PHÁT NGÔN ẤN TƯỢNG CỦA NỮ ĐBQH TẠI HỘI NGHỊ ĐBQH HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN (SỬA ĐỔI)
Kỳ vọng các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đảm bảo chất lượng tốt nhất
Phóng viên: Từ ngày 28/08-30/08, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6 để thảo luận, góp ý kiến về 08 dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đại biểu đánh giá như thế nào về công tác tổ chức của Hội nghị này? Qua Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, đại biểu kỳ vọng gì về công tác chuẩn bị các dự án Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Với tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu nghiêm túc, các ĐBQH chuyên trách tại Hội nghị lần thứ 6 đã rất chủ động đăng ký phát biểu và phát biểu sâu sắc, xác đáng, chỉ ra được những khuyết thiếu cần bổ sung, hoàn chỉnh các dự án Luật. Tôi nhận thấy, công tác điều hành, chỉ đạo của Chủ tọa Hội nghị toàn diện, sâu sát; việc tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo các dự án Luật rất cầu thị, cẩn trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế
Về cơ bản, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch đề ra. Không những thế, không khí thảo luận tại Hội nghị sôi nổi, tâm huyết. Cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã công phu, trách nghiệm để chuẩn bị tài liệu trình Hội nghị và giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Tôi cho rằng, thông qua Hội nghị, đây cũng là dịp để cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến tham gia vào các dự án luật để tiếp tục hoàn chỉnh các dự án luật, các hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đây cũng là một bước chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chuẩn bị “từ sớm, từ xa” các dự án luật, hồ sơ, tài liệu trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.
Hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tập trung thời gian, nhân lực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để rà soát, hoàn thiện các dự thảo luật đảm bảo đúng chất lượng và tiến độ, thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chịu trách nhiệm tới khâu cuối cùng về các dự án luật.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu như vậy, tôi tin tưởng rằng, các dự án Luật được góp ý tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách sẽ đảm bảo chất lượng tốt nhất và đạt sự đồng thuận cao từ các ĐBQH khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới.
Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau mà một số dự án luật gửi đến ĐBQH chuyên trách rất muộn như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), do vậy, tôi hy vọng tình trạng này sẽ sớm được Cơ quan soan thảo, Cơ quan thẩm tra khắc phục trong thời gian tới để các ĐBQH chuyên trách có thêm nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu một cách kỹ lưỡng.
Nên quy định đất Khu kinh tế trong Luật Đất đai (sửa đổi)
Phóng viên: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, thứ 5 và dự kiến xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ 6. Cho đến thời điểm này, với rất nhiều nỗ lực và đầu tư công sức của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật đã có bước tiến dài song một số nội dung còn chưa rõ ràng. Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì nhằm bổ sung, cụ thể hóa các nội dung chưa rõ và hoàn thiện dự án Luật này?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những dự án Luật rất quan trọng và nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐBQH, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri cả nước. Dự thảo đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, thứ 5 và dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới.
Quan tâm đến vấn đề tái định cư được quy định ở các Điều 86, Điều 87 và trong Chương 7 của dự thảo Luật (tử Điều 91 đến Điều 111), tôi cho rằng, các nhiệm vụ, trình tự thủ tục và nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất tuy đã rõ nhưng đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một khoản vào Điều 91 hoặc 1 điểm vào khoản 5 Điều 91 nội dung: đối với các dự án thu hồi đất phải bố trí tái định cư, cần thực hiện hoàn thành việc bố trí tái định cư (bàn giao nhà ở; bàn giao đất ở gắn liền với nhà ở tái định cư) trước khi thu hồi đất để tạo sự ổn định, nâng cao sự đồng thuận xã hội, mà đặc biệt là hoàn thành sứ mệnh của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Đáng lưu ý, trong dự luật mới, nội dung về Đất sử dụng cho Khu kinh tế ở Điều 151 của Luật Đất đai năm 2013 thành Điều 204, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại, vì việc không quy định đất Khu kinh tế sẽ phát sinh một số khó khăn, vướng mắc và cản trở sự phát triển toàn diện, bền vững của kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, sự hình thành, phát triển của các Khu kinh tế đã đạt được những thành quả rất tốt đối với kinh tế - xã hội đất nước. Hiện nay, trên cả nước có 26 Khu kinh tế cửa khẩu, 18 khu kinh tế ven biển, với hơn 1.900 dự án đã được cấp phép đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 1.880 nghìn tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 60,4 nghìn ha; giá trị sản xuất đạt gần 676 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 37,4 tỷ USD; tạo ra hàng triệu việc làm, chủ yếu là lao động các địa phương có Khu kinh tế. Qua đó, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo điều kiện cho tăng trưởng trong dài hạn.
Thứ hai, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 với các cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư và phát triển các Khu kinh tế. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và đã giao bộ ngành chức năng xây dựng dự án Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế trình Chính phủ xem xét, quyết định trong Quý IV/2023.
Vì vậy, tôi cho rằng, nếu bãi bỏ quy định đất Khu kinh tế trong Luật Đất đai (sửa đổi) thì sẽ bất cập với Chương trình, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng các khu chức năng của Khu kinh tế, các dự án của các nhà đầu tư, đặc biệt là tính hấp dẫn về môi trường đầu tư và ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển các Khu kinh tế của đất nước đã được Bộ Chính trị định hướng tại Nghị Quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Thứ ba, Khu kinh tế bao gồm các khu chức năng như: Khu cảng nước sâu, khu đô thị, khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế với quy mô rất lớn, ảnh hưởng đến Vùng và lãnh thổ. Do đó, cần được quy định trong Luật Đất đai về thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng mới tập trung đầu tư phát triển các dự án. Việc sử dụng đất trong Khu kinh tế đã được quy định trong các Luật đất đai trước đây có tính ổn định, đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội các vùng có Khu kinh tế, hỗ trợ và thúc đẩy đầu tư các dự án trong các phân khu chức năng và chính sách cần được duy trì ổn định, nhất là với lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
Do đó, với những phân tích nêu trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nên quy định đất Khu kinh tế trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
Ngoài ra, liên quan đến phát triển quản lý và khai thác quỹ đất ở Chương 9, tôi nhận thấy, các cơ chế chịu trách nhiệm, cơ chế thực hiện các chức năng được giao, cơ chế hợp tác và cơ chế kiểm soát rất cần được làm rõ nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng yêu cầu về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng ngừa lạm quyền, lợi ích nhóm.
Bổ sung điều riêng về nhà ở công nhân khu công nghiệp trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Phóng viên: Cùng với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), cũng nhận được nhiều sự quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia. Đại biểu đánh giá như thế nào về tính thống nhất, đồng bộ giữa các dự án Luật này? Qua đó, đại biểu kiến nghị gì nhằm hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Tôi cho rằng, Luật Nhà ở chỉ quy định về nhà ở và kinh doanh nhà ở, còn về đất và kinh doanh đất thì chúng ta nên quy định trong Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, vì các luật có cùng một thời điểm hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Tôi nhận thấy, đối với các trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, để thu hút đầu tư đối với một số dự án nhà ở, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định một số trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên, Điều 157 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn thiếu trường hợp miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân. Do vậy, tôi đề nghị cần rà soát lại, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các dự án Luật: Nhà ở (sửa đổi), Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm tránh mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp.
Thứ nhất, về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), tôi nhận thấy, các vấn đề cần quan tâm cả lý luận và thực tiễn đó là xác định quyền sở hữu để chủ sở hữu nhà ở có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt và hưởng lợi ích, quy hoạch và phân bổ quỹ đất, chính sách phát triển nhà chung cư, chính sách phát triển nhà ở xã hội đã có sự rà soát từ các cơ quan chuyên môn, soạn thảo, ý kiến các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng dự án Luật vẫn cần tiếp tục được hoàn chỉnh thêm.
Thứ hai, cần phân biệt giữa cấu trúc hạ tầng cũng như vị trí hình thành nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và nhà chung cư gắn với chế định về quy mô, công năng nhằm phát huy giá trị của từng loại hạ tầng nhà và tránh bị phá vỡ quy hoạch, không gian, mỹ quan theo quy định.
Thứ ba, có rất nhiều ĐBQH chuyên trách quan tâm đến nhà lưu trú công nhân, tôi cũng quan tâm nội dung này. Nhà lưu trú công nhân được quy định ở Điều 73 và cũng được quy định cụ thể từ Điều 89 đến Điều 92. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần xác định rõ nội hàm giữa nhà ở của công nhân và nhà lưu trú của công nhân. Vì theo Nghị quyết số 06/NQ-TW của Bộ Chính trị và dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sử dụng thuật ngữ “nhà ở” chứ không phải “nhà lưu trú”.
Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) 2 phương án: (1) Bổ sung điều riêng về nhà ở công nhân khu công nghiệp để đồng bộ, nhất quán từ chủ trương của Đảng đến pháp luật, chính sách của Nhà nước; (2) Điều chỉnh tên gọi của Điều về "Nhà lưu trú của công nhân" thành "Nhà ở công nhân" và chuyển các nội dung quy định về nhà lưu trú công nhân thành các khoản, điểm.
Bởi lẽ theo tôi, nội hàm nhà ở công nhân có thể bao gồm nhà lưu trú công nhân. “Lưu trú” mang tính tạm thời, công nhân ở luân phiên theo ca, kíp lao động và có thể được xây dựng ngay trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; còn “nhà ở” mang tính lâu dài, ổn định, và có thể xây dựng ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Lực lượng này không hề nhỏ trong việc đóng góp tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. An cư sẽ lạc nghiệp thì mới ổn định lâu dài.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!