BÁO CÁO BAN ĐẦU
VỀ DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ (DỰ THẢO LẦN THỨ 14) VÀ DỰ THẢO LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
CỦA VIỆT NAM
NỘI DUNG
1. Giới thiệu
2. Một số điểm về chỉ tiêu (quota) cần cân nhắc như là biện pháp đặc biệt tạm thời
3. Sơ lược về Chính phủ các nước
4. Một số nhận xét ban đầu và Khuyến nghị về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (dự thảo 14)
5. Tổng hợp ý kiến tại buổi thảo luận với Quốc hội về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, ngày 9/1/2015
6. Về Quốc hội các nước
7. Một số nhận xét ban đầu và Khuyến nghị về dự thảo Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân
8. Tổng hợp ý kiến tại buổi thảo luận với Quốc hội về dự thảo Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân
9. Kết luận (sẽ bổ sung tại bước cuối cùng)
1. GIỚI THIỆU
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ và cải thiện bình đẳng giới, và trong vài thập kỷ qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Việt Nam luôn là ví dụ điển hình về một đất nước có những phụ nữ mạnh mẽ và kiên cường đã cùng nam giới lao động, chiến đấu trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước cũng như trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cuộc đời và sự nghiệp phi thường của Bà Nguyễn Thị Bình là một trong nhiều ví dụ nhắc nhở chúng ta rằng cả phụ nữ lẫn nam giới đều có thể thành công nếu có cơ hội và cống hiến hết mình cho những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về điều mà họ muốn đạt được và vị trí mà họ muốn vươn tới.
Những năm qua, Việt nam đã thể hiện sự quan tâm lớn tới bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam hiểu rằng sự nghiệp phát triển, công nghiệp hoá và hiện đại hoá của một đất nước đang phát triển phải đi đôi với cơ hội bình đẳng cho cả hai giới để thực hiện mục tiêu chính mà Việt Nam đang hướng tới, đó là hiện đại hóa, công nghiệp hoá, ổn định và phát triển trong thế kỷ 21.
Các cuộc bầu cử quốc hội gần đây ở Việt Nam năm 2007 và 2011 cho thấy tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội chưa đạt mức 30% (chỉ tiêu do Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề ra). Hơn nữa, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội năm 2007 là 28% trong khi tỷ lệ này năm 2011 giảm xuống còn 24%. Do đó, sự tham gia của phụ nữ vẫn là vấn đề cần quan tâm, và Đảng, Chính phủ cần có các giải pháp nhằm đảo ngược xu hướng tương đối tiêu cực này trong những năm qua.
Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới đã đề ra những mục tiêu về bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực. Đối với Quốc hội, Chiến lược đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 2016-2020 của Quốc hội sẽ có ít nhất 35% đại biểu quốc hội là nữ. Cũng theo chiến lược này, đến năm 2015, 80% các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc chính phủ, uỷ ban nhân dân các cấp sẽ có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đến năm 2015, 70% và đến năm 2020, 100% các cơ quan của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội trong đó lao động nữ chiếm trên 30% phải có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Những mục tiêu này phù hợp với đánh giá của Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, theo đó 30% được coi là “số đông cần thiết” để phụ nữ có thể gây ảnh hưởng rõ nét đến hình thức và nội dung của quá trình ra quyết định chính trị.”[1]
2. Một số điểm về chỉ tiêu (quota) cần cân nhắc như biện pháp đặc biệt tạm thời (ĐBTT)
Phụ nữ tham gia chính trị và quá trình ra quyết định thường gặp phải những rào cản không chính thức như truyền thống, khuôn mẫu, quy tắc văn hoá, v.v. mặc dù họ chiếm phân nửa dân số. Quá trình thay đổi nhận thức, quan niệm, cơ hội và triển vọng cho phụ nữ trong lĩnh vực chính trị ở khắp mọi nơi trên thế giới là một quá trình dài. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
Những cấu trúc và cơ chế nhằm thực hiện bình đẳng giới đang trở nên ngày càng ít phù hợp hoặc thậm chí không phù hợp do những quan niệm đã ăn sâu bám rễ làm cho tình trạng bất bình đẳng kéo dài. Một câu hỏi được đặt ra trong suốt thời gian dài, đó là: Làm thế nào để đảm bảo rằng quyền của phụ nữ được chuyển hoá thành quyền trên thực tế, bao gồm quyền tiếp cận các nguồn lực và quyền ra quyết định?
Trên khía cạnh này, cơ chế chỉ tiêu với tư cách là biện pháp đặc biệt tạm thời đóng vai trò cực kỳ quan trọng, từ thế hệ chỉ tiêu đầu tiên – trong bầu cử (lập hiến hoặc lập pháp) - nghĩa là chỉ tiêu trong các cơ quan dân cử, cho đến thế hệ chỉ tiêu thứ hai ở các cơ quan không do dân bầu (một lĩnh vực đang ngày càng thu hút sự quan tâm), đến một lĩnh vực mới xuất hiện gần đây về cái gọi là thế hệ thứ ba – hạn ngạch tổ chức/đoàn thể – hay là hạn ngạch trong các công ty và khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, vấn đề số lượng phụ nữ ở vị trí ra quyết định trong Chính phủ và các bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ còn thấp vẫn ít được quan tâm hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nỗ lực tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, và giờ đây là tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo của các tập đoàn. Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên là có quá ít nỗ lực để tăng cường số lượng phụ nữ có năng lực ở vị trí bộ trưởng hay người đứng đầu các cơ quan chính phủ và điều này vẫn phụ thuộc phần lớn vào người đứng đầu chính phủ hoặc liên minh cầm quyền. Thực trạng này đang dần thay đổi nhưng vẫn cần phải có rất nhiều sự vận động và tham gia ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế nhằm mang lại những chuyển biến thực sự trong khu vực rất quan trọng này.
Bên cạnh chỉ tiêu trong bầu cử như đã nói ở trên, còn có hai loại chỉ tiêu về giới khác được áp dụng trong chính trị: ghế dành riêng (trong cơ quan lập hiến và/hoặc lập pháp); và chỉ tiêu trong đảng chính trị (tự nguyện).
Trong vòng 10 năm qua, sự hiện diện của phụ nữ về mặt số lượng trong các vị trí quyền lực và ra quyết định đã nhận được sự quan tâm trên toàn thế giới, bao gồm cả các cơ quan của Liên Hợp quốc. Thực tế là với hành động trên toàn thế giới, đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực với số lượng phụ nữ ứng cử vào các vị trí ra quyết định ngày càng tăng, và điều này khiến người ta quan tâm hơn đến những cách thức và chiến lược nhằm biến sự hiện diện của phụ nữ thành hành động với kết quả và ảnh hưởng.
Khi phụ nữ đã ở vị trí quyền lực, rất nhiều kỳ vọng được đặt lên vai họ, như để lại dấu ấn bằng các giải pháp chính sách hiệu quả để có thể làm thay đổi không gian chính trị, cùng chịu trách nhiệm với nam giới về bình đẳng giới và công bằng xã hội, và tạo điều kiện cho thêm nhiều phụ nữ khác tiếp bước theo họ. Chẳng hạn, Báo cáo mới đây của UN Women - “Theo đuổi Công lý” – chỉ ra rằng ở Rwanda, với 51% số nghị sĩ là nữ, nhiều cải cách luật pháp quan trọng về quyền của phụ nữ đã được thông qua.[2]
Chỉ tiêu nữ yêu cầu phụ nữ phải chiếm một số lượng hoặc tỷ lệ nhất định trong cơ cấu của một tập thể, dù cho đó là danh sách ứng cử viên, trong nghị viện, uỷ ban hay chính phủ. Cơ chế chỉ tiêu không đặt gánh nặng tuyển dụng lên vai phụ nữ mà lên những người kiểm soát quá trình tuyển dụng. Điểm cốt lõi của cơ chế này là tuyển phụ nữ vào các vị trí chính trị và đảm bảo rằng phụ nữ không chỉ là một nhóm thiểu số không có quyền ra quyết định thực sự trong đời sống chính trị. Quan niệm cũ về việc dành riêng ghế cho chỉ một hoặc một số rất ít phụ nữ được coi là đại diện cho một nhóm mơ hồ hàm ý toàn bộ “phụ nữ” là không còn đầy đủ và trong nhiều trường hợp còn bị coi là phân biệt đối xử và không phù hợp với thực tiễn pháp luật quốc tế. Ngày nay, cơ chế chỉ tiêu hướng tới mục tiêu đảm bảo rằng phụ nữ cấu thành thiểu số lớn chiếm 20%, 30%, 40% hoặc thậm chí đảm bảo tỷ lệ cân bằng giới thật sự 50-50%. Tại một số nước, cơ chế chỉ tiêu được áp dụng với tư cách là một biện pháp đặc biệt tạm thời, có nghĩa là đến khi những rào cản đối với phụ nữ khi tham gia chính trị được xoá bỏ, tuy nhiên, phần lớn các nước thực hiện cơ chế chỉ tiêu không giới hạn thời gian đối với việc áp dụng này.[3]
Phần lớn các chỉ tiêu nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ do vấn đề cần giải quyết thường là sự tham gia của phụ nữ còn thấp – đây là vấn đề rất quan trọng vì phụ nữ chiếm khoảng 50% dân số ở mọi quốc gia. Chỉ tiêu 50-50% về bản chất là thiếu nhạy cảm giới và mục đích của nó là đảm bảo sự cân bằng giữa hai giới. Tuy nhiên, nó đồng thời cũng đặt ra giới hạn vượt mức về sự tham gia của phụ nữ hoặc nam giới ở một thời điểm cụ thể nào đó, mà chỉ tiêu yêu cầu tối thiểu về tỷ lệ đại diện của phụ nữ và nam giới tại một thời điểm nhất định đều không phụ thuộc và không thể phụ thuộc và kết quả thực tế của cuộc bầu cử hay việc bổ nhiệm.
Khái niệm “chỉ tiêu kép” đôi khi được sử dụng để nói về các cơ chế chỉ tiêu không chỉ yêu cầu phải đảm bảo một tỷ lệ nữ nhất định trong danh sách bầu cử mà còn ngăn tình trạng ứng cử viên nữ chỉ được xếp ở cuối danh sách với rất ít cơ hội trúng cử. Argentina và Bỉ là hai ví dụ về những nước mà luật pháp có quy định về tiêu chuẩn kép. “Cách xếp chỗ” hay quy tắc về thứ bậc ứng cử viên, nhất là ở các vị trí trên đầu danh sách, là những cách gọi khác để chỉ hiện tượng này. [4]
Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh là chương trình hành động tham vọng nhất về trao quyền cho phụ nữ và xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Kể từ năm 1995, nhiều chính phủ đã nỗ lực triển khai toàn bộ hoặc một phần Cương lĩnh này. So với Công ước CEDAW thì Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh không phải là một văn bản mang tính ràng buộc về pháp lý. Tuy vậy, có thể lập luận rằng 12 lĩnh vực quan tâm của Cương lĩnh cùng các khuyến nghị của nó có thể được dẫn chiếu đến nhiều điều khoản khác nhau của Công ước. Trên thực tế, Cương lĩnh thể hiện một cách chi tiết những bước cần tiến hành để thực hiện những nghĩa vụ pháp lý mà Công ước đề ra.
Theo đó, những mục tiêu và hành động được nêu trong lĩnh vực ‘G’ của Cương lĩnh – ‘phụ nữ tham gia quyền lực và quá trình ra quyết định’– tương ứng với các Điều 1, 2, 3, 4 (1), 5, 7, 8, 9, 10, 14 và 24 của Công ước CEDAW. Mặc dù không có tham chiếu cụ thể nào đến khái niệm cơ chế chỉ tiêu nhưng Cương lĩnh có đề ra các mục tiêu về “cân bằng giới” và việc đạt được “tỷ lệ ngang nhau” của cả hai giới trong các cơ quan chính phủ, cơ quan hành chính, và đề xuất việc áp dụng “biện pháp tích cực” [5] để thực hiện các mục tiêu này. [6] Trọng tâm là các chính phủ, đảng chính trị, tổ chức phi chính phủ và chính hệ thống Liên Hợp quốc
Các Khuyến nghị chung của Uỷ ban CEDAW có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc thảo luận về cơ chế chỉ tiêu nhằm tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong đời sống công và đời sống chính trị bao gồm các Khuyến nghị chung số 5, số 8, số 23 và số 25. Các khuyến nghị chung được đưa ra bởi các cơ quan nhân quyền của Liên Hợp quốc là sự giải thích một điều ước nhằm giúp các nước thành viên trong việc triển khai nghĩa vụ của mình.[7] Các khuyến nghị chung số 5 và số 8 năm 1998 có ý nghĩa quan trọng vì công cụ biện pháp đặc biệt tạm thời, bao gồm cơ chế chỉ tiêu, được đưa ra ngay từ giai đoạn đầu trong quá trình hoạt động của Uỷ ban.[8]
Khuyến nghị chung số 23 năm 1996 đề cập cụ thể đến Điều 7 và Điều 8. Nó nhắc lại một số đoạn có liên quan của của Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và chỉ ra những nguyên nhân mang tính lịch sử và cấu trúc của sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong đời sống công và trong lĩnh vực chính trị.[9] Nó liệt kê một loạt những yêu cầu và nghĩa vụ mà các nước thành viên phải thực hiện. Bản Khuyến nghị chung này dành riêng một đoạn, mà nội dung của nó nên được hiểu trên cơ sở mối liên hệ với những cam kết này, để giải thích lý do cần có các biện pháp đặc biệt tạm thời và cách áp dụng chúng. Các yêu cầu và nghĩa vụ bao gồm: nỗ lực tuyển dụng đặc biệt, hỗ trợ tài chính cho phụ nữ và đào tạo ứng cử viên nữ; sửa đổi thủ tục bầu cử; các chiến dịch nhằm đảm bảo sự tham gia bình đẳng; lựa chọn phụ nữ để bổ nhiệm vào các vị trí công; và đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu về số lượng.
Một Khuyến nghị chung khác có liên quan nhiều hơn nữa đến việc áp dụng cơ chế chỉ tiêu là Khuyến nghị chung số 25 liên quan đến Điều 4 (1). Đây là một Điều khoản mang tính chất mô tả, theo đó các biện pháp đặc biệt tạm thời không mang tính phân biệt đối xử nếu việc áp dụng nó nhằm mục đích thực hiện bình đẳng trên thực tế giữa phụ nữ và nam giới. Khuyến nghị chung số 25 giải thích ý nghĩa của định nghĩa này trong bối cảnh tổng thể của CEDAW và cung cấp một phân tích sâu sắc về những lý giải cho việc áp dụng Điều 4 (1), cũng như việc áp dụng Điều này như thế nào và vào lúc nào.
Với những lưu ý trên, mặc dù cơ chế chỉ tiêu có thể không phổ biến ở một số nước trên thế giới nhưng có những bằng chứng cho thấy nó mang lại tác dụng. Báo cáo Phụ nữ thế giới năm 2010 của Liên Hợp quốc chỉ ra rằng, trên thế giới, “chỉ tiêu về giới… giúp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nghị viện”, và năm 2009, “phụ nữ giữ 21% số ghế trong nghị viện các nước có áp dụng cơ chế chỉ tiêu, so với tỷ lệ trung bình là 13% ở các nước không áp dụng (tr.116)
Thuỵ Điển là một ví dụ rất đáng xem xét. Sau khi hai đảng chính áp dụng cơ chế chỉ tiêu vào năm 1972, tỷ lệ nữ trong nghị viện đã tăng từ 14% lên 45%. Trong khi cần phải có sự giám sát để đảm bảo rằng các đảng sắp xếp ứng cử viên nữ ở những vị trí có thể thắng cử thì nhìn chung, cơ chế chỉ tiêu này đã thành công. Nó khuyến khích các đảng phái chính trị tích cực tuyển chọn phụ nữ và đảm bảo rằng một số lượng phụ nữ cần thiết được bầu vào nghị viện, làm thay đổi các quy tắc văn hoá và chính trị.
Chẳng hạn, ở các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đến đầu năm 2012, bình quân phụ nữ chỉ nắm giữ trên1/4 số ghế tại hạ viện hoặc nghị viện (ở những nước theo chế độ độc viện) – chỉ có 12 nước thành viên đạt hoặc vượt mức 30% mà Liên Hợp quốc và Liên minh Nghị viện Thế giới khuyến nghị. So với năm 2002, tỷ lệ này tăng thêm chút ít, ở mức 6%. Nhìn chung, sự tham gia của phụ nữ trong nghị viện các nước OECD đạt mức cao nhất ở các nước Bắc Âu gồm Thuỵ Điển, Phần Lan, Iceland và Na Uy, nơi phụ nữ nắm giữ 40% số ghế trong nghị viện hoặc nhiều hơn. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Chile và Hungary, phụ nữ nắm giữ dưới 25% số ghế.
Các bằng chứng cũng chỉ ra rằng những nước có chế độ bầu cử theo tỷ lệ thì sự tham gia của phụ nữ trong ngành lập pháp hơn thường cao hơn, có thể là do thực tiễn lựa chọn ứng cử viên của đảng đảm bảo sự cân bằng giới cao. Tại các nước OECD, 9 trong số 12 nước thành viên có tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong nghị viện đạt mức 30% có áp dụng các hình thức đại diện theo tỷ lệ trong các cuộc bầu cử lập pháp. Ngoài chế độ bầu cử, sự tham gia chính trị của phụ nữ còn có thể chịu ảnh hưởng của những rào cản văn hoá và tài chính cũng như những thách thức trong việc cân bằng đời sống chính trị và cuộc sống riêng. Để giải quyết vấn đề này, 9 nước thành viên OECD đã áp dụng cơ chế chỉ tiêu như là một công cụ để thúc đẩy bình đẳng giới trong nghị viện. Tuy nhiên, việc áp dụng các chỉ tiêu này khá đa dạng, từ chỉ tiêu áp dụng cho quá trình giới thiệu ứng cử viên (ví dụ như việc xếp tên của phụ nữ trong các danh sách của đảng hoặc để đề cử trong một cuộc bầu cử cấp quận) tới các chỉ tiêu dựa trên kết quả, trong đó một số lượng phụ nữ nhất định được sắp xếp vào những vị trí có nhiều khả năng thắng cử trong danh sách bầu cử và trúng cử vào nghị viện.
3. Sơ lược về Chính phủ các nước
Trao quyền chính trị cho phụ nữ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển con người và thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs). Trên thế giới, sự tham gia của phụ nữ trong nghị viện của các quốc gia vẫn ở mức thấp. Phụ nữ nắm giữ dưới 22% số ghế quốc hội và chỉ khoảng 17% số ghế bộ trưởng trong các chính phủ. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp quốc gia thấp nhất trong số các khu vực ngoài các nước A-rập (UNDP).
Tuy nhiên, tình hình đã bước đầu có chuyển biến, mặc dù còn chậm. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh và ngày càng có nhiều người được thụ hưởng thành quả của sự phát triển này. Khoảng cách về giới trong việc đăng ký đi học đang được thu hẹp; ở nhiều nơi, số sinh viên đại học nữ cao hơn số sinh viên nam. Tuy nhiên, được giáo dục phù hợp có ý nghĩa gì nếu như nó không đi kèm với cơ hội phù hợp? Để đạt được bình đẳng về chính trị, phụ nữ phải nhận được sự hỗ trợ và cơ hội mà họ cần để phát huy hết năng lực của mình; họ phải được trao quyền để nhìn nhận bản thân ở vai trò lãnh đạo và họ cũng cần có cơ hội tham gia chính trị ở cấp độ địa phương, khu vực hay quốc gia.
Các bằng chứng trên thế giới đã chứng tỏ rằng nếu như bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong quá trình ra quyết định thì nó sẽ tác động tiêu cực đến việc ra chính sách và đến tiến bộ xã hội.
Các rào cản xã hội, chính trị, kinh tế và luật pháp đã và đang cản trở sự tham gia của phụ nữ vào chính quyền ở mọi cấp. Để đảm bảo rằng bình đẳng giới là một thực tiễn chính trị (và là một thực tiễn sống - Michelle Bachelet), các chính phủ cần đưa ra chính sách và chương trình nhằm xây dựng quyền kinh tế của phụ nữ, đảm bảo tiếng nói chính trị lớn hơn và thúc đẩy quyền của phụ nữ theo pháp luật. Điều này cũng áp dụng đối với Việt Nam.
Báo cáo mới đây về Phát triển con người của UNDP ở khu vực châu Á Thái Bình Dương (2012), cũng như nhiều báo cáo, nghiên cứu và kinh nghiệm khác của Liên Hợp Quốc và ngoài Liên Hợp quốc, đã nhấn mạnh rằng việc áp dụng cơ chế chỉ tiêu giới có thể là một giải pháp chính trị khả thi.
Chỉ tiêu giới đã được đưa vào hiến pháp của Afghanistan, Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ, và trên toàn thế giới, nó đã chứng tỏ là chiến lược hiệu quả nhất để tăng cường số lượng phụ nữ trong nghị viện của các quốc gia.
Như mọi mục tiêu khác, bình đẳng giới là một quá trình. Trong vài thập kỷ qua, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đạt được những tiến bộ quan trọng nhờ sự phát triển hệ thống chính trị và thúc đẩy sự phát triển con người. Nhưng khu vực này vẫn còn có thể tiến xa hơn nữa nếu như có thêm nhiều phụ nữ tham gia không chỉ vào nghị viện mà cả chính phủ.[10]
Ví dụ, trong giới lãnh đạo chính trị ở các nước thành viên OECD, tỷ lệ nữ bộ trưởng đã tăng từ 21% năm 2005 lên 25% năm 2012. Số liệu từ năm 2012 cho thấy tỷ lệ nữ bộ trưởng dao động trong khoảng từ 50% ở các nước Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan và Iceland đến dưới 10% ở Hungary, Estonia, Slovenia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Phụ nữ thường đảm nhiệm chức bộ trưởng trong các lĩnh vực văn hoá và xã hội. Mặc dù quy trình bổ nhiệm bộ trưởng ở các nước có sự khác biệt, phụ thuộc vào hệ thống chính trị ở nước đó (bộ trưởng có thể do quốc hội bầu hoặc bổ nhiệm, hoặc do tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của quốc hội hoặc không cần chấp thuận), nhưng phụ nữ không được đại diện một cách bình đẳng trong bất kỳ hệ thống nào.
Tỷ lệ nữ bộ trưởng, năm 2012 và 2005
Nguồn: Liên minh Nghị viện Thế giới, Phụ nữ trong Chính trị, Posters, 2012 và 2005.
Trong suốt tiến trình cách mạng của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm chỉ đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới[11]. Các chính sách, pháp luật của Việt Nam cũng đã thể hiện sự quan tâm đến bình đẳng giới: Điều 26 của Hiến pháp Việt Nam năm 2013[12], các chính sách mềm đòi hỏi quan tâm hơn nữa và tăng cường sự tham gia của phụ nữ ở vị trí lãnh đạo và quản lý nhằm giảm dần khoảng cách giới trong chính trị[13], các quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006,[14] cũng như các điều khoản của CEDAW. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy quyền của phụ nữ trong chính trị và quá trình ra quyết định là một lĩnh vực có tiến triển chậm trong thập kỷ vừa qua và những thành quả hạn chế có được từ trước đó đã phần nào mất đi. Do vậy, cần thiết phải đẩy nhanh quá trình đã được lập kế hoạch từ trước này bằng những biện pháp từng được áp dụng ở những nơi khác trên thế giới và mang lại kết quả (nhưng cũng cần tính đến bối cảnh và thực tiễn chính trị ở mỗi nước).
Do chưa có tiến triển đáng kể trong các cơ quan lập pháp ở cấp quốc gia và địa phương, cũng như trong chính phủ và lĩnh vực hành chính công nên việc thực thi chính sách và quyết định liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ trong quốc hội, chính phủ, các vị trí cao cấp trong khu vực công và chính quyền địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một trong những lĩnh vực quan tâm chủ yếu của Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh (những nội dung này cần phải được quan tâm vì Việt Nam là nước thành viên công ước CEDAW), đó là:
“Trao quyền cho phụ nữ và sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng trong mọi lĩnh vực của xã hội, bao gồm[15] tham gia vào quá trình ra quyết định và tiếp cận quyền lực, là yếu tố cơ bản để đạt được bình đẳng, phát triển và hoà bình” (Tuyên bố Bắc Kinh, đoạn 13, Liên Hợp quốc 1995).
Mặc dù xu thế dân chủ hoá đang lan rộng ở hầu hết các quốc gia nhưng sự tham gia của phụ nữ trong hầu hết các cấp độ của các đảng chính trị, khu vực công, đặc biệt là ở các bộ và các cơ quan hành pháp khác vẫn còn hạn chế; và mục tiêu mà Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp quốc đề ra là tới năm 2005 phụ nữ sẽ đảm nhiệm 30% số vị trí ra quyết định vẫn chưa thực hiện được. Phụ nữ cũng chưa tham gia nhiều trong khu vực tư nhân, và thậm chí là trong xã hội truyền thống, mặc dù thực tế này cũng đang thay đổi cùng với việc áp dụng cơ chế chỉ tiêu đối với phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo công ty ở nhiều nước trong những năm gần đây. Một thực tế được nhấn mạnh trong nhiều dịp và tại nhiều nghiên cứu chính sách cũng như học thuật, đó là phụ nữ có ít khả năng tiếp cận quyền lực chính trị và quyền ra quyết định do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tôn giáo, văn hoá, xã hội và kinh tế. Điều này cũng áp dụng cho tình hình ở Việt Nam nói chung.
Như đã nhấn mạnh ở trên, có nhiều yếu tố cản trở sự tham gia một cách có ý nghĩa của phụ nữ vào việc ra quyết định, vào sự phát triển của tổ chức cũng như các quá trình chính trị. Nhiều nỗ lực nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quản trị đã mang lại một số kết quả nhưng chưa mang lại những thành tựu đáp ứng kỳ vọng của Bắc Kinh 1995. Cho tới năm 2014, tỷ lệ phụ nữ trong nghị viện các quốc gia trên toàn thế giới ở mức dưới 22% (tỷ lệ của cả hai viện là 21.9% - theo số liệu của IPU).
Phụ nữ cũng ít tham gia trong ngành hành pháp và số nữ bộ trưởng phụ trách các ngành không phải là lĩnh vực truyền thống của phụ nữ trong chính phủ như an ninh, quốc phòng, tài chính, ngân sách và ngoại giao mới chỉ tăng lên trong vài năm gần đây. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Việt Nam.
Đến tháng 9 năm 2015, trên thế giới có 9 nguyên thủ và 13 người đứng đầu chính phủ là nữ.[16] Và như đã đề cập ở trên, tỷ lệ nữ bộ trưởng bình quân trên thế giới chỉ là 18%. 20 năm sau Tuyên bố Bắc Kinh, đây thực sự là một con số rất thấp.
Với tỷ lệ tăng như hiện nay thì cho đến năm 2047, ít nhất là các nước đang phát triển sẽ chưa thể đạt được “khoảng cân bằng” trong đó không giới nào nắm giữ nhiều hơn 60% số ghế quốc hội.[17] Tệ hơn nữa, như một số nhà phân tích đã chỉ ra, có thể phải mất đến 100 năm thì điều này mới diễn ra ở những nơi khác trên thế giới.
Rwanda có số lượng nữ nghị sĩ cao nhất trên toàn thế giới. Phụ nữ chiếm 63.8% số ghế trong hạ viện Rwanda.[18] Tại thời điểm tháng 12 năm 2014, trên thế giới có 37 nước có tỷ lệ nữ nghị sĩ trong nghị viện hoặc hạ viện thấp hơn 10%.[19]
Tại thời điểm tháng 1 năm 2014, chỉ có 17% số bộ trưởng trong các chính phủ là nữ, phần lớn trong số họ phụ trách các bộ thuộc lĩnh vực xã hội như giáo dục và gia đình.[20]
Trong một số trường hợp đã được nghiên cứu, sự tham gia của phụ nữ trong chính quyền địa phương đã mang lại sự khác biệt quan trọng. Nghiên cứu về panchayats (hội đồng địa phương) ở Ấn Độ cho thấy ở những nơi mà phụ nữ đứng đầu hội đồng, số dự án nước sạch của điạ phương đó cao hơn 62% so với những nơi mà nam giới đứng đầu hội đồng. Ở Na Uy, các nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ trực tiếp giữa sự tham gia của phụ nữ trong hội đồng thành phố với mật độ các cơ sở trông giữ trẻ em.[21]
Nghiên cứu trường hợp điển hình cho thấy trong chính phủ hiện thời của Anh, nam giới vượt trội so với phụ nữ, và cả hai đảng trong liên minh cầm quyền đều gặp những khó khăn mang tính lịch sử trong việc thu hút những phụ nữ có năng lực tham gia. Mức độ tham gia thấp của phụ nữ mang lại một số hệ quả không mong muốn, trong đó có việc phân nửa dân số gần như bị loại trừ khỏi quá trình ra quyết định chính sách. Gần đây, dường như ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ lập luận rằng chỉ tiêu giới trong ngành hành pháp là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này và mang lại một xã hội công bằng hơn.
Lập luận đó như sau: “Nhu cầu cấp thiết hiện nay là cải thiện chất lượng tham gia trong giới tinh hoa của nền chính trị Anh. Chúng ta cần nhiều phụ nữ hơn ở các vị trí lãnh đạo trong ngành hành pháp bởi vì đó là nơi mà họ sẽ có nguồn lực thiết yếu để mang lại khác biệt thật sự cho cuộc sống của phụ nữ. Tuy nhiên, chúng ta đang phạm sai lầm về cách thức thực hiện mục tiêu này. Cả nghiên cứu học thuật lẫn tranh luận chính sách đều có xu hướng tập trung vào việc cải thiện nguồn cung: lập luận được đưa ra là chỉ cần có nhiều nữ nghị sĩ hơn thì việc bổ nhiệm phụ nữ trong nội các và chính phủ cũng sẽ tăng lên. Nhưng tiến bộ trong việc tăng số nữ nghị sĩ diễn ra khá chậm, không tương xứng và chỉ mang tính tạm thời, nhất là ở những đảng chưa áp dụng cơ chế mạnh để đảm bảo phụ nữ được xếp vào những khu vực bầu cử có khả năng thắng cử cao. Với tốc độ tiến triển như hiện nay, chúng ta có thể sẽ phải đợi 100 năm nữa thì số nghị sĩ nữ và nam mới cân bằng. Ngay cả đến lúc đó thì cũng không có gì đảm bảo rằng các nữ nghị sĩ sẽ được bổ nhiệm vào vị trí hành pháp sau khi được bầu vào Nghị viện.[22]
Thay vào đó, có lẽ chúng ta nên hướng sự quan tâm vào nhu cầu. Việc bổ nhiệm bộ trưởng và các vị trí trong chính phủ thuộc quyền của Thủ tướng. Ông ta (đôi khi là bà), với sự cân nhắc và tham vấn chính trị trong một số trường hợp, được tự do quyết định ai sẽ tham gia vào đội ngũ của mình.
Cần lưu ý rằng việc phụ nữ không được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính phủ hiếm khi là do thiếu những nữ chính trị gia tài năng. Bằng chứng trên toàn thế giới cho thấy nếu một Thủ tướng muốn bổ nhiệm một phụ nữ thì ông ta hoặc bà ta sẽ làm như vậy.
Tuy nhiên, với lưu ý về tình hình trên thế giới liên quan đến ngành hành pháp cũng như nội dung Điều 7 (b) của Công ước CEDAW: Các nước tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong đời sống chính trị và cộng đồng của đất nước và đặc biệt là phải đảm bảo cho phụ nữ, trên cơ sở bình đẳng với nam giới… (b) được tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách của chính phủ, tham gia vào bộ máy và các chức vụ nhà nước ở mọi cấp chính quyền;…” thì có thể thấy rằng yêu cầu cấp thiết hiện nay đó là nhu cầu đối với phụ nữ trong lĩnh vực chính trị của ngành hành pháp cần phải được chính thức hoá thông qua cơ chế chỉ tiêu trong càng nhiều trường hợp càng tốt. Khuyến nghị này cũng được áp dụng trong trường hợp của Anh.
Nhiều nước có những quy tắc bất thành văn để đảm bảo đạt được một tiêu chuẩn đại diện tối thiểu. Theo truyền thống, trong chính phủ Anh phải có một bộ trưởng người Scotland, một bộ trưởng xứ Wales, và các nhóm trong đảng có thể thoả thuận để đạt được sự cân bằng. Một số nước khác như Đức áp dụng các chỉ tiêu bất thành văn để đảm bảo sự hiện diện của các khu vực lớn và thậm chí là đại diện các nhóm tôn giáo. Trên thực tế, trước khi nhậm chức, Thủ tướng Anh Cameron đã đề cập đến ý tưởng về chỉ tiêu giới không chính thức đối với các vị trí lãnh đạo trong cơ quan hành pháp với mong muốn rằng cho tới trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Quốc hội, một phần ba số ghế trong chính phủ của ông sẽ do phụ nữ đảm nhiệm. Mục tiêu này chưa được thực hiện, dù đã có một số lần thay đổi nhân sự và tỷ lệ nữ trong chính phủ vẫn chưa vượt mức 18%. Hy vọng là một nguyên tắc chính thức sẽ mang lại những thay đổi như mong muốn.
Chỉ tiêu giới trong cơ quan hành pháp sẽ mang lại cho những người đứng đầu chính phủ một công cụ để xây dựng đội ngũ lãnh đạo chính trị phản ánh chính xác hơn đặc tính của những công dân mà họ đại diện. Đòi hỏi người đứng đầu chính phủ đảm bảo một nội các cân bằng về giới sẽ buộc họ nhìn ra bên ngoài mạng lưới gồm những gương mặt quen thuộc khi cân nhắc các ghế bộ trưởng. Chỉ tiêu giới chính thức trong cơ quan hành pháp sẽ đẩy nhanh tiến triển quá chậm chạp trong sự tham gia chính trị của phụ nữ ở cấp độ giới tinh hoa, nơi mà các chính trị gia có nguồn lực để tạo ra sự khác biệt. Cuối cùng, sự cân bằng giới lớn hơn trong nội các và các cơ quan chính phủ sẽ gia tăng cơ hội (mặc dù không đảm bảo) để phụ nữ có thể thụ hưởng nhiều hơn từ các chính sách của chính phủ[23]
Trong một diễn biến mới đây, theo bản khảo sát mà nhật báo Japan Times đăng tải vào tháng 11 năm 2014, khoảng một nửa trong số 47 quận ở Nhật Bản đã đề ra chỉ tiêu số lượng về việc đề bạt nhân viên nữ, và hầu hết trong số đó đều thấp hơn mục tiêu Thủ tướng Shinzo Abe đề ra là tăng tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo lên mức 30% vào năm 2020. Toàn bộ 47 quận trưởng đã tham gia cuộc khảo sát từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2014. 24 người cho biết chính quyền quận mình đã đề ra chỉ tiêu số lượng, trong khi ở Tokyo, quận trưởng Yoichi Masuzoe cho biết thủ đô sẽ sớm đặt mục tiêu 20%. 22 quận trưởng còn lại cho biết chính quyền địa phương vẫn đang xem xét vấn đề.
Đề bạt phụ nữ trong các công sở là một phần trong các chính sách cải cách kinh tế của Thủ tướng Abe. Ông cho biết mục tiêu của mình là tạo ra một xã hội trong đó “mọi phụ nữ đều toả sáng”. Đây là một câu nói rất hoa mỹ, tuy nhiên, khi cần có kết quả chứng minh thì Chính phủ đã không đáp ứng được.
Cho đến tháng 4 năm 2013, số liệu của Chính phủ Nhật cho thấy tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý dao động từ 15.2% ở Tokyo đến 2.1% ở Quận Yamaguchi, quê nhà của Thủ tướng Abe.[24]
Luật pháp Phần Lan quy định rằng tỷ lệ mỗi giới trong thành phần của các cơ quan ra quyết định, bao gồm Chính phủ, phải đạt ít nhất 40%. Điều này giúp làm tăng tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan ra quyết định từ 25% năm 1980 lên 48% năm 1996.
Hiến pháp Pháp được sửa đổi năm 1999, quy định rằng “luật ủng hộ sự tiếp cận bình đẳng của phụ nữ và nam giới đối với các cơ quan bầu cử và các công việc liên quan đến bầu cử”. Năm 2000, luật được sửa đổi, theo đó số lượng ứng cử viên nam và nữ mà các đảng chính trị đề cử cho các cuộc bầu cử phải cân bằng (dao động trong khoảng 2%).
Trong nhiều trường hợp, số lượng phụ nữ trong nội các phụ thuộc phần lớn vào thủ tướng hoặc cả các lãnh đạo khác nếu như đó là chính phủ liên hiệp, và con số này được thương lượng trong quá trình thành lập hoặc thay đổi nhân sự của nội các. Trường hợp gần đây ở Indonesia, Thủ tướng nước này đã bổ nhiệm 8 phụ nữ vào nội các mới, một điều chưa từng có tiền lệ ở Indonesia, nhưng điều này phù hợp với cương lĩnh tranh cử của ông, đó là phụ nữ cùng với nam giới sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Do đó, mặc dù chưa có nhiều tiến bộ trong việc áp dụng cơ chế chỉ tiêu (cứng) mang tính pháp lý trong các chính phủ khác nhau, và cơ chế chỉ tiêu mềm vẫn tồn tại trong chính phủ nhiều nước trên thế giới, chúng tôi vẫn khuyến khích các quốc gia – nếu có quyết tâm mang lại thay đổi thực chất và triển khai đầy đủ các điều khoản của Công ước CEDAW mà họ là thành viên, giống như Việt Nam - áp dụng cơ chế chỉ tiêu mang tính pháp lý trong quá trình thành lập Chính phủ để thúc đẩy bình đẳng giới và đem lại những kết quả thật sự cho người dân trong mọi lĩnh vực. Khuyến nghị trên đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam, khi mà số lượng thành viên Chính phủ, bao gồm Thủ tướng và 5 Phó Thủ tướng, là 27 người nhưng chỉ có 2 người – tương đương 8% - là nữ, bao gồm Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,
Con số này không tương xứng với những nỗ lực ngày càng lớn mà Việt Nam đã tiến hành để tăng cường sự hiện diện và tham gia của phụ nữ ở mọi cấp độ của quá trình ra quyết định trong Chính phủ và Quốc hội. Nếu tỷ lệ lãnh đạo và đại biểu Quốc hội nữ ở Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm như hiện nay thì Việt Nam có nguy cơ trì trệ về kinh tế-xã hội.[25] Tuy nhiên, với vị trí từng là nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực bình đẳng giới, việc đẩy mạnh thực hiện sáng kiến này và đưa cơ chế chỉ tiêu vào Luật Tổ chức Chính phủ mới cũng như Luật Bầu cử mới có thể giúp đưa Việt Nam trở lại vị trí dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á nhanh hơn nhiều và với kết quả rõ nét hơn, và điều này sẽ dẫn đến những thay đổi trên thực tế trong thời gian ngắn hơn.
4. TRÊN CỞ SỞ ĐÓ, DƯỚI ĐÂY LÀ MỘT SỐ BÌNH LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ BAN ĐẦU:
1. Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (Dự thảo 14) và tổng hợp thảo luận tại buổi họp với Uỷ ban Văn Hoá Xã hội của Quốc hội, ngày 9 tháng 1 năm 2015:
Qua phân tích Dự thảo lần thứ 14 của Luật Tổ chức Chính phủ, chúng tôi có một số nhận xét và khuyến nghị sau đây để trình lên Quốc hội và Chính phủ trên cơ sở phù hợp với toàn bộ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam cần thực hiện với tư cách là nước thành viên Công ước CEDAW:
1. Tại Khoản 3 Điều 3, “Cơ cấu và số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng trình Quốc hội xem xét quyết định”, nên bổ sung nội dung “thành phần phải phù hợp với Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
2. Khoản 5 Điều 7 nên bổ sung “số phụ nữ được tính’
3. Cũng tại Điều 7, khoản 8 và 9 cần được viết rõ hơn để đảm bảo bình đẳng cho tất cả mọi người. Cách viết như trong dự thảo lần này có thể để ngỏ nhiều khả năng mà không phải tất cả đều có lợi cho bình đẳng giới.
4. Khoản 4 Điều 8 nên bổ sung quy định cân nhắc kỹ các tác động về giới trong việc xây dựng dự toán ngân sách;
5. Cũng tại Điều 8, khoản 10 nên viết như sau: “Chỉ đạo, tổ chức và quản lý việc thực hiện công tác kiểm kê, thống kê số liệu có phân tách giới của Nhà nước.” (đây là vấn đề rất quan trọng và nhiều nước trên thế giới thiếu số liệu thống kê, do vậy việc xây dựng chính sách để giải quyết vấn đề phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong mọi lĩnh vực trở nên rất khó khăn và phức tạp).
6. Khoản 2 Điều 11 nên thêm vào phần cuối một dấu phẩy, và cụm từ ở cả hai giới một cách bình đẳng
7. Khoản 1 Điều 12 nên bổ sung cụm từ… chống việc truyền bá tư tưởng và sản phẩm văn hoá độc hại ở cả hai giới; bài trừ mê tín, dị đoan trong toàn dân; xây dựng nếp sống văn minh ở cả hai giới và mọi nhóm trong xã hội.
8. Cũng tại Điều 12, Khoản 2 nên bổ sung cụm từ “bình đẳng giới” sau cụm từ lợi ích quốc gia.
9. Khoản 3 Điều 14 là một quy định rất tốt khi quy định việc thực hiện chính sách bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; nên bổ sung cụm từ “chống mọi hành vi bạo lực, xúc phạm nhân phẩm đối với mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (để phù hợp với khái niệm bình đẳng giới)
10. Khoản 4 Điều 14 nên bổ sung từ “mọi” trước từ “để” và từ “công dân”…, như vậy Điều này sẽ được áp dụng một cách bình đẳng cho cả nam và nữ.
11. Khoản 6 Điều 19, phần cuối nên bổ sung cụm từ: … hành chính hiệu quả dựa trên các nguyên tắc bình đẳng giới được quy định trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11-NQ/TW.
12. Khoản 4 Điều 21 nên bắt đầu bằng: “trên cơ sở bình đẳng giới, tổ chức và chỉ đạo hoạt động…” vì điều này cũng tương ứng trực tiếp và phù hợp với Điều 7 và Điều 8 của Công ước CEDAW.
13. Điều 24 quy định Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Khoản 2 (c) cần nêu rõ các vấn đề giới cần được nêu rõ bởi vì Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định tổng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp; chỉ đạo và thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương;
14. Khoản 3 Điều 24, phần cuối nên thêm cụm từ… “phù hợp với Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11-NQ/TW.”
15. Khoản 4 Điều 24 nên thêm cụm từ “bao gồm ít nhất 35% là nữ” khi Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài (phù hợp với Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11-NQ/TW và Điều 8 của Công ước CEDAW, đồng thời lưu ý các thông tin trong Báo cáo Định kỳ lần thứ 7 và 8 của Việt nam về Công ước CEDAW được đệ trình lên Ủy ban về Địa vị của Phụ nữ).
16. Khoản 5 và 6 Điều 24 nên thêm cụm từ ít nhất 35% là nữ trong tổng số Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được bổ nhiệm (phù hợp với Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11-NQ/TW và Điều 7 của Công ước CEDAW). Phương án khác là “ít nhất một phần ba là nữ”.
17. Khoản 10 Điều 24, đoạn cuối nên thêm cụm từ… toàn bộ các điều trên sẽ được tiến hành trên cơ sở lưu ý vấn đề bình đẳng giới.
18. Điều 26 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Các Phó Thủ tướng không nói rõ số lượng phó thủ tướng (hiện cả 5 phó thủ tướng đều là nam); chúng tôi đề nghị nêu rõ số lượng phó thủ tướng trong luật, và ít nhất 35% số phó thủ tướng là nữ. Phương án khác là “ít nhất một phần ba số phó thủ tướng là nữ”
19. Khoản 3 Điều 29 nên quy định như sau: “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phù hợp với các lưu ý bình đẳng giới và quy định hiện hành của pháp luật.
20. Khoản 9 Điều 29 nên bổ sung vào câu cuối nội dung sau: “…tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý phù hợp với các lưu ý bình đẳng giới và quy định hiện hành của pháp luật.
21. Khoản 2 Điều 34 nên bổ sung các lưu ý về bình đẳng giới khi Chính phủ quyết định số lượng thứ trưởng và cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ trong mỗi bộ và cơ quan ngang bộ, với ít nhất 35% số người được bổ nhiệm là nữ. Phương án khác là ít nhất một phần ba số người được bổ nhiệm là nữ.
22. Tại Điều 42, bên cạnh Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, nên bổ sung Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (tên đầy đủ) trong tất cả các khoản để nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội trong sự nghiệp bình đẳng giới của đất nước.
5. Tổng hợp ý kiến tại buổi thảo luận với Quốc hội về Luật Tổ chức Chính phủ, tại trụ sở Quốc hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 9/1/2015:
Bà Thuý Anh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội phát biểu rằng tại Việt Nam, Luật Bình đẳng giới có hiệu lực từ năm 2007; Việt Nam đã xây dựng pháp luật về bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề giới trong quá trình làm luật. Bà nhấn mạnh rằng Uỷ ban có nhiệm vụ lồng ghép giới trong mọi vấn đề và chịu trách nhiệm về vấn đề giới trong toàn Quốc hội.
Uỷ ban rất quan tâm đến việc thẩm tra dự án Luật Bầu cử và dự án Luật Tổ chức Chính phủ, cũng như ý kiến của các chuyên gia và ý kiến bên ngoài về sự tương thích của các dự án luật này với CEDAW và Luật Bình đẳng giới.
Bà Thuý Anh cho rằng mục tiêu là đảm bảo rằng các dự án luật này phù hợp với các nguyên tắc của CEDAW và Luật Bình đẳng giới và bày tỏ mong muốn được nghe những đánh giá về báo cáo sơ bộ do ban soạn thảo dự thảo.
Chuyên gia quốc tế, Tiến sĩ Gjurchilova phát biểu rằng luật này có ý nghĩa quan trọng giúp giải quyết vấn đề thiếu sự đại diện của phụ nữ trong chính phủ, đây không chỉ là thách thức đối với riêng Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Hiện nay, trong số 27 bộ trưởng chỉ có 2 nữ Bộ trưởng. Bà nhấn mạnh rằng có thể đưa vào trong luật một số quy định để khuyến khích việc bổ nhiệm nữ vào các vị trí lãnh đạo. Đây là một văn bản luật toàn diện, và các điều như Điều 7 - khoản 5, Điều 12 - khoản 6, Điều 13 đã bao hàm những nội dung tích cực liên quan đến vấn đề giới. Tuy nhiên, chưa có các biện pháp cụ thể giúp tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong tổ chức Chính phủ. Ví dụ, việc số lượng nữ đại sứ còn ít chứng tỏ vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị chưa cao. Sự hiện diện của phụ nữ trong ngành ngoại giao và các vị trí ra quyết định cần phải được pháp luật bảo đảm bằng những điều khoản được đưa vào văn bản luật. Điều 16 (khoản 4 và khoản 5) là ví dụ tốt về việc thống nhất mức lương của công chức và bà bày tỏ hy vọng rằng điều khoản này sẽ được thực thi. Bà đặt câu hỏi về việc luật này sẽ được triển khai như thế nào và Việt Nam sẽ nỗ lực đạt và duy trì bình đẳng giới như thế nào. Ở chương III không có điều khoản nào về bình đẳng giới, nên quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ và trách nhiệm bổ nhiệm ít nhất 35% phụ nữ trong Chính phủ, phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành (Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Nghị quyêt số 11-NQ/TW).
Về hình thức sản phẩm, các thành viên Uỷ ban muốn nhận được Báo cáo phân tích vấn đề giới trong hai dự thảo luật trên kèm theo các khuyến nghị để nâng cao chất lượng của dự thảo luật. Sau đó, Uỷ ban sẽ tổng hợp ý kiến, khuyến nghị từ các cố vấn và chuyên gia khác nhau và đưa ra quyết định cuối cùng.
Uỷ ban quan tâm đến kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới về cơ chế chỉ tiêu trong chính phủ và mức độ thành công của nó ở các nước với chế độ bầu cử khác nhau. Họ cũng muốn tìm hiểu thêm về vấn đề lồng ghép giới trong các cơ quan chính phủ khác nhau.
Một thành viên của Uỷ ban bày tỏ quan ngại rằng cơ chế chỉ tiêu sẽ phát huy tác dụng tốt hơn ở các nước phát triển trong khi Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, có trình độ kinh tế xã hội kém hơn, do đó hình thức này có thể không hiệu quả. Ông được giải thích rằng việc áp dụng cơ chế chỉ tiêu ở các nước với trình độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau có hiệu quả nhiều hay ít còn phụ thuộc vào chế độ bầu cử, vai trò của các cơ quan làm về vấn đề giới và sự sẵn sàng của lãnh đạo đảng trong việc thực thi bình đẳng giới.
Các thành viên Uỷ ban cũng thể hiện sự quan tâm đến việc xem xét kỹ hơn Luật Bình đẳng giới, đặc biệt là Điều 6, và cho biết sau này có thể xem xét việc sửa đổi Luật này. Chủ toạ phiên họp cho rằng không nên coi việc thúc đẩy bình đẳng giới là phân biệt đối xử trên cơ sở giới, nếu như chúng ta tính đến Điều 4, Điều 7 và Điều 8 của Công ước CEDAW. Cần có biện pháp giúp phụ nữ tiếp cận các vị trí lãnh đạo bởi vì mức độ triển khai các nghĩa vụ này còn thấp và là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.
Cần đưa thêm nội dung về tỷ lệ nữ tham gia Chính phủ và khuôn khổ lập pháp để khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn.
Trong buổi thảo luận, hai bên ghi nhận rằng bản tiếng Anh mà chuyên gia có không tương thích với bản tiếng Việt cập nhật của dự thảo.
Chương IV có thể bổ sung những quy định cụ thể về tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia lãnh đạo; như vậy sẽ giúp cho Luật phù hợp với các quy định của công ước CEDAW về phụ nữ ở vị trí người ra quyết định. Vấn đề đảm bảo sự tham gia của phụ nữ không chỉ trong Quốc hội mà còn trong Chính phủ và các cơ quan chính phủ một lần nữa được nhấn mạnh.
Các biện pháp đặc biệt tạm thời như cơ chế chỉ tiêu trong luật tổ chức Chính phủ không phải là biện pháp phổ biến trên thế giới nhưng những kết quả tích cực tại một số nước áp dung chỉ tiêu mềm đã được ghi nhận. Chuyên gia muốn biết liệu Uỷ ban có muốn cân nhắc việc đưa chỉ tiêu vào trong Luật Tổ chức Chính phủ hay không. Cơ quan phụ trách vấn đề bình đẳng giới cũng có thể đóng vai trò trong việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí quản lý và các yêu cầu như vậy có thể được đưa vào Luật Tổ chức Chính phủ nếu như những quy định cụ thể cho cơ quan đó là một phần của Luật.
Bà Thuý Anh phát biểu rằng một số nghiên cứu ban đầu về lồng ghép giới đã được tiến hành. Bà cũng nói rằng liên quan đến việc áp dụng cơ chế chỉ tiêu trong Luật, Uỷ ban mong muốn học tập kinh nghiệm thế giới trong quá trình xây dựng báo cáo thẩm tra. Bà đưa ví dụ về việc chính phủ Pháp có tỷ lệ giới cần bằng 50:50. Bà bày tỏ tin tưởng rằng một khi có quyết tâm chính trị thì điều này có thể thực hiện được. Việc áp dụng chỉ tiêu trong chính phủ sẽ dễ hơn trong các cơ quan dân cử.
TS. Gjurchilova đồng tình rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy rõ sự tham gia của phụ nữ trong nghị viện còn hạn chế và còn nhiều việc cần phải làm để tăng số lượng phụ nữ có khả năng tham gia chính phủ bằng cách sử dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời. Bà cũng cho biết ở cấp độ Liên minh châu Âu, chính sách 50:50 được áp dụng đối với số lượng nữ trong cơ cấu lãnh đạo các công ty.
Một số thành viên Uỷ ban cho rằng các biện pháp trên là rất tiến bộ và Việt Nam vẫn chưa bắt kịp vì cần phải có năng lực và quyết tâm chính trị để sự tham gia của phụ nữ có thể đạt được mức độ đó.
Ông Chương?, Phó chủ nhiệm Uỷ ban đặt câu hỏi liệu có phải cơ chế chỉ tiêu chỉ được áp dụng ở các nước đang phát triển hay không, vì các ví dụ trên nói đến EU và Pháp, bởi vì ở các nước phát triển có nhiều phụ nữ có năng lực hơn, do đó cơ chế này cũng dễ áp dụng hơn.
TS. Gjurchilova nói rằng thực tế lại trái ngược. Ở các nước đang phát triển, phụ nữ có nhiều cơ hội đạt đến vị trí quản lý lãnh đạo hơn bởi vì ở các nước này, phụ nữ phải đấu tranh để vượt qua những đặc quyền mà nam giới được hưởng. Khi tiềm năng của phụ nữ được phát huy thì sẽ thúc đẩy phát triển. Bà lấy ví dụ Rwanda và Liberia là hai nước đã có nhiều tiến bộ về sự tham gia của phụ nữ trong thập kỷ vừa qua.
Bà Thuý Anh xác nhận rằng Rwanda có tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị cao nhất trên thế giới. Bà muốn biết thêm về mối quan hệ giữa chỉ tiêu giới trong Quốc hội và trong Chính phủ, liệu mối quan hệ này có tỷ lệ thuận hay không.
Ông Lương Phan Cừ, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban hỏi về cơ sở áp dụng chỉ tiêu? Tỷ lệ là bao nhiêu và ở cấp độ nào? Uỷ ban cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác, trên cơ sở đó sẽ đề ra chỉ tiêu cho Việt Nam. TS. Gjurchilova nói rằng điều đó phụ thuộc vào tiến bộ đạt được. Các tiêu chuẩn có thể được xem xét lại cho phù hợp với thực tế và khi đã đạt được bình đẳng giới thì cơ chế chỉ tiêu có thể được bãi bỏ, tuy nhiên chưa có nước nào đạt được đến mức độ này. Na Uy là nước đạt gần mức này nhất.
Ông Cừ cho biết tỷ lệ phụ nữ giữ chức vụ Thứ trưởng cũng như các chức vụ chủ chốt ở địa phương không cao. Giáo dục cho phụ nữ đã được chú trọng trong những năm gần đây. Do vậy, ông muốn nghe ý kiến về cách xác định biện pháp và tỷ lệ phù hợp.
TS. Gjurchilova cho rằng năng lực của phụ nữ cần được phát triển liên tục. Việt Nam cần bắt đầu tuyển chọn phụ nữ và đào tạo để phụ nữ có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp. Sự tham gia của phụ nữ cần đến từ cả hai phía – từ dưới lên và từ trên xuống.
Trả lời câu hỏi của bà Thuý Anh về việc vấn đề giới được giải quyết như thế nào trong các tổ chức/hệ thống/bộ máy chính phủ (các bộ chuyên trách), TS. Gjurchilova cho biết cần áp dụng nguyên tắc chung trong toàn bộ các cơ quan chính phủ; bộ máy hành chính nhà nước cũng là một nơi quan trọng cần đảm bảo bình đẳng giới. Bà nhấn mạnh rằng trừ phi có một tỷ lệ hoặc con số cụ thể nào đó làm cơ sở để tiến hành các bước tiếp theo, nếu không thì không thể đánh giá được quá trình triển khai. Làm sao đánh giá được sự thoả mãn nếu như không đặt ra tiêu chí?
Bà Thuý Anh cho biết theo quan điểm của mình, ít nhất 30% nhân sự phải là nữ.
TS. Gjurchilova nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần phải có số liệu về giới và sự cần thiết phải phân tách chúng ở các cấp độ khác nhau để có thể hiểu rõ sự tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định ở các cấp.
Ông Lương Phan Cừ, cho rằng nếu như tuổi nghỉ hưu của nam và nữ giống nhau thì việc đề bạt nữ vào vị trí lãnh đạo quản lý có thể dễ dàng hơn. Khoảng cách về tuổi nghỉ hưu là thách thức lớn đối với Việt Nam. Liệu vấn đề này có thể được giải quyết bằng các văn bản dưới luật không?
TS. Gjurchilova bày tỏ quan ngại và cho rằng việc phụ nữ phải nghỉ hưu ở tuổi 55 là sự phân biệt đối xử. Với cơ chế chỉ tiêu, phụ nữ trẻ cũng cần được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo. Các văn bản dưới luật không thể giải quyết vấn đề trừ phi luật được sửa đổi. Tuy nhiên, nhìn vào năng lực của phụ nữ Việt Nam thì tuổi nghỉ hưu không phải là trở ngại chính trong việc tăng sự hiện diện của phụ nữ ở vị trí lãnh đạo. Mặc dù vậy, tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ nên giống nhau, như đã được đề xuất lên các cơ quan khác nhau của Chính phủ và Quốc hội từ lâu.
Bà Thúy Anh nói rằng việc vận hành theo quyết định này phụ thuộc vào Bộ Ngoại giao (?)Nếu họ áp dụng cơ chế thâm niên thì sẽ khó triển khai.
Ông Lực, thành viên Ủy ban cho biết hiện ý kiến của các đại biểu quốc hội về dự thảo Luật đang được thu thập. Luật phải được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng của Chính phủ. Không có luật nào cản trở sự tham gia của phụ nữ, tất cả các luật đều khuyến khích sự tham gia của phụ nữ. Cần có quy định về ưu tiên phụ nữ nhưng có lẽ không nên đặt trong Luật tổ chức Chính phủ mà trong các văn bản dưới luật khác. Các đại biểu quốc hội cho biết cần xem xét lại nhiệm vụ của Chính phủ. Trong quá trình soạn thảo, Quốc hội cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong mỗi Điều khoản.
Bà Thúy Anh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Điều 6 Luật Bình đẳng giới. Không nên coi các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là phân biệt đối xử. Do đó, cơ chế chỉ tiêu là một biện pháp đặc biệt tạm thời phù hợp với Công ước CEDAW. Các biện pháp cũng cần hỗ trợ phụ nữ vì họ phải đảm đương nhiều công việc gia đình hơn. Để triển khai luật, cần đưa ra các chính sách hỗ trợ phụ nữ và quy định vai trò của mỗi tổ chức trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Ủy ban muốn có thêm thông tin về kinh nghiệm quốc tế áp dụng cho các khuôn khổ lập pháp, tỷ lệ quota, so sánh giữa cơ chế nghị viện và chính phủ, v.v. Dự kiến đến cuối tháng 1/2015, Ủy ban sẽ có báo cáo sơ bộ về các vấn đề chủ yếu và ngày 21 tháng 3 năm 2015 sẽ tổ chức hội thảo tham vấn tại thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo cuối cùng sẽ bao gồm các vấn đề bình đẳng giới trong luật và khuyến nghị, cũng như tóm tắt kết quả tham vấn.
6. Về Quốc hội các nước
Có sự khác biệt lớn về tỷ lệ phụ nữ trung bình trong nghị viện các quốc gia ở mỗi khu vực, trong từng viện (nghị viện các nước theo chế độ độc viện; hạ viện và thượng viện). Tại thời điểm tháng 12 năm 2014, tỷ lệ này như sau: các nước Bắc Âu: 42%; châu Mỹ: 26%; châu Âu trừ Bắc Âu: 23.6%; khu vực châu Phi cận Sahara: 21.8%; châu Á: 18.3%; Trung Đông và Bắc Phi: 16%; khu vực Thái Bình Dương: 15.3%[26]
Tỷ lệ 30% được coi là mốc quan trọng đối với sự tham gia của phụ nữ. Tại thời điểm tháng 1 năm 2014, 39 nghị viện hoặc hạ viện có tỷ lệ nữ chiếm 30%, bao gồm 11 nước ở châu Phi và 8 nước châu Mỹ La tinh.[27] Trong số 39 nước, 32 nước có áp dụng cơ chế chỉ tiêu theo hình thức nào đó nhằm mở đường cho phụ nữ tham gia về chính trị. Cụ thể, 13 nước áp dụng cơ chế ứng cử viên cơ quan lập pháp; 6 nước áp dụng cơ chế ghế dành riêng; tại 10 nước khác, các đảng áp dụng cơ chế chỉ tiêu tự nguyện.[28]
Ở những nước áp dụng chế độ bầu cử theo tỷ lệ, phụ nữ nắm giữ 25.2% số ghế. Trong khi đó ở các nước áp dụng chế độ bầu cử theo đa số thì tỷ lệ này là 19.6% và ở các nước có chế độ bầu cử hỗn hợp là 22.7%.[29]
Số lượng phụ nữ tham gia chính trị nhiều hơn không đồng nghĩa với chính sách tốt hơn, ví dụ như mức độ tham nhũng thấp hơn. Thay vào đó, một nền chính trị dân chủ và minh bạch hơn sẽ kéo theo mức độ tham nhũng thấp hơn, và hai điều này mang lại môi trường thuận lợi hơn cho phụ nữ tham gia.[30]
Bảng dưới đây mô tả thực trạng ở các nước OSCE
Tỷ lệ phụ nữ tham gia nghị viện và chỉ tiêu giới theo luật định (2012 và 2002):
Tại hạ viện hoặc nghị viện (các nước theo chế độ độc viện)
Cột màu tím nhạt thể hiện các nước mà hạ viện hoặc nghị viện có chỉ tiêu về ứng cử viên tại thời điểm ngày 21 tháng 1 năm 2013.
Nguồn: Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), PARLINE (cơ sở dữ liệu); và IDEA, Quota Project (cơ sở dữ liệu).
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 mang lại cơ hội như nhau cho phụ nữ và nam giới trong việc tham gia vào mọi khía cạnh của quá trình bầu cử, nhờ đó đảm bảo cho quá trình bầu cử dân chủ, công bằng và không phân biệt đối xử.
Điều 6 của Hiến pháp quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.”
Điều 7 quy định: “1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.”
Quyền bầu cử và và được bầu không chỉ giới hạn như vậy mà còn bao hàm quyền của cả phụ nữ và nam giới được là thành viên của các cơ quan phụ trách bầu cử, được có danh sách ứng cử viên bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối xử và được ứng cử mà không bị cản trở. Để đảm bảo rằng các quyền này được thực hiện, luật bầu cử cần được xây dựng trên cơ sở có lưu ý vấn đề giới trong toàn bộ quá trình với các quy định chính xác, rõ ràng, toàn diện và minh bạch.
Do Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Luật Bầu cử Đại biểu quốc hôi và Đại biểu Hội đồng nhân dân mới phù hợp với Hiến pháp Việt Nam năm 2013, trong đó có việc thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia, cần đưa nguyên tắc bình đẳng giới và không phân biệt đối xử vào trong tất cả các nội dung quan trọng của Luật.
Nguyên tắc bình đẳng được quy định tại Điều 1 của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND như sau: “Việc bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”, trong khi đó nguyên tắc dân chủ và đúng pháp luật được quy định tại Khoản 2 Điều 4 về Trách nhiệm của các cơ quan, theo đó “Uỷ ban thường vụ Quốc hội … giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm cho việc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.”
Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn ở các nước khác cũng như ở chính Việt Nam cho thấy các quy định này là chưa đủ để đảm bảo rằng (các) cuộc bầu cử sẽ được tiến hành và có kết quả phù hợp với các nguyên tắc đã được quy định.
7. Một số nhận xét ban đầu và Khuyến nghị về dự thảo Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân
2. Dự thảo Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBQH và ĐBHĐND) và tổng hợp ý kiến thảo luận tại buổi họp với Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, ngày 9/1/2015:
Qua phân tích Dự thảo Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND, chúng tôi có một số nhận xét và khuyến nghị sau đây để trình lên Quốc hội và Chính phủ trên cơ sở = phù hợp với toàn bộ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam cần thực hiện với tư cách là nước thành viên Công ước CEDAW:
- Khoản 1 Điều 4, về Trách nhiệm của các cơ quan, đoạn cuối nên bổ sung:… phù hợp với các lưu ý về bình đẳng giới và quy định hiện hành của pháp luật.
- Khoản 2 Điều 4, câu thứ 2 nên bổ sung: … phù hợp với các lưu ý về bình đẳng giới, các biện pháp đặc biệt tạm thời đã được thông qua và quy định hiện hành của pháp luật.
- Khoản 2 Điều 4, câu thứ 3 (cũng là câu cuối cùng) nên bổ sung… dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng, an toàn và tiết kiệm.
- Khoản 4 Điều 4 nên bổ sung: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương một cách bình đẳng và không phân biệt đối xử, bao gồm việc sử dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (trên cơ sở cân nhắc ảnh hưởng rất lớn của Mặt trận Tổ quốc trong việc lựa chọn đại biểu ở tất cả các cấp). Cần bổ sung thêm một câu như sau: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đảm bảo các quy định về bình đẳng giới trong Luật này được tuân thủ và áp dụng”.
- Khoản 5 Điều 4 nên bổ sung nội dung sau vào phần cuối của câu đầu tiên:…một cách bình đẳng và không phân biệt đối xử, trong đó các biện pháp đặc biệt tạm thời không bị coi là phân biệt đối xử.
- Tại Điều 5, chúng tôi đề nghị nên tăng số ngày từ khi có công bố của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 105 ngày như dự thảo đề xuất lên 125 ngày để phụ nữ có nhiều thời gian chuẩn bị cho quá trình bầu cử hơn vì trong một số trường hợp trước đây, có một số phụ nữ được đề nghị ra ứng cử chỉ vài ngày trước ngày bầu cử. Cần đảm bảo rằng tình trạng này không xảy ra trong bất kỳ cuộc bầu cử nào trong tương lai. Tất cả mọi người, bao gồm cả phụ nữ, cần có cơ hội bình đẳng trong việc ra ứng cử và được bầu, bao gồm cả thời gian thực tế của quá trình bầu cử.
- Như đã nêu trong Phân tích của UNDP[31], các ứng cử viên có cơ hội tiếp xúc cử tri để lắng nghe nhận xét trong quá trình lựa chọn và giới thiệu đại biểu cũng như trình bày chương trình hành động của họ trong quá trình tranh cử. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng cử tri tham gia hoạt động này rất thấp. Chỉ có 340.696 cử tri tham gia 2.192 cuộc tiếp xúc cử tri dành cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá 13 và có 6.367.095 cử tri tham gia 121.084 cuộc tiếp xúc cử tri dành cho ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016[32]. Điều này có nghĩa là hơn 80% số cử tri (cả nam và nữ) không tham gia tiếp xúc cử tri. Nếu thời gian tranh cử dài hơn, toàn bộ các cử tri sẽ có cơ hội tiếp xúc với ứng cử viên để có quyết định đúng đắn.
- Chúng tôi cũng đưa ra khuyến nghị và lý giải tương tự đối với Khoản 1 Điều 7.
- Dự thảo hiện tại không quy định biện pháp đặc biệt tạm thời để đảm bảo rằng tỷ lệ phụ nữ dự kiến (theo Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TW) sẽ trở thành đại biểu quốc hội trong nhiệm kỳ tới:
- Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 rất quan trọng vì biện pháp đặc biệt tạm thời – cơ chế chỉ tiêu – nên được đưa vào đây.
Thông lệ quốc tế cho thấy sẽ tốt hơn và phù hợp hơn với nguyên tắc bình đẳng giới và không phân biệt đối xử nếu sử dụng văn phong trung tính về giới và do đó, chúng tôi đề nghị thay vì cách viết Khoản 1 và Khoản 4 như hiện nay, nên bổ sung vào đoạn cuối của khoản 1 và khoản 4 cụm từ “tối thiểu 35% đại biểu thuộc mỗi giới”. Như vậy, khoản 1 sẽ được viết như sau: “… và đảm bảo tối thiểu 35% đại biểu thuộc mỗi giới và tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.”
Khoản 4 có thể kết hợp với Khoản 1, hoặc nếu tách riêng thì Khoản 4 nên quy định như sau: “Số đại biểu Quốc hội là phụ nữ do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm tối thiểu 35% đại biểu quốc hội là nữ .”
Với biện pháp đặc biệt tạm thời có tính ràng buộc pháp lý này, Việt Nam có thể thực hiện được các mục tiêu nêu trong Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới bởi vì với xu hướng như hiện nay, nếu như không có quy định mang tính ràng buộc pháp lý thì tình hình rất khó thay đổi theo chiều hướng mong muốn, như kết quả các cuộc bầu cử năm 2007 và 2011 đã cho thấy.
Giống như Điều 7, nội dung tương tự cũng nên được bổ sung trong Khoản 1 và Khoản 2 Điều 8 về bầu cử Hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân.
- Liên quan đến Chương III, Mục 1 về Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tại Điều 11 đến Điều 15, không có biện pháp đặc biệt tạm thời nào dưới hình thức chỉ tiêu giới đối với thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan bầu cử ở địa phương.
Thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan bầu cử ở địa phương trong các kỳ bầu cử trước hầu hết là nam. Dự thảo Luật lần này không có bất kỳ quy định nào về cân bằng giới trong Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan bầu cử ở địa phương. Đây là một thiếu sót quan trọng vì điều này không phù hợp với Luật Bình đẳng giới và Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới. Cần lưu ý xử lý và thay đổi tình trạng này vì bảo đảm cân bằng giới trong số lượng thành viên của hội đồng bầu cử quốc gia và bảo đảm các ứng cử viên không vụ lợi cá nhân trong quá trình bầu cử là vấn đề tối quan trọng trong việc bảo đảm sự không phân biệt đối xử trong quá trình bầu cử.
- Do đó, chúng tôi đề nghị xem xét các điểm sau:
1. Các lưu ý giới cần được thể hiện rõ ràng trong toàn bộ các điều khoản trên, bao gồm quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đặc biệt là liên quan đến vấn đề bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND, cũng như về cơ cấu thành viên của Hội đồng Bầu cử Quốc gia cần đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 35% thành viên thuộc mỗi giới. Ngoài ra cần bổ sung thêm nội dung: “Các thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia không được ứng cử làm đại biểu quốc hội.”
2. Đảm bảo rằng danh sách ứng cử viên bao gồm tối thiểu 45% đến 50% ứng cử viên thuộc mỗi giới tại bất kỳ thời điểm nào (để đảm bảo rằng phụ nữ có cơ hội công bằng được bầu làm đại biểu quốc hội với tỷ lệ tối thiểu là 35% trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội);
3. Điều 11 cũng cần bổ sung lưu ý về giới vì Điều này rất tổng quát; cần quy định cụ thể hơn về cách thức mà Hội đồng Bầu cử quốc gia quản lý và phân bổ ngân sách cho bầu cử đại biểu quốc hội, vấn đề này cũng sẽ có tác động lớn đến số lượng phụ nữ có khả năng ứng cử vì lý do tài chính.
-
Bổ sung vào Điều 20, 21, 22 và 23 nội dung “Cơ cấu của các Uỷ ban/Ban/Tổ bầu cử phải có tỷ lệ tối thiểu thành viên thuộc mỗi giới là 35%. Thành viên của các Uỷ ban/Ban/Tổ bầu cử không được ứng cử làm đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân”.
- Về Khoản 1 Điều 16 và mọi điều khoản khác, văn phong (tiếng Anh) cần thể hiện sự trung tính về giới và cần được quy định như sau “The Chairman of the National Election Council is responsible to the National Assembly for his/her leadership,…..”.
Nguyên văn trong bản tiếng Việt “Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia.”
- Tại Khoản 1 Điều 20 và Khoản 1 Điều 21, thời hạn cũng nên tăng lên 125 thay vì 105 ngày như dự thảo đề xuất…. để tất cả các ứng cử viên, đặc biệt là phụ nữ, có thêm thời gian chuẩn bị và ứng cử.
- Cũng tại Khoản 1 Điều 20, Uỷ ban bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh cần có thành viên là đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tỷ lệ thành viên thuộc mỗi giới phải đảm bảo đạt tối thiểu 35%.
- Tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 21, Uỷ ban bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện gồm 11 đến 15 người và Uỷ ban bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã gồm 9 đến 11 người cần được thành lập trên cơ sở lưu ý bình đẳng giới và các quy định hiện hành của pháp luật.
- Tương tự như vậy đối với Khoản 1 Điều 22 về thành phần Ban bầu cử và Mục 1 và 2 Khoản 1 Điều 23 về Tổ bầu cử nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn và đối với các đơn vị lực lượng vũ trang.
- Điều 37 cũng cần bổ sung nội dung sau ở cuối câu: “…trong danh sách ứng cử ĐBQH ở trung ương và địa phương, cần đảm bảo cơ cấu tỷ lệ ứng cử viên thuộc mỗi giới đạt tối thiểu 45% đến 50%”
- Bổ sung vào Khoản 2 Điều 41, Khoản 2 Điều 42, Điều 45, Khoản 2 Điều 46, Khoản 2 Điều 47 và Điều 50 nội dung sau: “Danh sách ứng cử viên sơ bộ cần đảm bảo tỷ lệ ứng cử viên thuộc mỗi giới đạt tối thiểu 45% đến 50%”.
- Bổ sung vào Khoản 2 Điều 46, Khoản 2 Điều 47 và Khoản 2 Điều 54 nội dung sau: Danh sách ứng cử viên cuối cùng phải đảm bảo tỷ lệ ứng cử viên thuộc mỗi giới đạt tối thiểu 45%. Phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong việc lựa chọn ứng cử viên cho mỗi danh sách. Việc sắp xếp thứ tự ứng cử viên trong danh sách là luân phiên”. Tiêu chuẩn xếp ứng cử viên nào, nam hay nữ, ở vị trí nào trong danh sách, phải thống nhất và được quy định cụ thể trong Luật.
Vấn đề này được giải thích như sau: Cho đến nay, và theo quy định của luật hiện hành cũng như hướng dẫn tổ chức bầu cử, phần lớn các ứng cử viên được giới thiệu ra ứng cử đại biểu quốc hội là do sự giới thiệu của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức và đơn vị dưới sự hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tỷ lệ, thành phần và số lượng đại biểu, trên cơ sở hội nghị hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc tổ chức về tỷ lệ, thành phần và số lượng ứng cử viên được giới thiệu. Phần lớn các ứng cử viên được giới thiệu ra ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân là do sự dới thiệu của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ quan hành chính cấp dưới, thôn/xóm, theo ước tính của (Thường trực Hội đồng nhân dân) về tỷ lệ, thành phần và số đại biểu hội đồng nhân dân và trên cơ sở hội nghị hiệp thương do uỷ ban mặt trận tổ quốc địa phương tổ chức về tỷ lệ, thành phần và số lượng ứng cử viên.
Phân tích của UNDP[33] cho thấy, qua xem xét Báo cáo Kết quả Bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân của một số địa phương, có thể thấy tỷ lệ ứng cử viên ĐBQH và ĐBHĐND các cấp là phụ nữ đạt xấp xỉ 30%. Có mối tương quan trực tiếp giữa số lượng ứng cử viên nữ với số lượng đại biểu nữ được bầu.[34] Một số địa phương có tỷ lệ ứng cử viên nữ ứng cử ĐBHĐND ngang với tỷ lệ nam, như các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, phường Tân Thịnh (Thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình), dẫn đến kết quả là số phụ nữ trúng cử cao hơn[35].
Lưu ý đến những khác biệt trong cách thức giới thiệu ứng cử viên của các tỉnh, cần áp dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời dưới hình thức chỉ tiêu nhằm “tạo sân chơi công bằng” cho tất cả các ứng cử viên, cả nam và nữ, có cơ hội được bầu một cách công bằng. Nếu nguyên tắc bình đẳng giới không được tôn trọng ở bước lựa chọn và giới thiệu ứng cử viên thì tỷ lệ 35% đại biểu nữ trúng cử sẽ khó thực hiện được.
Do đó, điều quan trọng là đảm bảo tỷ lệ bình đẳng giữa ứng cử viên nam và nữ được giới thiệu và tự ứng cử để đảm bảo tỷ lệ đại biểu nữ trúng cử cao hơn.
Một vấn đề quan trọng khác là việc sắp xếp thứ tự trong danh sách bầu cử.
Ví dụ, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13[36] và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016[37], việc bố trí danh sách ứng cử viên không đồng đều cho thấy điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc phụ nữ có được bầu hay không vì các điều khoản liên quan đến danh sách ứng cử viên trong luật hiện hành không quy định cụ thể cách sắp xếp ứng cử viên trong danh sách bầu cử. Do đó, việc sắp xếp danh sách ứng cử viên của các cơ quan phụ trách bầu cử địa phương có sự khác biệt.[38] Hệ quả là nhiều phụ nữ không trúng cử do bị sắp xếp ở vị trí không thuận lợi trong danh sách.
Do đó, chúng tôi đề nghị nên sắp xếp tên các ứng cử viên trong danh sách theo thứ tự luân phiên giữa hai giới (nữ-nam-nữ-nam, v.v) theo các tiêu chuẩn thống nhất được quy định trong Luật để đảm bảo tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử đạt 35%.
- Khoản 2 Điều 48 nên bổ sung… phù hợp với các lưu ý giới và quy định của luật hiện hành liên quan đến giới.
- Khoản 2 Điều 84 và Khoản 2 Điều 85, về Biên bản tổng kết cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân cần có thông tin phân tách theo giới.
- Điều 94 cần bổ sung nội dung: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp quy định về việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội để bầu cử bổ sung.
- Luật cần có quy định riêng về việc khuyến khích sự tham gia của ứng cử viên độc lập, đặc biệt là phụ nữ, trong quá trình bầu cử.
- Do vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong qua trình bầu cử với việc giới thiệu danh sách ứng cử viên nữ tiềm năng ra ứng cử ĐBQH và ĐBHĐND chưa được nhấn mạnh, cần bổ sung một khoản trong Điều 4 về trách nhiệm của các cơ quan, theo đó:
“Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với các cơ quan, tổ chức và đơn vị liên quan xây dựng danh sách ứng cử viên nữ đáp ứng đủ điều kiện trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đồng thời, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giám sát việc thực hiện bình đẳng giới trong toàn bộ quá trình bầu cử và tổ chức các chương trình tập huấn dành cho ứng cử viên nữ ra ứng cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân”.
Khuyến nghị này được giải thích như sau: Hội LHPN VN là cơ quan có tổ chức từ trung ương đến địa phương với sứ mệnh bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, bao gồm quyền bầu cử và ứng cử. Nghiên cứu của UNDP cho thấy Hội LHPN VN ở trung ương và địa phương chưa có cơ chế phối hợp với các cơ quan, tổ chức và đơn vị liên quan để xây dựng và đề xuất danh sách ứng cử viên nữ tiềm năng ra ứng cử ĐBQH và ĐBHĐND. Hội LHPN VN thường kiến nghị những ứng cử viên nữ cụ thể dựa trên trách nhiệm và lòng nhiệt tình của họ thay vì dựa trên những tiêu chuẩn và cơ chế đã được thiết lập nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan khác trong quá trình bầu cử.
- Chưa có điều khoản quy định trách nhiệm giải trình của tất cả các bên liên quan để đảm bảo rằng phụ nữ được bầu làm ĐBQH và ĐBHĐND với số lượng phù hợp được đề ra trong Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Nghị quyết số 11-NQ/TW. Do đó, chúng tôi đề nghị:
Bổ sung một Điều trong Chương X với nội dung như sau, hoặc tương tự như sau:
“Thành viên của các cơ quan phụ trách bầu cử và các tổ chức, đơn vị và cơ quan có liên quan nếu có bất kỳ hành vi nào vi phạm nguyên tắc dân chủ, công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử, và các quy định của pháp luật hiện hành về bầu cử thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố hình sự theo quy định của pháp luật.”
Trong cơ chế lập pháp hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm cao nhất trong việc điều chỉnh tỷ lệ, thành phần và số lượng ĐBQH và và hướng dẫn việc bầu cử ĐBHDND các cấp, và cũng có trách nhiệm cao nhất trong việc thực hiện biện pháp đặc biệt tạm thời để đảm bảo tỷ lệ ĐBQH và ĐBHĐND trúng cử thuộc mỗi giới đạt tối thiểu 35%, do đó, trách nhiệm giải trình của UBTVQH cần được quy định trong Luật, kèm theo quy định về hình thức xử lý trong trường hợp không tuân thủ.
- Luật không có điều khoản quy định về vận động bầu cử và cách thức tiến hành vận động bầu cử. Chúng tôi đề nghị nên đưa quy định này vào Luật, có lưu ý giới.
- Một khuyến nghị chung là chế độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ như hiện nay không phù hợp với các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam. Do đó, chúng tôi đề nghị sửa chế độ này để đảm bảo cả nam và nữ được lựa chọn tuổi nghỉ hưu giống nhau hoặc có thể linh hoạt nghỉ sớm hơn từ 3 đến 5 năm. Theo mô hình của châu Âu – mô hình phù hợp nhất đối với những trường hợp như trên – tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ là 64, trong đó phụ nữ có thể lựa chọn nghỉ sớm hơn 2 năm. Với điều kiện sống và tuổi thọ tăng lên, xu hướng nghỉ hưu muộn hơn ngày càng phổ biến và tất cả các vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định và lựa chọn. Vấn đề này rất quan trọng vì nó có tác động lớn đến quá trình giới thiệu ứng cử viên và quá trình bầu cử ở Việt Nam do phụ nữ chưa có (chưa đạt được) cơ hội cân bằng trong việc tham gia vào đời sống chính trị (cũng như trong lực lượng lao động ở mọi ngành nghề, trừ một số ngoại lệ mà trước tiên là không phù hợp với hiến pháp).
- Một khuyến nghị chung khác là việc lựa chọn phụ nữ tham gia vào quá trình bầu cử ở địa phương nên áp dụng các tiêu chuẩn như đối với nam giới, một số tiêu chuẩn như vậy đã được quy định trong Luật. Không nên chỉ lựa chọn phụ nữ khi họ đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cùng lúc – ví dụ như tiêu chuẩn về số lượng, đồng thời là người dân tộc thiểu số, là sinh viên, đại diện khu vực tư nhân, tuổi đời trẻ v.v. như trong nhiều trường hợp đã diễn ra tại các kỳ bầu cử trước đây.
8. Tổng hợp ý kiến tại buổi thảo luận với Quốc hội về Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND, tại trụ sở Quốc hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 9/1/2015:
Bà Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội phát biểu rằng mục tiêu của buổi họp tham vấn hôm nay là khởi động việc thẩm tra hai dự án luật trên quan điểm của Công ước CEDAW và thảo luận cách thức tiến hành thẩm tra.
Chuyên gia, TS. Gjurchilova phát biểu rằng bà dự định tiến hành việc thẩm tra dựa trên thực tiễn từ các quốc gia khác đã lấy CEDAW làm cơ sở để áp dụng các biện pháp tích cực nhằm tăng số lượng phụ nữ trong Chính phủ và Quốc hội, và sẽ đề xuất các điều khoản và quy định liên quan của pháp luật Việt Nam cần được thẩm tra.
TS. Gjurchilova đưa ra một số nhận xét sơ bộ như sau: Điều 4 – về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà đặt câu hỏi về thực tiễn hiện nay ra sao? Tại điều 7, phân bổ vị trí, thành phần, tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân là như thế nào? (cả số lượng và chất lượng đều quan trọng). Cũng tại Khoản 4 Điều 7 của dự thảo, bà hỏi về nội dung liên quan đến số lượng nữ đại biểu, nếu viết như dự thảo - “số đại biểu thích đáng” - sẽ khiến cho nội dung này không rõ ràng và khó đánh giá kết quả đạt được. Trên khía cạnh này, các biện pháp đặc biệt tạm thời là rất hữu ích vì nó quy định số lượng cụ thể. Bà đưa ra ví dụ về các chương trình đào tạo để xây dựng năng lực cho ứng cử viên nữ, như dự án “Phụ nữ Có thể làm được” (Women Can Do It) ở Đông Nam Âu, việc thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ Lobby và Phụ nữ trong Nghị viện của Quốc hội Macedonia. Từ ví dụ của Macedonia, việc quy định “tỷ lệ mỗi giới trong danh sách bầu cử phải đạt tối thiểu 30%” trong Luật bầu cử quốc gia và địa phương giúp làm tăng số nữ đại biểu quốc hội mức trên 30% (hiện tại là 34%).
Bà Thúy Anh cho rằng cơ chế chỉ tiêu dễ áp dụng hơn ở những nước có chế độ bầu cử theo tỷ lệ. Việt Nam áp dụng chế độ bầu cử đa số, do vậy cơ chế chỉ tiêu có thể không hiệu quả bằng, hơn nữa Việt Nam còn theo chế độ một đảng lãnh đạo.
TS. Gjurchilova trả lời rằng có những điểm khác biệt giữa chế độ bầu cử theo tỷ lệ và theo đa số nhưng chế độ bầu cử ở các quốc gia khác nhau cũng rất đa dạng. Cơ chế chỉ tiêu được áp dụng ở hầu hết các nước Đông Âu, ít nhất là đối với bầu cử quốc hội. Tuy nhiên, cũng có một số thách thức. Phụ nữ thường bị xếp ở vị trí cuối trong danh sách ứng cử viên, do đó cơ hội trúng cử là rất thấp. Để giải quyết vấn đề này, danh sách ứng cử viên cần sắp xếp luân phiên các ứng cử viên theo giới.
Bà Thúy Anh đồng tình rằng điểm này rất quan trọng đối với chế độ bầu cử đa số bởi vì những người xếp cuối danh sách thường ít có cơ hội trúng cử. Mỗi khu vực bầu cử có một danh sách chứ không phải danh sách theo đảng. Bà đồng ý với TS. Gurchilova rằng cần nhấn mạnh chất lượng chứ không chỉ số lượng ứng cử viên nữ. Bà cho rằng hình thức lựa chọn ứng cử viên nữ cần được quy định trong luật còn các văn bản hướng dẫn chỉ quy định các vấn đề kỹ thuật.
TS. Gjurchilova nhấn mạnh rằng ví dụ như theo quy định của Chương III của dự thảo luật, chưa rõ sẽ có bao nhiêu thành viên nữ trong Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan phụ trách bầu cử ở địa phương. Nên đảm bảo rằng phụ nữ cũng có đại diện trong thành phần của các cơ quan này vì các cơ quan đó chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quá trình bầu cử. Đây có thể là thách thức đối với cấp xã nhưng cuối cùng nó sẽ giúp đạt bình đẳng giới ở mọi cấp. Tương tự như vậy là thành phần của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các ủy ban bầu cử ở địa phương. Chương 6 cũng cần lồng ghép ngôn ngữ giới cụ thể hơn. Còn vấn đề khác nữa là báo chí sẽ đưa tin về phụ nữ như thế nào vì luật cần quy định bình đẳng giới và nhạy cảm giới trong cả lĩnh vực này.
Hơn nữa, việc thu thập số liệu là rất quan trọng và số liệu cần phải được phân tách theo giới ngay sau cuộc bầu cử. Sau khi áp dụng các công cụ giám sát và đánh giá, Quốc hội và các bên liên quan có thể biết được liệu những thay đổi trong luật có hiệu quả hay không. Một lần nữa, cách lựa chọn ứng cử viên là rất quan trọng, và cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan phụ nữ quốc gia và nhóm đại biểu nữ trong Quốc hội.
Ông Lương Phan Cừ, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban cho rằng không giống như các nước khác, Việt Nam theo chế độ một đảng và cần phải tính đến yếu tố văn hóa và truyền thống dân tộc. Chỉ tiêu mang tính pháp lý đã được đưa vào Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới. Việc đạt được chỉ tiêu này là rất khó. Không thể đưa một tỷ lệ cố định vào trong Luật. Chỉ có thể đưa con số cố định vào danh sách ứng cử viên.
Bà Thúy Anh muốn biết nếu Luật quy định số lượng cụ thể thì cần áp dụng biện pháp gì để đảm bảo bầu đủ số lượng đại biểu nữ chứ không phải chỉ là số lượng ứng cử viên. Có nhiều tiêu chuẩn đặt ra cho ứng cử viên nữ nhưng khó tìm được người đáp ứng tất cả các điều kiện này.
Ông Cừ cũng chỉ ra rằng Quốc hội cần có đại biểu là người dân tộc thiểu số và đại diện cho khu vực tư nhân. Ngoài ra có nhiều khu vực khác nhau trong quốc hội và khó đảm bảo tỷ lệ nữ chính xác. Trong quá trình bầu cử không có sự phân biệt đối xử nhưng trong suy nghĩ của mọi người họ thường cho rằng phụ nữ làm việc nhà tốt hơn là làm chính trị.
Bà Thúy Anh cho biết phù hợp với Công ước CEDAW, Điều 6 của Luật Bình đẳng giới quy định nguyên tắc bình đẳng giới. Hơn nữa, cần lưu ý Điều 19 Luật Bình đẳng giới về cân bằng giữa gia đình và công việc chuyên môn. Các khuyến nghị cho các luật khác để bảo đảm bình đẳng giới cần được bảo đảm thông qua các thủ tục pháp lý. Nhiều cơ quan có trách nhiệm trong vấn đề bình đẳng giới. Chỉ tiêu là vấn đề chính và đã được các đại biểu quốc hội đề cập nhiều lần. Dự thảo hiện tại chỉ đề cập đến tỷ lệ phù hợp – nhiều đại biểu muốn đưa ra con số cụ thể. Cần nghiên cứu kỹ hơn cách lượng hóa chỉ tiêu, tuy nhiên, khó khăn thật sự nằm ở chỗ triển khai trong thực tế. Nếu không đạt được tỷ lệ đề ra thì sẽ như thế nào? Do vậy, cần đảm bảo rằng luật có quy định các biện pháp cần thiết để thực hiện tỷ lệ này. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo rằng những đại biểu nữ được bầu có đủ năng lực (chất lượng). Vấn đề thứ ba là tỷ lệ ứng cử viên nữ từ cấp trung ương đến địa phương. Cần tính đến tỷ lệ cử tri nữ, tỷ lệ cử tri tham gia vào hội nghị cử tri và đặc điểm của những phụ nữ đi bầu cử trên thực tế. Phụ nữ cần được cung cấp thông tin về các ứng cử viên, nhất là ứng cử viên nữ. Cần quy định rõ trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Vai trò của Hội là giới thiệu ứng cử viên nữ. Nhưng Hội cần làm gì để thực hiện nhiệm vụ của mình? Làm thế nào để Hội giới thiệu được những ứng cử viên tốt nhất và đào tạo cho họ bởi vì Hội luôn tham gia đào tạo ứng cử viên ở các cấp.
Bà cũng cho biết Quốc hội có kế hoạch sửa đổi Luật Bình đẳng giới trong nhiệm kỳ tới.
TS. Gjurchilova cho rằng vai trò của Hội LHPN VN có thể được quy định rõ hơn trong Luật Bình đẳng giới. Không nên quy định quy trình bầu cử riêng cho phụ nữ nhưng Hội LHPN/Mặt trận Tổ quốc có thể giúp nâng cao chất lượng ứng cử viên nữ. Không nên sử dụng cụm từ “số lượng thích hợp”. Thông thường, ủy ban bầu cử quốc gia có trách nhiệm đảm bảo số lượng ứng cử viên nữ và đảm bảo rằng họ được sắp xếp ở vị trí phù hợp trong danh sách ứng cử viên.
Bà Thúy Anh cho rằng biện pháp đặc biệt tạm thời yêu cầu một số lượng cụ thể ứng cử viên nữ và muốn biết thêm ý kiến về vấn đề này. Mục tiêu là phải đảm bảo tính khả thi. Bà muốn biết về những khuyến nghị giúp triển khai Luật. TS. Gjurchilova cho biết quan sát sơ bộ cho thấy để Luật phù hợp với Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới thì tỷ lệ nữ nên là khoảng 35%. Bà muốn biết đây có phải là nhận thức chung của Ủy ban không? Con số khả thi sẽ là bao nhiêu?
Bà Thúy Anh cho biết Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị nêu tỷ lệ 35-40%. Đây là văn bản chỉ đạo của Đảng. Văn bản chỉ đạo này cần được thể chế hóa, tuy nhiên luật không đề cập đến vấn đề này và đó là một thiếu sót. Từ khi tuyên bố tham gia Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh năm 1995, Việt Nam đã từng đạt con số 32% và lúc đó VN không áp dụng cơ chế chỉ tiêu. Tuy nhiên tình hình bây giờ đã khác. Bà cho biết đặt chỉ tiêu đối với danh sách ứng cử viên thì không khó nhưng Uỷ ban muốn đạt được chỉ tiêu về nữ đại biểu quốc hội chứ không chỉ là ứng cử viên. Một số nước khác có kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề này và Ủy ban muốn tìm hiểu thêm. Một vấn đề rất quan trọng khác là làm thế nào để đảm bảo giới thiệu được ứng cử viên tốt nhất? Ngoài ra, còn vấn đề nữa là phụ nữ thường ở vị trí bất lợi so với nam giới. Ủy ban cũng cần nghiên cứu thêm về mức độ cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thanh Trà, yêu cần cần tìm hiểu là quá trình bầu cử ở cấp trung ương và khu vực ở các nước khác, xem xem có khác biệt nào không.
