ĐẠI BIỂU PHẠM THỊ THANH MAI - ĐOÀN ĐBQH TP. HÀ NỘI: XEM XÉT PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN CHO UBND CẤP TỈNH ĐƯỢC “CÔNG NHẬN CHỦ ĐẦU TƯ” ĐỐI VỚI DỰ ÁN NHÀ Ở CẤP ĐẶC BIỆT

01/11/2023

Góp ý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp căn cơ liên quan đến việc xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội, trong đó đề nghị xem xét, điều chỉnh theo hướng phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh được“công nhận chủ đầu tư” đối với dự án nhà ở cấp đặc biệt, cấp I.

Theo dòng sự kiện

Phóng viên: Thưa đại biểu, trên thực tế, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở hiện nay hầu hết có các công trình cấp đặc biệt, cấp I. Góp ý về việc phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), bà có ý kiến như thế nào?

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai: Góp ý về việc phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tôi đề nghị, bỏ nội dung “Trường hợp trong kế hoạch có sử dụng nguồn vốn ngân sách để phát triển nhà ở thì phải lấy ý kiến của Hội đồng Nhân dân cùng cấp trước khi phê duyệt” tại điểm b khoản 1 Điều 29. Vì căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh là chương trình phát triển nhà ở đã được HĐND cùng cấp thông qua và UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt (HĐND cũng thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm đối với các dự án sử dụng vốn NSNN).

Về việc chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở (khoản 4 Điều 35), đại biểu nhấn mạnh, với phân tích của Ủy ban Pháp luật tại báo cáo số 2075 cho thấy không nên quy định việc công nhận chủ đầu tư trong Luật Nhà ở, Luật Xây dựng mà cần thống nhất thực hiện theo Luật Đầu tư. "Cần bổ sung quy định về việc chấp thuận chủ đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án tại Luật Đầu tư và sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 7 của Luật Xây dựng để bỏ thủ tục công nhận chủ đầu tư.

Trong trường hợp vẫn giữ quy định công nhận chủ đầu tư trong dự thảo Luật này thì điểm a, b khoản 4 Điều 35, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh theo hướng phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh về “công nhận chủ đầu tư” đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án có xây dựng công trình nhà ở cấp đặc biệt, cấp I theo quy định của pháp luật về xây dựng thuộc địa bàn một tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương). Theo lý giải của đại biểu, trên thực tế, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở hiện nay hầu hết có các công trình cấp đặc biệt, cấp I. Việc phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện để rút ngắn thời gian thực hiện dự án, giảm thủ tục hành chính cho chủ đầu tư và giúp chính quyền địa phương chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc phân cấp, ủy quyền là phù hợp với thực tiễn và cần thiết"

Về chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại (Điều 36), đối với hình thức sử dụng đất được đầu tư dự án nhà ở thương mại (khoản 4 Điều 36), đại biểu tán thành quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình, quy định đã thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; việc tháo gỡ, cho phép một số loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, vốn, năng lực, kinh nghiệm, sẽ thúc đẩy và giải phóng nguồn lực từ đất đai, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cần quy định nội dung này tại Luật Đất đai để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục các điểm xung đột, chồng chéo trong thực tiễn"

Bên cạnh đó, trên thực tế hiện nay tại địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, khi thực hiện giải phóng mặt bằng vướng mắc “đất công” nằm xen kẹt dự án nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Do đó, tại Điều 36 của dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định cụ thể hướng xử lý trong trường hợp đất “đất công” nằm xen kẹt trong phạm vi ranh giới dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Phóng viên: Thưa bà, đối với quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, bà kiến nghị như thế nào để chủ đầu tư phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch?

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai: Đối với trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại (Điều 41), tôi đề nghị, tại khoản 2 Điều 37 dự thảo Luật, ngoài nội dung quy định trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án phải xây dựng nhà ở và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, nội dung và tiến độ dự án đã được phê duyệt.  bởi thực tiễn có nhiều dự án nhà ở thương mại được đầu tư xây dựng 20 năm nay, đã bán cho người dân ở lấp đầy, nhưng vẫn thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, như trường học, bệnh viện, bãi đỗ xe... Điều này gây khó khăn cho người dân và quản lý của chính quyền địa phương.

Riêng đối với trường hợp dự án có phân kỳ đầu tư thì phải thực hiện xây dựng theo đúng phân kỳ đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, tôi đề nghị, bổ sung quy định phải "bảo đảm đồng bộ và tiến độ theo quyết định của cấp có thẩm quyền và hoàn thành trước khi bán nhà cho người dân.

Về nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư (Điều 49), tôi cho rằng, tại khoản 2 Điều 49 đề nghị bỏ nội dung “Trường hợp tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội thì người được tái định cư được ưu tiên bố trí nhà ở xã hội không phải qua hình thức bốc thăm”. Bởi trên thực tế, trong các tòa nhà chung cư sẽ có những vị trí được nhiều người lựa chọn và vị trí nhiều người không muốn chọn, nên nếu không có hình thức bốc thăm sẽ không giải quyết được vấn đề này, dễ phát sinh tiêu cực.

Phóng viên: Thưa bà, với vấn đề cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, quan điểm của bà như thế nào về quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư trong dự thảo Luật?

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai: Riêng đối vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, mà cụ thể là thời hạn sử dụng nhà chung cư (Điều 58), tôi cho rằng với tính chất đô thị lớn, để phát huy hiệu quả sử dụng đất, việc phát triển xây dựng các khu đô thị, nhà ở chung cư theo chiến lược phát triển đô thị là tất yếu. Tuy nhiên, việc đa dạng các loại hình chung cư, phù hợp với thu nhập và xu thế phát triển cần cân nhắc quy định về thời hạn sử dụng chung cư tương ứng quy chuẩn, chất lượng để khi các nhà chung cư xuống cấp với hàng trăm, hàng ngàn căn hộ (thật sự rất khó thỏa thuận) thì có căn cứ để Nhà nước thu hồi đất.

Đối với các dự án nhà ở khác phải thu hồi đất, tôi tán thành cao đối với dự thảo quy định các trường hợp thu hồi đất khi nhà chung cư phải phá dỡ nêu tại khoản 4 Điều 60 và điểm c khoản 1 Điều 63 bởi hai trường hợp này đều phải thu hồi đất để thực hiện dự án khác theo quy hoạch hoặc để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.

Về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Điều 68, Điều 69, Điều 70), tôi đồng tình với Uỷ ban Pháp luật theo các nội dung đã chỉnh lý tại các Điều 68, Điều 69, Điều 70: đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục thực hiện áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ; đối với chung cư xây dựng sau năm 1994 thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà ở chung cư và được nộp kinh phí này theo tiến độ dự án hoặc sau khi bàn giao căn hộ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở (còn lại) nếu có theo quy định của Chính phủ.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác