ĐẠI BIỂU PHAN THỊ MỸ DUNG - ĐOÀN ĐBQH TỈNH LONG AN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

12/12/2023

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận lần đầu dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tiếp tục đóng góp vào dự án Luật này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đề nghị bổ sung cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật để quy định niên hạn sử dụng xe đưa đón học sinh tại Điều 46 dự thảo Luật này.

Theo dòng sự kiện

Những năm qua, tại không ít địa phương trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe đưa đón học sinh, khiến một số trẻ em tử vong hoặc bị thương tật rất đáng tiếc. Tuy nhiên, quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô hiện chưa có bất cứ quy định nào, trong khi dịch vụ này đang phổ biến, nhất là ở thành phố lớn. Vì chưa có quy định nên xảy ra nhiều bất cập như dịch vụ tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, lái xe thiếu trách nhiệm... Chính vì vậy, việc có thêm những quy định về quản lý loại hình dịch vụ này là rất cần thiết. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Phóng viên: Thưa đại biểu, thực tế trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra đối với trẻ em liên quan đến xe đưa đón học sinh. Tại điều 46, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã đưa ra nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả loại hình xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, theo đại biểu quy định này đã đảm bảo chặt chẽ và hợp lý hay chưa?

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung: Trước hết, tôi đánh giá gía cao, lần này bổ sung vào dự thảo Luật đối với xe đưa đón học sinh tại Điều 46. Tôi cho đây là một nội dung mới và rất nhân văn, thể hiện được chủ trương chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong mọi lúc, mọi nơi, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu, từ đi nhà trẻ, đi học mẫu giáo cho đến học sinh trung học. Thực tế trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra đối với trẻ em liên quan đến xe đưa đón học sinh, từ sự vô ý, bất cẩn của người lái xe cũng như giáo viên, phụ huynh. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần xem xét lại cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật để quy định niên hạn xe sử dụng đưa đón học sinh không quá 15 năm.

Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề này cần rà soát, đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện xe tham gia giao thông và của từng loại xe. Vì sao là 15 năm mà không là 10 năm hay như thế nào? Hiện nay, chúng ta có quy định về kiểm định xe để chứng nhận xe đủ điều kiện tham gia giao thông. Đồng thời, đối với quy định trên xe đưa đón học sinh có từ 24 học sinh trở lên phải bố trí trên xe hai người, cộng với tài xế là 3 người. Tôi thấy chưa có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nào; chưa hẳn 2 người là tốt, 1 người là không tốt.

Đề nghị cần đánh giá lại quy định này sao cho phù hợp. Hơn nữa trong trường hợp đưa đón học sinh từ nhà đến trường rất gần mà bố trí 3-4 người trên xe cũng ảnh hưởng tới chi phí về nhân lực của nhà xe. Ngoài ra, về quy định này tôi đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm đối với xe đưa đón học sinh, nên chăng có quy định màu sắc riêng hoặc phải buộc lắp đặt công cụ nhận diện cho xã hội và người tham gia giao thông khi nhìn thấy đều biết đó là xe đưa đón học sinh. Việc này nhiều nước đã làm rồi, chúng ta cũng phải nghiên cứu, áp dụng quy định tiến bộ khả thi này.

Phóng viên: Vậy thưa đại biểu, liên quan đến điều kiện của những người lái xe đưa đón học sinh thì lại đươc quy định tại Điều 76 của Luật Đường bộ. Vậy có cần thống nhất lại quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ hay không? Theo đại biểu cần quy định thế nào đảm bảo hợp lý và chặt chẽ?

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung: Liên quan tới điều kiện của những người lái xe đưa đón học sinh quy định tại Điều 76 của Luật Đường bộ, nhưng tôi thấy nên chuyển quy định này qua trong dự thảo luật này. Đó là có 2 năm kinh nghiệm thì có thể lái xe đưa đón học sinh. Tôi đề nghị cần cân nhắc kỹ nội dung này bởi vì có trường hợp các em học sinh sau khi tốt nghiệp PTTH khoảng 18 tuổi đăng ký đào tạo và được cấp giấy phép lái xe ở tuổi đời là 21-22 là còn rất trẻ, mà chỉ yêu cầu 2 năm kinh nghiệm thì được lái xe đưa đón học sinh làm cho tôi rất băn khoăn. Tôi đề nghị xem xét thêm có thể học tập kinh nghiệm của các nước khác và ít nhất phải có 5 năm kinh nghiệm trở lên mới được lái xe đưa đón học sinh để đảm bảo về tuổi đời, độ chín về nhận thức và kinh nghiệm lái xe.

Đồng thời, trong điều này cũng quy định một nội dung là cơ sở giáo dục tập huấn cho lái xe và học sinh. Tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng tập huấn cho phụ huynh. Việc tập huấn là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và các nhà xe trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa đón học sinh nhưng tổ chức tập huấn cho học sinh mà các trường hợp các em còn quá bé, như mẫu giáo, lớp 1 thì làm sao các em tiếp thu được. Do đó, cần tổ chức tập huấn rộng rãi cho các đối tượng khác có liên quan như bảo vệ nhà trường, dân cư ở gần quanh cổng trường, v.v..

Vấn đề thứ hai, quy định về thời gian lái xe. Tại Điều 56 dự thảo đưa ra những cung giờ và thời gian tối đa mà các lái xe phải ngừng nghỉ để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo sự tỉnh táo trong điều khiển. Đây là một điều tốt, xu hướng của các nước trên thế giới cũng như thế. Nhưng tại điểm a khoản 2 quy định "thời gian phải ngừng nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục đối với tài xế taxi là 5 phút" tôi cho là không phù hợp. Việc ngừng nghỉ 5 phút này không có ý nghĩa gì, taxi thường lưu thông trong nội thành, nếu kẹt xe có khi đứng cả tiếng đồng hồ thì có được tính hay không? Hoặc chỉ cần xe dừng khi đèn đỏ và di chuyển khi hết đèn đỏ đến đèn xanh có khi đã mất hơn 5 phút, vậy có tính không? Do đó, tôi đề nghị lấy đánh giá về chuyên môn y tế để quy định thời gian bao nhiêu phải ngừng nghỉ, ngừng nghỉ trong bao lâu và đánh giá thực tiễn về giao thông đường bộ của nước ta để quy định cách thức ngừng nghỉ cho phù hợp và khả thi.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác