PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH DƯƠNG NGUYỄN THỊ NGỌC XUÂN: ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN LỜI HỨA CỦA CÁC THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ, ĐI ĐẾN CÙNG GỐC RỄ VẤN ĐỀ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI

05/11/2023

Ngày mai (6/11), Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Trước thềm phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu rõ, phiên chất vấn nhằm đánh giá việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành, thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, qua đó, đi đến tận cùng gốc rễ của các vấn đề đã giám sát, chất vấn, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội.

Theo dòng sự kiện

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, từ ngày 6/11 - 8/11, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Cụ thể, sáng 6/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần lượt trình bày các Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về vấn đề này. Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với tất cả các lĩnh vực và được chia theo 4 nhóm.

Trước thềm phiên chất vấn, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương xoay quanh phiên họp quan trọng này.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Chất vấn tất cả các lĩnh vực, chia theo 4 nhóm

Phóng viên: Ngày mai (6/11), Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Đại biểu đánh giá như thế nào về các nội dung chất vấn tại Kỳ họp này có điểm gì khác so với các kì họp trước?

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Chất vấn và trả lời chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp đặc biệt hiệu quả của Quốc hội trong thời gian qua. Hình thức giám sát này được quy định tại Điều 80 của Hiến pháp 2013 và được cụ thể hóa tại Điều 32 Luật Tổ chức Quốc hội.

Phát huy kết quả của các kỳ họp trước, tại Kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là kỳ họp đánh giá giữa nhiệm kỳ nên khác với các kỳ họp trước, việc chất vấn tại kỳ họp này sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề được thông báo trước đối với một số bộ, ngành như tại các kỳ họp thông thường mà sẽ chất vấn tổng thể chung. Theo đó, sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, tư lệnh các ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn cũng như Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Một điểm mới của hoạt động chất vấn lần này và nhằm điều hành khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với tất cả các lĩnh vực, chia theo 4 nhóm lĩnh vực có sự liên kết, tương tác với nhau gồm: (1) nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng); (2) nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường); (3) nhóm lĩnh vực văn hoá - xã hội; (4) nhóm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán.

Tôi nhận thấy, tài liệu phục vụ đại biểu trong phiên chất vấn đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ và gửi lên phần mềm E-Office để các đại biểu nghiên cứu, làm cơ sở chất vấn diễn ra từ ngày 06/11 đến sáng ngày 08/11/2023. Các đại biểu Quốc hội  luôn theo sát chương trình kỳ họp, chuẩn bị sẵn sàng cho phiên chất vấn này.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cho đầu tư công, giáo dục và y tế

Phóng viên: Trong các lĩnh vực chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, đại biểu quan tâm nhất đễn lĩnh vực nào và những tồn tại, hạn chế của lĩnh vực đó là gì? Từ đó, đại biểu có kiến nghị giải pháp cụ thể nào nhằm tháo gỡ những bất cập, hạn chế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội?

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Chất vấn thực chất là để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, nhất là Bộ trưởng, Trưởng ngành với những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực quản lý và kiến nghị giải pháp tháo gỡ hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV tới nay, tôi cũng như các vị đại biểu Quốc hội quan tâm toàn diện đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tư pháp, nội chính, quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực tạo đột phá phát triển… nhằm thúc đẩy và tìm kiếm giải pháp phát triển đất nước bền vững theo mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra.

Lĩnh vực mà tôi rất quan tâm, đó là hoàn thiện thể chế cho đầu tư công, giáo dục và y tế. Qua giám sát và qua các phiên thảo luận kinh tế - xã hội vừa qua, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức song kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, tuy nhiên nhiều quy định, thủ tục trong đầu tư công, giáo dục, y tế chưa kịp thời sửa đổi, ban hành, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, không kịp thời khơi thông nguồn lực phát triển đất nước và phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức, nhân sự cho công tác hoàn thiện thể chế quốc gia còn bất cập; kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, hoàn thiện thể chế còn chưa nghiêm, chưa đúng tiến độ, chất lượng mà Quốc hội quyết nghị, Chính phủ kết luận; chưa có chế tài đủ mạnh trong vấn đề này.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Để giải quyết căn cơ tình trạng chậm hoàn thiện thể chế, chính sách cho đất nước, tôi kiến nghị:

- Đánh giá tổng kết thực tiễn, đầu tư nguồn lực nhiều hơn, mạnh hơn về con người, tài chính, khoa học công nghệ… cho công tác thể chế ở cấp Quốc gia, cấp tỉnh để tạo đột phá hơn nữa về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vấn đề này, nhiều đại biểu, bộ, ngành, địa phương có kiến nghị nhiều nhưng thật sự chưa đủ nguồn lực để tạo đột phá.

- Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ các bộ ngành rà soát, có kế hoạch, danh mục chi tiết hoàn thiện thể chế, phân công rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành.

- Quốc hội, UBTVQH tăng cường chỉ đạo giám sát việc hoàn thiện pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, hàng năm có báo cáo công khai kết quả hoàn thiện thể chế trên từng lĩnh vực cho đại biểu Quốc hội và cử tri biết, giám sát.

- Kiến nghị lấy kết quả hoàn thiện thể chế chính sách là một trong tiêu chí bắt buộc đánh giá kết quả  thi đua, khen thưởng của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu tổ chức và các cá nhân liên quan.

- Tại cuộc tiếp xúc cử tri lần thứ 5, cử tri Bình Dương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung hoàn thiện chế tài rõ ràng, cụ thể về hành vi, trách nhiệm, thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm trong việc chậm ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai nội dung, thẩm quyền, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và gây ách tắc cho quá trình phát triển đất nước.

Tái giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, đi đến tận cùng gốc rễ của vấn đề đã giám sát, chất vấn

Phóng viên: Từ những nội dung nêu trên, đại biểu đánh giá thế nào về việc chất vấn việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay; qua đó đại biểu bày tỏ kỳ vọng như thế nào về phiên chất vấn này?

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Tái giám sát những vấn đề đã được Quốc hội quyết nghị là yêu cầu và là công việc thường xuyên của đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ này, phiên chất vấn nhằm đánh giá việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu là hoạt động “giám sát sau giám sát”; đồng thời, là cơ sở để đánh giá, đo lường “chữ tín về lời hứa” và đáp lại niềm tin, thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, qua đó, đi đến tận cùng gốc rễ của các vấn đề đã giám sát, chất vấn, tránh tình trạng “hứa suông”, giải quyết không đến nơi, đến chốn. Đây cũng là cơ sở để đánh giá năng lực, hiệu quả tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tư lệnh ngành trên tất cả các lĩnh vực.

Vì vậy, tôi cùng các vị đại biểu Quốc hội tin rằng, việc chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, chương trình chất vấn theo từng nhóm vấn đề ở tất cả các lĩnh vực sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhất là đối với các vấn đề có sự liên kết ngành, những vấn đề khó khăn, vướng mắc đã tồn tại lâu nay hoặc mới phát sinh hoặc những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Với trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, với kinh nghiệm, phương pháp điều hành khoa học, hiệu quả của Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và sự chuẩn bị tốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Trưởng ngành, tôi tin rằng, phiên chất vấn sẽ diễn ra có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội; giúp cho Quốc hội, Chính phủ đề ra được các giải pháp đồng bộ, thiết thực để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục đưa đất nước phát triển bền vững trong thời gian tới, đồng thời nâng cao đời sống sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của nước ta trên trường quốc tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác