CHÙM ẢNH: NỮ ĐBQH TẠI CÁC PHIÊN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An
Số doanh nghiệp giải thể, phá sản gia tăng
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An nhấn mạnh, cử tri và Nhân dân ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua trong công tác điều hành đã trình Quốc hội quyết định các chính sách quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, qua các báo cáo đánh giá, cử tri rất quan tâm đến tình hình các doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng, các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng dẫn đến người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, thu nhập rất khó khăn. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm một lần vẫn đang tăng. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 01/2023 đã có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc, trong đó lao động tại doanh nghiệp FDI chiếm 75%. Khi thất nghiệp không có việc làm, thu nhập sẽtiềm ẩn mất an toàn, trật tự xã hội, tội phạm cũng như vi phạm pháp luật có nguy cơ tăng.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An ghi nhận rất nhiều ý kiến của công nhân lao động về những tâm tư, chia sẻ sự khó khăn, phản ánh những bất cập của những quy định pháp luật cũng như nguyện vọng, kiến nghị, đề đạt của công nhân về chính sách và những quy định liên quan đến lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là mong muốn tiếp cận và mua nhà ở xã hội.
Chủ động và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc điểm nghẽn tại địa phương
Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, Báo cáo số 323 ngày 17/5/2023 của Chính phủ đã đánh giá rất cao về kết quả triển khai các chương trình chính sách về lao động, việc làm, tiền lương. Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đại biểu nêu rõ, điều này cho thấy đã có độ vênh giữa thực tiễn thống kê, đánh giá so với Báo cáo của Chính phủ. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, cũng như phân tích rõ độ vênh giữa các Báo cáo với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp, lao động, việc làm, theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn.
Theo đó, phân tích rõ hơn các nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra những giải pháp căn cơ, toàn diện, giải quyết hiệu quả tình hình lao động, việc làm, đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, nhìn nhận rõ trách nhiệm cho những nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại thuộc về chủ quan. Một trong những giải pháp đại biểu cho rằng là gốc rễ vấn đề là chính sách bồi dưỡng, tăng cường sức khỏe của doanh nghiệp.
Từ tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị qua các cuộc đối thoại của các lãnh đạo với doanh nghiệp cho thấy, hiện nay doanh nghiệp đang đối diện với muôn vàn khó khăn. Do đó, đại biểu mong muốn Chính phủ tiếp tục có giải pháp khả thi để kích cầu, tiếp thêm nguồn năng lượng, sức mạnh cho doanh nghiệp. Đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, tài chính, tổ chức biên chế lao động để tạo cơ sở, điều kiện cho địa phương phát huy nội lực, chủ động, linh hoạt hơn trong việc triển khai điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn nội lực, mất cơ hội cho việc chờ đợi các thủ tục được giải quyết. Qua đó, chủ động và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc điểm nghẽn tại địa phương.