CHÙM ẢNH: NỮ ĐBQH TẠI CÁC PHIÊN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Vẫn còn trùng lắp danh sách, bất cập trong chi các chế độ bảo hiểm xã hội
Tham gia thảo luận, đại biểu đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành trung ương, của các địa phương đã đạt được kết quả khá toàn diện mà báo cáo đánh giá phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã thể hiện.
Đưa ra ý kiến thảo luận, đại biểu quan tâm đến các chỉ tiêu cụ thể về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động. Mặc dù chỉ tiêu đạt được nhưng đại biểu còn băn khoăn về tính bền vững và những tồn tại, bất cập liên quan đến lĩnh vực này mà báo cáo kiểm toán đã nêu. Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn tỷ lệ khá cao, đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết căn cơ số nợ đọng chậm đóng bảo hiểm đến hết năm 2021 là 16.350 tỷ đồng; còn thu trùng 4.815 trường hợp bảo hiểm xã hội bắt buộc; thu hơn 100.000 bảo hiểm y tế trùng giữa ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng; thu trùng hơn 8.000 thẻ bảo hiểm y tế; chi trùng, chi sai bảo hiểm thất nghiệp cần phải thu hồi khoảng 3.000 trường hợp.
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Đại biểu phân tích, theo quy định, hàng tháng chủ sử dụng lao động và người lao động đều đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Sang tháng thứ hai, tháng thứ ba không đóng thì sẽ biết. Vậy sao cơ quan bảo hiểm xã hội không xử lý mà để kéo dài trong suốt thời gian qua. Trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào. Vậy, những khoản chi sai, chi trùng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động tồn đọng nhiều năm qua có phải là lãng phí về nguồn lực, cơ hội của hàng triệu người lao động hay không?
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu luôn được cơ quan thực thi nhiệm vụ đi tiên phong với những khoản chi không nhỏ. Qua rà soát, từ năm 2016 đến năm 2021 lĩnh vực này đã chi đầu tư gần 6.900 tỷ đồng cho ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng việc trùng lắp danh sách, bất cập trong chi các chế độ, trong theo dõi, quản lý đối tượng vẫn còn tồn tại, kéo dài, đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Mặc dù, đây là vấn đề nhiều năm qua cơ quan thẩm tra, cơ quan kiểm toán đã nhiều lần khuyến nghị. Công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, chưa phổ quát, chưa rộng khắp, chất lượng tuyên truyền ra sao trong khi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có tăng nhưng chủ yếu là nhóm đối tượng bắt buộc, chưa thật sự bền vững, nguyên nhân từ đâu. Có phải người lao động chưa quan tâm tham gia hay chất lượng dịch vụ cung ứng chưa đảm bảo hay chính sách, chế độ về bảo hiểm chưa thực sự đáp ứng sự mong đợi của người dân. Nhiều câu trả lời còn bỏ ngỏ.
Đại biểu đặt câu hỏi, vậy trách nhiệm quản lý nhà nước trong đề xuất các chính sách pháp luật, công tác phối hợp để tháo gỡ những bất cập, để chia sẻ với khó khăn của người lao động có kịp thời hay không hay vẫn từ từ nghiên cứu. Ví dụ điển hình 4.240 trường hợp chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm bắt buộc một số đại biểu vừa nêu; hay trường hợp 3.700 người lao động mượn hồ sơ thân nhân ký kết hợp đồng lao động đến bao giờ mới giải quyết, trong khi có nơi người lao động phải kiện ra tòa. Chưa kể đến việc tại sao kết dư các quỹ ngắn hạn về bảo hiểm luôn cao, có phải chính sách ban hành thiếu khả thi không? Vì sao chưa có giải pháp tháo gỡ? Vậy, trách nhiệm thực thi công vụ như thế nào trong các trường hợp này.
Cần có một tổ chức độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ về lĩnh vực này
Trên cơ sở những tồn tại trên, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét cần có một tổ chức độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ lĩnh vực về chính sách bảo hiểm để có thay đổi và điều chỉnh một cách hợp lý trong từng giai đoạn. Không sợ chỉ ra sai phạm, trách nhiệm, bất cập, chồng chéo, lãng phí trong thực hiện chính sách để bảo hiểm xã hội luôn làm mới mình từ trong chính sách, thực sự là chỗ dựa của người lao động. Đồng thời, làm rõ loại hình hoạt động của cơ quan này.
Vì hiện cơ quan bảo hiểm xã hội vừa là cơ quan tổ chức thực hiện, vừa cung ứng dịch vụ các chính sách về bảo hiểm, trong bối cảnh mới cần sắp xếp để hoạt động hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Cần quy định về các chính sách đối với người lao động, hiện nay chỉ mới giải quyết phần ngọn của vấn đề. Cần quan tâm hơn đến các chính sách phòng ngừa, hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì việc làm, tạo việc làm bền vững, hạn chế sa thải lao động, nhất là trong thời điểm này, Chính phủ đang trong quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm (sửa đổi) và làm tốt nhiệm vụ này cũng chính là tiền đề, cơ sở vững chắc để chính sách pháp luật thật sự đi vào đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị các cơ quan có liên quan hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động, người bị nợ bảo hiểm xã hội, mất cơ hội việc làm để có chế tài mạnh mẽ và công cụ xử lý hữu hiệu hơn nữa để giải quyết dứt điểm những trường hợp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài đối với các trường hợp đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn theo tinh thần Nghị quyết 76 kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu. Đặc biệt, cần sớm quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ đã được giao nếu xảy ra tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Ngoài ra, trong đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân và người lao động mà nhiều đại biểu Quốc hội ở đây có tham gia do Liên đoàn Lao động phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức, trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri và người lao động đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn hiện tại của thị trường lao động, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động trong tình hình doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất; sa thải lao động lớn tuổi; quan tâm đến điều kiện ăn ở, học tập của con công nhân, lao động; các giải pháp để khắc phục tình trạng nhận bảo hiểm một lần, v.v.. Cử tri và người lao động rất mong sớm nhận được sự chia sẻ từ các chính sách cụ thể của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương đánh giá sát hơn về hoạt động của các loại hình quỹ ngoài ngân sách theo Nghị quyết 792 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh chồng chéo nhiệm vụ về quản lý nhà nước. Quy định rõ về trách nhiệm, quản lý chặt chẽ đến cùng quyền lợi của người cùng tham gia liên quan đến các quỹ ngoài ngân sách. Trong tổ chức thực hiện, cần dựa trên hiệu quả hoạt động cụ thể và đầu ra của sản phẩm để đánh giá năng lực của bộ máy và có cơ chế quản lý, theo dõi phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực không đáng có.