đối ngoại năm 2018 đã được thực hiện tích cực, hiệu quả, sáng tạo, phát huy ưu thế của ngoại giao nghị viện, góp phần vào thành công chung của hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2018. Đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật, quy chế đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và thực hành tiết kiệm, bảo đảm đúng quy định về cơ chế tài chính của Nhà nước. Các nội dung nữ đại biểu Quốc hội tham gia tập trung vào lĩnh vực bình đẳng giới và những lĩnh vực mà nữ đại biểu Quốc hội quan tâm. Việc tham gia hoạt động đối ngoại năm 2018 đã giúp các nữ đại biểu Quốc hội có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, tích luỹ thông tin, cập nhật kiến thức, mở rộng giao lưu quốc tế phục vụ các hoạt động chuyên môn và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, tình hữu nghị.

  II. ĐỀ XUẤT CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NĂM 2019

           1. Đón, tiếp, làm việc với các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam theo sự phân công của Lãnh đạo Quốc hội và đề nghị của Ủy ban Đối ngoại.

           2. Huy động nguồn lực tổ chức 1-2 hội nghị, hội thảo quốc tế dành cho nữ đại biểu Quốc hội, trong đó có Hội thảo “Nâng cao kỹ năng của nữ đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội” phối hợp với Đại sứ quán Úc.

           3. Tổ chức 01 Đoàn của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của nữ nghị sĩ và việc thúc đẩy bình đẳng giới từ nguồn ngân sách hoạt động đối ngoại của Quốc hội. 

           Để thực hiện dự kiến này, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam kính đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bố trí dòng ngân sách riêng cho hoạt động đoàn ra của Nhóm, theo định mức tương tự một đoàn ra của Ủy ban, Ban[4].

           4. Tiếp tục tham gia có hiệu quả các diễn đàn đa phương như: AIPA, IPU, APPF, APF… Đặc biệt, phối hợp với Phân ban Việt Nam trong Liên minh nghị viện Pháp ngữ tổ chức Hội nghị Mạng lưới nữ nghị sĩ Pháp ngữ tại Hà Nội (cuối tháng 2 năm 2019).

           5. Đề xuất cử đại biểu tham dự các Hội nghị quốc tế chuyên đề của các diễn đàn đa phương và tham gia Hội nghị, Hội thảo quốc tế theo sự phân công của lãnh đạo Quốc hội.

           6. Nếu điều kiện cho phép, tổ chức Hội nghị nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam - Cam puchia và Hội nghị nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam - Lào (lần 2).

           7. Các công việc khác theo sự phân công của Lãnh đạo Quốc hội.

           Trên đây là báo cáo về kết quả hoạt động đối ngoại năm 2018 và dự kiến kế hoạch năm 2019, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội trân trọng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

                                                                                                                                        TM. NHÓM NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM

                                                                                                                                        KT. CHỦ TỊCH

                                                                                                                                        PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC

                                                                                                                              

                                                                                                                                       (đã ký)

 

                                                                                                                                           Nguyễn Thúy Anh


[1] theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2016

[2] Hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã được thể hiện  trong Báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2018.

[3] Như trên.

[4] Kinh phí hoạt động của Nhóm hiện nay thực hiện theo Điều 3 Nghị quyết 274/NQ-UBTVQH14 ngày 18/10/2016  thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, theo đó, “Kinh phí hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân bổ hằng năm. Do Văn phòng Quốc hội bảo đảm”.

 

 

Các bài viết khác