NÂNG CAO NHẬN THỨC, QUAN ĐIỂM VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ CẦN ĐƯỢC TIẾN HÀNH THƯỜNG XUYÊN VÀ KIÊN TRÌ

08/03/2024

Tại buổi gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và nữ cán bộ thuộc diện quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Vụ của Văn phòng Quốc hội nhân Ngày Quốc tế phụ nữ và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Phó Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội khóa XV khẳng định phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, các nữ đại biểu Quốc hội đều khẳng định được vai trò của mình trên cả 3 chức năng của Quốc hội. Đồng thời cho rằng thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ.

Theo dòng sự kiện

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái

Trong trong không khí vui tươi kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ và 1984 năm ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Phó Chủ tịch Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội khóa XV khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn có những quan điểm, chủ trương, chính sách về giải pháp và phát huy vai trò của phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, ghi nhận và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ, cán bộ nữ phát huy vai trò của mình trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... đặc biệt là sự tham gia trong lĩnh vực chính trị. Điều này đã giúp phụ nữ phát triển, tạo nền tảng xây dựng và phát triển gia đình, cộng đồng và quốc gia, đồng thời tăng cường tiếng nói, vai trò đại diện, quyền ra quyết định của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội.

Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và những nỗ lực tự thân của chị em, phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, địa phương, đất nước. Bên cạnh những giá trị được kế thừa, phát huy từ truyền thống dân tộc là đức hi sinh, nhân hậu, kiên trung, giỏi việc nước, đảm việc nhà, phụ nữ Việt Nam hiện nay còn mang trong mình vẻ đẹp của trí tuệ, sự tự tin, sức sáng tạo và trách nhiệm với dân tộc, với xã hội và với chính bản thân mình.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đặc biệt, năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022. Sự tiến bộ của phụ nữ đã góp phần rất quan trọng phát triển đội ngũ cán bộ nữ các cấp, nữ doanh nhân cả về số lượng và chất lượng.

Điều đáng mừng là kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ này tỷ lệ nữ đạt cao hơn nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Bí thư đạt 18,2%; tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đạt 10,6%. Đối với các cơ quan dân cử, lần thứ hai trong 15 khóa Quốc hội, tỷ lệ nữ đạt trên 30%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân tăng ở cả ba cấp, cụ thể cấp tỉnh đạt 29%, cấp huyện đạt 29,1%; cấp xã đạt 28,5%. Đối với cấp tỉnh, giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân là 20,97%; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là 29,2%. Ở Quốc hội, hầu hết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đều có lãnh đạo là nữ.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, có được kết quả trên là sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên và sự nỗ lực của bản thân phụ nữ, sự ủng hộ của nam giới và xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ và phát triển đội ngũ cán bộ nữ, tạo điều kiện bình đẳng về quyền và cơ hội để phụ nữ nói chung, cán bộ nữ nói riêng nâng cao trình độ mọi mặt, năng lực, kỹ năng công tác và những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ nhân hậu, mềm dẻo, nhạy bén, năng động, sáng tạo, từng bước vươn lên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, hạnh phúc của bản thân, gia đình và xã hội.

Vai trò của các nữ đại biểu Quốc hội được khẳng định thông qua cả ba lĩnh vực hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chỉ rõ, với vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân nói chung, nói lên tiếng nói của phụ nữ nói riêng, việc bảo đảm tỷ lệ nữ tham chính tại các cơ quan dân cử và giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt vừa là yêu cầu cần thiết vừa là yếu tố thuận lợi nhằm đảm bảo quyền bình đẳng cũng như tăng cường tính đại diện của nữ giới để đưa ra các quyết sách có ảnh hưởng đến xã hội.

Chia sẻ rằng, khi được cử tri, Nhân dân tín nhiệm lựa chọn để làm đại biểu dân cử, được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, mỗi nữ đại biểu, nữ cán bộ lãnh đạo luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ; luôn ý thức về vai trò là của người đại biểu của Nhân dân, người truyền cảm hứng, tạo động lực để góp phần lan tỏa và nâng cao nhận thức của cử tri và Nhân dân về bình đẳng giới trong từng lời nói, hành động.

Vai trò của các nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương được khẳng định thông qua cả ba lĩnh vực hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hầu hết các nữ đại biểu Quốc hội đều có trình độ, năng lực, bản lĩnh và tâm huyết, có tiếng nói ảnh hưởng trong hoạt động của cơ quan dân cử, được cử tri tin tưởng đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm trong công việc, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, hăng hái tham gia phát biểu, thảo luận, tranh luận sôi nổi, chất vấn thẳng thắn đi đến cùng, giải quyết đến cùng sự việc, tỏ rõ chính kiến, đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri và Nhân dân, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các hoạt động của Quốc hội, bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em.

Trong đó, các nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương là nơi hội tụ của các chị em đến từ nhiều vùng miền trên cả nước, có ngành nghề công tác, có trình độ chuyên môn khác nhau, có đại biểu từng là giáo viên, nhà khoa học, có đại biểu là những cán bộ nữ phát triển từ cơ sở, từ các bộ, ngành, có đại biểu đã có thời gian công tác lâu năm tại Văn phòng Quốc hội ... nhưng khi về với Quốc hội, đều có chung một mục tiêu vì Nhân dân, vì Quốc hội mà phụng sự, cống hiến, làm tròn nhiệm vụ ở cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Cùng với đó, các nữ lãnh đạo, quản lý cấp vụ của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng luôn cố gắng để sắp xếp hài hòa giữa việc gia đình và cơ quan để đóng góp trong công tác chuyên môn. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người phụ nữ, chúng tôi luôn được các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua mỗi nhiệm kỳ, các nữ đại biểu Quốc hội, nữ cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội đều tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, kinh nghiệm hoạt động. Không những hoàn thành tốt vai trò đại biểu Quốc hội mà còn có những thành công trên các cương vị công tác khác.

Tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng dù số lượng đại biểu dân cử và tham gia giữ chức vụ lãnh đạo tại các cơ quan dân cử tăng so với nhiều nhiệm kỳ trước, nhưng còn một số vấn đề đặt ra trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới như: chưa đạt chỉ tiêu về tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tỷ lệ nữ giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện mới đạt 9,73%, cấp xã đạt 12,02%, tỷ lệ độ tuổi cán bộ nữ dưới 40 tuổi còn thấp. Điều đó phần nào phản ánh thực trạng công tác phụ nữ ở cấp cơ sở, việc đào tạo cán bộ trẻ là nữ còn có vấn đề cần giải quyết.

Trước yêu cầu phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ngày càng dành sự chăm lo, phát triển toàn diện và sâu sắc đối với phụ nữ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ/TW ngày 27/4/2007 “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”,  Ban Bí thư cũng đã có Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 “Về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, trong đó đề ra mục tiêu 35% đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là nữ.

Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” và vì mục tiêu bình đẳng, hạnh phúc, sự tiến bộ của phụ nữ đề ra tại Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề xuất:

Một là, Tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ. Đây là giải pháp cần được tiến hành thường xuyên, kiên trì với những hình thức phù hợp nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Hai là, Tiếp tục quan tâm xây dựng quy hoạch từ sớm, từ xa, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt và nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ, đảm bảo yêu cầu phát triển liên tục bền vững đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tránh tình trạng bị động trong công tác nhân sự.

Ba là, Gắn liền công tác hoàn thiện pháp luật với thực thi pháp luật về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Đặc biệt, chú trọng triển khai thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới. Trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật cần tiếp tục nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá lồng ghép giới trong các dự thảo chính sách để bảo đảm tốt hơn quyền lợi chính đáng của phụ nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực: lao động - việc làm, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, doanh nghiệp, quan hệ dân sự, đất đai, môi trường, bảo hiểm xã hội, hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ, trẻ em.

(Theo Cổng TTĐTQH)

Các bài viết khác