|
Chủ tịch nhóm Nữ nghị sĩ VN Trương Thị Mai. (Ảnh: NL)
|
- Thưa bà có ý kiến cho là tỷ lệ nữ tham gia Nhóm nghị sĩ chủ yếu là các nhà doanh nghiệp?
Không. Hiện nay thành phần tham gia là theo cơ chế tự nguyện. Theo như tôi biết, hầu hết nữ ĐBQH đều đăng ký tham gia nhóm này. Ta có khoảng 120 nữ nghị sĩ ĐBQH trong khóa này, các chị cũng đều tham gia vào. Sau này sẽ tiếp tục chia ra để hoạt động nhóm. Nhóm nào phù hợp với luật nào thì sẽ chia ra nghiên cứu để tham gia.
Tôi thấy cơ chế chung này rất tốt. Đây không phải là một nhóm hoàn toàn mới mà bắt đầu từ kỳ họp đầu tiên của QH khóa XII, chúng tôi đã chia sẻ với nhau trong các luật được trình ra tại QH.
Ví dụ như trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lúc đầu không đưa ra xem xét vấn đề bình đẳng giới nhưng đến nay luật đã được đưa vào, hoặc là phân công cho 1 ủy ban của QH phụ trách về giới hoặc một số văn bản khác. Tôi thấy cơ sở chia sẻ chung rất tốt, trên các cơ sở đó, ý kiến cá nhân của các ĐBQH rất quan trọng trước khi trình ra QH.
- Tình trạng bất bình đẳng giới ở VN đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên ở một vài nơi vẫn có nhiều phân biệt đối xử. Vậy nhóm nghị sĩ sẽ có chiến lược đấu tranh cho điều này thế nào?
Tất nhiên, luật pháp không thể thay thế hết được mà vấn đề là chúng ta phải thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo dư luận chung trong xã hội đối với bình đẳng giới (BĐG), nhưng dù sao luật pháp vẫn đóng vai trò quan trọng để năm nay phải ra đời các nghị định thúc đẩy việc bình đẳng giới.
Hai là, tôi thấy có một bước tiến bộ mà chúng ta chưa bao giờ có được là chúng ta có Bộ LĐTBXH phụ trách quản lý nhà nước về BĐG. Ở đây có Vụ BĐG. Kết hợp với cơ chế bên Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ VN lại có một ủy ban về sự tiến bộ của phụ nữ, bên QH lại có một Ủy ban phụ trách về vấn đề giới là ủy ban các vấn đề xã hội. Tôi nghĩ là như vậy chúng ta đang thiết lập một cơ chế mạnh mẽ hơn cho vấn đề này.
- Ngoài chuyện bình đẳng giới, bà kỳ vọng nhóm Nữ nghị sĩ ra đời còn thúc đẩy thêm cho những hoạt động gì?
Nếu một mình thì suy nghĩ thì chưa thể hết vấn đề. Nhưng khi ngồi chung với nhau, trao đổi với nhau những vấn đề của QH bao giờ cũng có sự có mặt của các chuyên gia. Vai trò của các chuyên gia trong việc tư vấn cho QH rất quan trọng. Họ đưa ra các ý kiến bằng các nghiên cứu khoa học. Tôi cho rằng, những thông tin đó rất cần thiết để các ĐB suy nghĩ thêm để đưa ra quyết định về một vấn đề của QH.
Tất nhiên sau trao đổi chuyên gia, chúng tôi không thể áp đặt các nữ đại biểu phải phát biểu như thế. Chúng tôi đem thông tin tới, chia sẻ và bàn bạc để xem vấn đề nào quan trọng, cần thiết để ĐB quyết định sẽ trình bày hoặc đưa quyết định ra trình QH.
- Hoạt động của Nhóm nghị sĩ chủ yếu tại kỳ họp QH trong khi đó theo lịch, các ĐB phần lớn hoạt động tại tổ và sau kỳ họp là về địa phương. Duy trì hoạt động thường xuyên bằng cách nào?
Mỗi kỳ họp sẽ chọn ra một hoặc hai luật liên quan đến vấn đề phụ nữ, sau đó sẽ tập trung lại. Ví dụ như vừa rồi, chúng tôi đã họp trên Tam Đảo về Luật Công vụ. Tại cuộc họp này đã đưa ra ba điều: Bình đẳng giới, sử dụng và đào tạo, bố trí sử dụng phụ nữ và nguyên tắc bảo đảm BĐG trong Luật Công vụ. Như vậy chỉ làm ba vấn đề trong luật.
Tuy nhiên để làm được thì đòi hỏi sự chuẩn bị công phu của ban soạn thảo và các chuyên gia. Mình không thể làm hết được nhưng sẽ làm vài luật để trình ra QH tại kỳ họp. Tức là phải đi theo mục tiêu cụ thể, chứ không đặt ra chung chung. Trong từng luật cụ thể, vấn đề nào quan trọng sẽ được xác định.
- Gần đây có ý kiến cho rằng tỷ lệ nữ trong nhiệm kỳ Quốc hội lần này thấp nhất trong lịch sử?
Không phải là thấp nhất, mà chỉ thấp giữa hai nhiệm kỳ trước và sau. Đây là vấn đề để chúng ta nghiên cứu để làm sao trong nhiệm kỳ của QH khóa XIII đưa tỉ lệ đại biểu nữ lên 30-40% như chúng ta mong muốn.
Tất nhiên vấn đề này liên quan tới cử tri đặt kỳ vọng vào cuộc bầu cử như thế nào. Như vậy, những ứng cử viên nữ vào QH phải phấn đấu nỗ lực nhiều hơn, làm sao khi mình trình bày kế hoạch, chương trình hoạt động đều được người dân tín nhiệm, bầu cho mình. Tôi nghĩ là phải từ hai phía, một phía từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho nữ được giới thiệu ra ứng cử.
Thứ hai là từ bản thân nữ ra ứng cử cũng phải phấn đấu làm sao tiếng nói của mình được cử tri chấp nhận và bầu cho mình.
|