Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vào sáng 23/11
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Nội dung dự thảo Luật đã cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc;…
Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết cũng như hồ sơ dự án Luật?
Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Tôi cơ bản thống nhất với những nội dung trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban xã hội về Dự án Luật BHXH (Sửa đổi).
Luật BHXH năm 2014 qua hơn 07 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng ; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp;..
Do đó, việc kịp thời sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là rất cần thiết nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.
Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động; Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu;…
Phóng viên: Thưa đại biểu, một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại hội trường là quy định về bảo hiểm xã hội một lần. Vậy, quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Tôi cơ bản tán thành quan điểm hạn chế tiến tới chấm dứt cho người lao động rút BHXH một lần. Bên cạnh các chính sách rút ngắn thời gian bắt đầu hưởng lương, chính sách hỗ trợ về tín dụng, trợ cấp hưu trí, … thì quy định dứt khoát từ phía nhà nước là cần thiết.
Do đó, tôi ủng hộ phương án 1 trong dự thảo. Tuy nhiên, cần tăng cường tuyên truyền lợi ích của BHXH để người lao động nhận biết đây vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, hỗ trợ họ cả trong thời gian lao động và khi hết tuổi lao động, khoản đóng góp quỹ còn có phần không nhỏ là từ phía người sử dụng lao động, chưa kể các hình thức hỗ trợ từ nhà nước. Do đó đấy cũng là trách nhiệm của người lao động với an sinh xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, về lâu về dài, nếu các chính sách an sinh xã hội của nhà nước dành cho người lao động hiệu quả, lợi ích người lao động được nhận bền vững, công tác phổ biến quy định BHXH thực hiện thường xuyên, việc quản lý nhà nước về BHXH, xử lí vi phạm thực hiện tốt sẽ tạo niềm tin cho người dân vào chính sách này, nhất là khi Việt Nam đang bước vào thời khi già hóa dân số như hiện nay, thì càng cần các quy định dứt khoát để đảm bảo an sinh xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
Phóng viên: Một trong những điểm mới tại dự thảo luật lần này là bổ sung thêm các quy định về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo quan điểm của đại biểu, quy định tại dự thảo đã phù hợp, đủ sức răn đe nhằm chấm dứt tình trạng này hay chưa?
Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Mặc dù đã có sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, để hoàn thiện quy định tại dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua, đề nghị nghiên cứu, rà soát một số nội dung sau:
Thứ nhất, biện pháp ngưng xử dụng hóa đơn, cụ thể trong khoản 2 dự thảo: “Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng.” Kiến nghị xem xét lại biện pháp này do những ảnh hưởng không tích cực đến người lao động và đặc thù biện pháp này chủ yếu dành cho hoạt động quản lý thuế.
Thứ hai, biện pháp “hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động” – Khoản 3 dự thảo cũng khuyến nghị nên xem xét lại vì đây là biện pháp ngăn chặn phòng ngừa nguy cơ bỏ trốn của người đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự do đó cần cân nhắc cách quy định để tránh nguy cơ tùy tiện khi áp dụng.
Thứ ba, về tiền nộp thêm khi chậm đóng, chậm nộp BHXH, theo Luật phá sản hiện hành, khoản ưu tiên thanh toán khi phá sản doanh nghiệp hợp tác xã hiện chỉ có lương mà không có khoản nợ BHXH có nghĩa quyền lợi của người lao động vẫn không được đảm bảo về lâu dài, do đó khuyến nghị nên xác định tiền BHXH chậm, chưa nộp là khoản ưu tiên bảo vệ như lương của người lao động thay vì xác định mức nộp thêm.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!