Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, sửa đổi, bổ sung các nội dung lớn: Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Về hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; Về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.
Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao Tòa án nhân dân tối cao đã chuẩn bị công phu hồ sơ dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6; đồng thời nêu một số quan điểm, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện dự án luật.
Phóng viên: Qua nghiên cứu dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết sửa đổi luật?
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Tôi cơ bản thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014, nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện thể chế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tôi đánh giá cao trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội; hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội đã được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Qua các hội thảo khoa học, trên cơ sở các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về cải cách tư pháp và kết quả thẩm tra của Ủy ban Tư pháp; TANDTC đã cầu thị, tiếp thu hoàn chỉnh Dự thảo Luật với 154 Điều, được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 57 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023. Vì, vậy, theo tôi dự thảo Luật đảm bảo điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Mặt khác, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW, ngày 28/11/2022 để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó giao Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao chủ trì xây dựng 05 Đề án; các Đề án này có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND liên quan đến nhiều quy định của các luật khác nhau. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao nên tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các Luật về tố tụng, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự,… đề xuất những nội dung có liên quan cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất.
Phóng viên: Một trong những quy định nhận được nhiều ý kiến quan tâm đóng góp ngay từ khi dự thảo trình cơ quan thẩm tra cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quy định về quyền tư pháp của Tòa án trong dự thảo luật. Quan điểm của đại biểu về nội dung này?
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Về nội dung Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp (quy định tại khoản 2 Điều 2 và khoản 1 Điều 3), vấn đề này hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, từ thực tiễn Hội nghị góp ý đối với dự thảo Luật này do Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tổ chức và qua nghiên cứu nội dung trình của Tòa án nhân dân tối cao và kết quả thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, tôi thống nhất cao việc phải quy định “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” trong dự thảo Luật này. Bởi, khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, nhưng từ đó đến nay nội dung “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” chưa được cụ thể hóa nên chưa có cách hiểu thống nhất về nội dung này.
Mặt khác, việc quy định “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” trong dự thảo Luật để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 27 (xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp) và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Phóng viên: Tương tự như quy định về quyền tư pháp, dự thảo Luật TAND (sửa đổi) cũng sử đổi, bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến việc bỏ quy định thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử (Điều 15 của dự thảo Luật); Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”… Xin đại biểu cho biết quan điểm của đại biểu về những quy định này?
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Về việc bỏ quy định thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử (Điều 15 của dự thảo Luật), khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật quy định: “Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.”
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị góp ý dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng, kết quả hội nghị góp ý dự thảo Luật do Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tổ chức, rất nhiều quan điểm đồng thuận với quy định trong dự thảo Luật là “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” và bản thân tôi cũng đồng thuận với quan điểm này. Bởi, theo pháp luật tố tụng hiện hành, trong vụ án hình sự nghĩa vụ thu thập chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội là thuộc về trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát; còn trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đương sự có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ khách quan, đúng đắn và hợp pháp. Việc Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ có thể dẫn tới việc không vô tư, không khách quan. Mặt khác, việc quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” là phù hợp với thông lệ của các nước có nền tư pháp phát triển và xu hướng từng bước phát triển của nền tư pháp nước ta.
Tuy nhiên, thực tế kiến thức pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa cao, khả năng tự thu thập chứng cứ là rất khó khăn nên việc bỏ quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”, bước đầu áp dụng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Để khắc phục vấn đề này, tôi đề nghị Ban soạn thảo quan tâm 2 nội dung sau đây, khi quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”, cụ thể:
Đầu tư nguồn lực để Trung tâm trợ giúp pháp lí của Bộ Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lí miễn phí cho các đối tượng yếu thế, gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số…
Khi quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”, cần nghiên cứu bổ sung thêm các “phương thức thu thập chứng cứ” vào dự thảo Luật, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc cung cấp chứng cứ.
Đối với quy định tại khoản 4, Điều 15, “Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính…”, cần quy định rõ đối tượng người yếu thế gồm những ai, nghiên cứu thêm đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí theo Luật trợ giúp pháp lý hiện hành.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), nhiều ý kiến đồng tình với quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”.
Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (Chương III), tôi đồng tình với nội dung dự thảo Luật và nhận định, đánh giá của Ủy ban Tư pháp; tức là dự thảo Luật giữ quy định về “Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia” như Luật hiện hành, chưa đặt vấn đề thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia; đồng thời, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của “Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Tuy nhiên, việc quy định: “Cơ quan giúp việc của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia là đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao” (khoản 3 Điều 39) cần bảo đảm nguyên tắc không làm tăng thêm đầu mối và biên chế.
Ngoài ra, dự thảo Luật TAND (sửa đổi) cũng quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” (điểm đ khoản 2 Điều 3 và Điều 30). Về nội dung này, tôi hoàn toàn thống nhất với quy định trong dự thảo Luật là bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” cho Tòa án, bởi lẽ hiện nay duy nhất Tòa án nhân dân mới có quyền nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để phán quyết một người là có tội hay không có tội, phán quyết các tranh chấp.
Phán quyết của Tòa án liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, Tòa án phải có trách nhiệm “giải thích rõ ràng trong bản án, quyết định lý do lựa chọn quy định cụ thể của pháp luật để giải quyết vụ việc”. Bị cáo, đương sự có quyền được biết tại sao họ bị xét xử hình sự, bị áp dụng hình phạt hoặc phải chấp hành nghĩa vụ dân sự… và đây là hoạt động giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, đã được các Tòa án thực hiện từ trước đến nay.
Mặt khác, việc Tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử không trùng lẫn, xung đột với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Gần đây, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội cũng đã khẳng đinh: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giải thích những điều khoản đã rõ hoặc không có yêu cầu”. Việc giải thích pháp luật để thống nhất áp dụng thuộc về cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nhưng không trái với Hiến pháp, luật hiện hành.
Ngoài các nội dung trên, qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi cũng đóng góp ý kiến hoàn thiện các quy định của dự thảo luật liên quan đến: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân; Bình đẳng trước pháp luật và Tòa án; Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án; Bảo đảm quyền uy tư pháp; Trách nhiệm phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan, tổ chức; Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm; Xem xét, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử; Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án về thi hành án; Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao; Bảo vệ Thẩm phán; Bãi nhiệm Thẩm phán; Chế độ, chính sách đối với Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm… Những nội dung này tôi cũng góp ý tại phiên thảo luận Tổ vào ngày 9/11, hy vọng những ý kiến đề xuất này sẽ được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!