Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu
Quan tâm đến quy định tại Điều 39 dự thảo Luật về bến xe, bãi đỗ xe, điểm dừng xe, trạm dừng nghỉ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ, tại đ khoản 1 dự thảo Luật quy đinh “Trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện”. Theo đại biểu, việc bố trí hệ thống sạc điện cho các loại xe đạp điện, xe máy điện thì thường đơn giản, và không quá đặt ra nhiều vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống sạc điện.
Tuy nhiên, đối với hệ thống sạc điện dành cho các loại xe ô tô điện và sau này có tiến tới hiện đại hơn có thể là máy kéo, rơ mooc điện… thì cần có những tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như không gian, diện tích để bố trí hệ thống sạc điện phù hợp. Do đó, nếu yêu cầu hệ thống sạc điện đối với tất cả các trạm dừng nghỉ, bến xe là không phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng xe điện của người dân, doanh nghiệp chưa quá phổ biến, chủ yếu tập trung ở một số đô thị lớn.
Đại biểu cho rằng cần làm rõ, có phải tất cả các trạm dừng nghỉ, bến xe đều cần có hệ thống sạc điện hay không. Nếu xét thấy cần thiết thì cần quy định những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp để đảm bảo tính khả thi trong việc bố trí không gian, địa điểm của bến xe, trạm dừng nghỉ có hệ thống sạc điện. Đồng thời, nếu yêu cầu tất cả trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện thì cần có lộ trình triển khai cho phù hợp với tình hình phát triển, sử dụng xe điện theo các năm, tránh sự triển khai ồ ạt không cần thiết mà lại chưa khai thác hết hiệu quả sử dụng của các hệ thống sạc điện.
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự án Luật Đường bộ
Về hoạt động đựa đón trẻ mầm non, học sinh bằng xe ô tô tại điều 70 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, hoạt động đưa đón trẻ, học sinh bằng xe ô tô hiện nay đã rất phổ biến và được nhiều gia đình lựa chọn, vì vậy quy định nội dung này là cần thiết do xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát sinh. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều mô hình có tính chất tương tự như hoạt động đưa đón nhân viên, công nhân của các công ty, doanh nghiệp… Vì vậy, cần rà soát thêm để xây dựng quy định thống nhất nhằm quản lý những loại hình hoạt động vận tải tương tự nhau, đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ vận tải.
Góp ý về điều 80 dự thảo Luật quy định về dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô, đại biểu cũng cho rằng quy định này là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng quy định như điều 80 dự thảo Luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý loại hình này hiện nay, do đó, đề nghị cần làm rõ hơn nữa, quy định quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi của hành khách và bên cung cấp dịch vụ vận tải, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ này.
Bên cạnh đó, ngoài dịch vụ hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô, thực tế vẫn đang diễn ra rất phổ biến đó là dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe máy, nhưng hiện dự thảo luật không có quy định, vậy có đặt ra vấn đề cũng cần quản lý hay không. Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát thêm, đại biểu nêu rõ.