Bà Gjurchilova cho biết có nhiều báo cáo và số liệu nhưng để hiểu được thực tế cạnh tranh thì họ cần gặp và nói chuyện trực tiếp với người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Kỳ đề nghị chuyên gia cho biết thêm về 4 dự án, các dự án này giúp tỷ lệ nữ ĐBQH tăng thêm như thế nào?
Bà Gjurchilova giải thích rằng nhiều chương trình tập huấn về kỹ năng lãnh đạo, thuyết trình, xuất hiện trước công chúng, trao quyền về kinh tế và chính trị thông qua các buổi hội thảo, thảo luận bàn tròn… đã được tiến hành để trang bị cho phụ nữ những kỹ năng cần thiết khi ra tranh cử, trước tiên là ở cấp độ địa phương. Ban đầu, tập huấn viên là cán bộ các tổ chức quốc tế nhưng sau đó, việc tập huấn được tiến hành bởi tập huấn viên là cán bộ nam và nữ của địa phương đã được đào tạo. Đây là quá trình đào tạo người đào tạo – hay còn gọi là ToT. Ngoài ra còn có các buổi họp và đối thoại với các nhà lãnh đạo chính trị để làm tăng độ nhạy cảm về vấn đề giới của họ cũng như về các quy định của CEDAW. Quá trình chuẩn bị báo cáo CEDAW cũng là cơ hội tốt để đề xuất những biện pháp mới.
Ông Bùi Ngọc Chương, thường trực Ủy ban phát biểu rằng dự thảo luật được đưa ra thảo luận lần đầu tại kỳ họp Quốc hội trước, bao gồm cả vấn đề lồng ghép giới. Đối với cử tri, họ không cần phân tích quá nhiều. Họ chỉ cần được tham gia bầu cử một cách tự do. Đối với ứng cử viên, có các cơ chế khác nhau. Đầu tiên, trước khi có tham vấn, tỷ lệ nữ là khoảng 30-35% nhưng sau đó, tỷ lệ này đã giảm xuống. Đối với bầu cử quốc hội, tỷ lệ 20% là rất cao. Trước cuộc bầu cử chúng tôi luôn tiến hành tập huấn cho ứng cử viên, trong đó Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và các trung tâm đào tạo đóng vai trò chủ chốt. Cơ cấu tổ chức khá phức tạp. Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử được đặt ở trung ương. Ở cấp quận có các ủy ban khác. Nếu có thể tăng số lượng nữ trong các cơ quan này thì sẽ dễ hơn. Tuy nhiên đây là vấn đề khá nhạy cảm vì thành viên đều do các cơ quan giới thiệu. Chương I quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Hội LHPN Việt Nam để đảm bảo bình đẳng giới. Vấn đề quan trọng nhất là tăng số lượng và năng lực lãnh đạo ở các cấp và tạo điều kiện thuận lợi.
Bà Trà cho biết từ ngày 20-25 tháng 3 năm 2015 (nhiều khả năng bắt đầu từ ngày 21/3) Ủy ban sẽ tổ chức hội thảo tham vấn ở TP. Hồ Chí Minh. Sẽ có một báo cáo của Ủy ban và một báo cáo của Hội LHPN được gửi lấy ý kiến vào cuối tháng 1 năm 2015 và sẽ hoàn thiện vào cuối tháng 2 năm 2015. Trong khi đó, hai bên sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến qua email. Sau đó đến cuối tháng 2 sẽ có một báo cáo cuối cùng (kết hợp 2 báo cáo?) được đưa ra để thảo luận tại hội thảo tham vấn vào tháng 3 năm 2015.
Bà Trà cũng nói thêm rằng đến thời điểm tổ chức hội thảo tham vấn thì bản dự thảo đã được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì vậy khi đó chúng ta sẽ thảo luận trên cơ sở dự thảo lần 2, nhưng các vấn đề thì cơ bản vẫn như vậy.
Bà Thúy Anh cho biết Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cần trình các vấn đề của luật cho Ban thường vụ. Các ủy viên ban thường trực sẽ báo cáo Uỷ ban thường vụ. Kết quả của báo cáo sẽ là cơ sở đưa ra các khuyến nghị.
Bà Gjurchilova nói rõ hơn rằng báo cáo ban đầu vào cuối tháng 1 năm 2015 sẽ là báo cáo sơ bộ (dưới hình thức gạch đầu dòng) và sẽ được phát triển thêm trong tháng 2 năm 2015.
Bà Thúy, cán bộ UN Women đề nghị các bên chia sẻ thông tin cơ bản về Ban thường vụ và nội dung của báo cáo. Bà Thúy Anh khẳng định rằng các vấn đề được nêu trong buổi họp này sẽ được đưa vào Báo cáo này.
9. KẾT LUẬN
[1]. UN Women. “Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong quá trình ra quyết định, đặc biệt nhấn mạnh vào sự tham gia và lãnh đạo về chính trị.” Addis Ababa, Ethiopia. 24/10/2005. http://www.un.org/womenwatch/daw/egm/eql-men/
[2]. Xem UN Women, “Theo đuổi Công lý: Tiến bộ của Phụ nữ Thế giới 2011 – 2012”. Báo cáo (tr.27) liệt kê các đạo luật liên quan được Quốc hội Rwanda thông qua trong những năm gần đây: “Luật Thừa kế (1999) quy định bình đẳng giới trong thừa kế và sở hữu tài sản. Chính sách Đất đai Quốc gia (2004) và Luật Đất đai (2005) quy định bình đẳng trong sở hữu đất đai theo luật định và theo tập quán. Luật Phòng chống và Trừng phạt Bạo lực trên Cơ sở Giới được thông qua năm 2008; cưỡng ép tình dục trong hôn nhân bị coi là tội phạm (năm 2009).
[3]. The Quota Project, truy cập ngày 27/1/2015, www.thequotaproject.org
[5].Trong Liên minh châu Âu, các biện pháp đặc biệt tạm thời được gọi là “các biện pháp tích cực”; tại Mỹ, chúng được gọi là “hành động mang tính khẳng định”. Ủy ban CEDAW ủng hộ cách sử dụng thuật ngữ như trong Công ước.
[6]. Liên Hợp quốc. 2001. Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh với Tuyên bố Chính trị Bắc Kinh +5 và Văn bản Kết quả. New York: United Nations. tr. 111–113 (đặc biệt là đoạn 190 (a và b))
[7]. Quy chế pháp lý của nó là “luật mềm”. Một số nước thành viên không chấp nhận tính ràng buộc pháp lý của Các Khuyến nghị chung, mặc dù các cơ quan nhân quyền của Liên Hợp quốc, bao gồm Ủy ban CEDAW, kỳ vọng rằng các nước thành viện sẽ hành động một cách thiện chí.
[8]. Khuyến nghị chung số 5 liên quan đến Điều 4(1) và kêu gọi việc áp dụng các biện pháp đặc biệt tạm thời trong các lĩnh vực, ví dụ như chính trị. Khuyến nghị chung số 8 liên quan đến Điều 8 và khuyến nghị việc áp dụng Điều 4(1) về sự tham gia của phụ nữ ở cấp độ quốc tế.
[9]. Nguyên nhân ở chỗ: sự phân chia giữa khu vực công/tư; sự không ghi nhận và thậm chí là hạ thấp giá trị công việc của phụ nữ trong khu vực tư nhân; ảnh hưởng của các khuôn mẫu giới; và cấu trúc của hệ thống chính trị.
[10]. Thư viện OECD, xem tại http://www.oecd-ilibrary.org/sites/gov_glance-2013-en/06/04/index.html;jsessionid=268hevcjr0vnf.x-oecd-live-01?contentType=&itemId=%2Fcontent%2Fchapter%2Fgov_glance-2013-43-en&mimeType=text%2Fhtml&containerItemId=%2Fcontent%2Fserial%2F22214399&accessItemIds=%2Fcontent%2Fbook%2Fgov_glance-2013-en
[11]. Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27 tháng 4 năm 2007
[12]. 1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
[13]. Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới 2011-2020, các mục tiêu cụ thể: Mục tiêu 1 - Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%. Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95%Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (tr.7)
[14]. Luật số 73/2006/QH11.
[15]. See “Ai Trả lời cho Phụ nữ: Báo cáo Tiến bộ của Phụ nữ Thế giới 2008/2009 của UNIFEM”.
[16]. Theo tính toán của UN Women dựa trên số liệu do Phái đoàn thường trực bên cạnh Liên Hợp quốc cung cấp – Xem thêm tại http://www.unwomen.org/en/what-we-do/leadership-and-political-participation/facts-and-figures#sthash.WYoDy4s1.dpuf
[17]. IDEA, Bài viết “Tổng quan toàn cầu về Sự tham gia Chính trị của Phụ nữ và việc Triển khai Cơ chế Chỉ tiêu”, tháng 7/2012.
[18]. Liên minh Nghị viện Thế giới.
[19]. Liên minh Nghị viện Thế giới, “Phụ nữ trong lĩnh vực Chính trị: 2014” – Xem thêm tại: http://www.unwomen.org/en/what-we-do/leadership-and-political-participation/facts-and-figures#sthash.WYoDy4s1.dpuf
[20]. Liên minh Nghị viện Thế giới, tháng 3/2014. “Có tiến bộ trong việc phụ nữ tham gia chính trị nhưng vẫn còn giới hạn trần”. “Progress for women in politics, but glass ceiling remains firm. – Xem thêm tại: http://www.unwomen.org/en/what-we-do/leadership-and-political-participation/facts-and-figures#sthash.WYoDy4s1.dpuf
[21]. R. Chattopadhyay và E. Duflo, 2004, “Phụ nữ với tư cách người làm chính sách: Bằng chứng từ một thử nghiệm chính sách được ngẫu nhiên hoá ở Ấn Độ (Women as Policy Makers: Evidence from a Randomized Policy Experiment in India,” ) Econometrica 72(5), tr. 1409–1443; K. A. Bratton và L. P. Ray, 2002, “Đại diện mang tính mô tả: Kết quả chính sách và mật độ cơ sở chăm sóc trẻ em ở địa phương tại Na Uy” (Descriptive Representation: Policy Outcomes and Municipal Day-Care Coverage in Norway) American Journal of Political Science, 46(2), tr. 428–437. – Xem thêm tại: http://www.unwomen.org/en/what-we-do/leadership-and-political-participation/facts-and-figures#sthash.WYoDy4s1.dpuf
[22]. Bài viết của Bà Claire Annesley trong Democratic Audit, 06.02.2014, xem tại: http://www.democraticaudit.com/?p=2933
[24]. Japan Times, 24.1..2014, web page: http://www.japantimes.co.jp/news/2014/11/24/national/half-prefectures-set-female-management-quotas/#.VMj61kfF-Qc
[25]. Anita Vandenbeld và Ha Hoa Ly, Báo cáo của UNDP “Sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội Việt Nam – Con đường tiến về phía trước “, tr.1, tháng 12/2012.
[26]. Liên minh Nghị viện Thế giới, “Phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”.
[28]. Tính toán của UN Women dựa trên IDEA, ĐH Stockholm và Liên minh Nghị viện Thế giới, Cơ sở dữ liệu toàn cầu về Chỉ tiêu liên quan đến Phụ nữ, truy cập tháng 1/2-015 và Liên minh Nghị viện Thế giới, http://www.ipu.org/wmn-e/world.htm.
[31]. Bản Phân tích Giới của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp (dự thảo ngày 9/9/2014), tháng 12/2014.
[33]. Xem thêm Điểm 23 ở trên.
[34]. Tỷ lệ nữ trong số những người được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội khoá 13 là 31.3% và tỷ lệ nữ ĐBQH là 24.4%; tỷ lệ nữ trong số những người được giới thiệu ứng cử ĐBHĐND tỉnh Thừa Thiên Huế là 30.9% và tỷ lệ nữ ĐBHĐND tỉnh chỉ là 13.4%, tỷ lệ nữ trong số những người được giới thiệu ứng cử ĐBHĐND tỉnh Hoà Bình là 27% và tỷ lệ nữ ĐBHĐND tỉnh chỉ là 18.3%, tỷ lệ nữ trong số những người được giới thiệu ứng cử ĐBHĐND xã Dũng Phong là 17.9% và tỷ lệ nữ ĐBHĐND xã chỉ là 8%.
[35]. Tỷ lệ nữ trong số những người được giới thiệu ứng cử ĐBHĐND tỉnh Tuyên Quang là 50% và tỷ lệ nữ ĐBHĐND tỉnh là 46.6%, tỷ lệ nữ trong số những người được giới thiệu ứng cử ĐBHĐND tỉnh Yên Bái là 40% và tỷ lệ nữ ĐBHĐND tỉnh là 37.3%, tỷ lệ nữ trong số những người được giới thiệu ứng cử ĐBHĐND phường Tân Thịnh là 40% và tỷ lệ nữ ĐBHĐND phường là 45.8 %
[36]. Có 827 người được giới thiệu và tự ứng cử ĐBQH khoá 13, được chia về 183 khu vực bầu cử. 28 trong số 183 khu vực bầu cử có danh sách ứng cử viên toàn là nam, 41 trong số 183 khu vực bầu cử có số ứng cử viên chỉ nhiều hơn số người được bầu có 1 người, điều này không phù hợp với quy định của Điều 46 Luật Bầu cử ĐBQH sửa đổi, kể cả theo quyết định của Hội đồng Bầu cử Trung ương
[37]. Xem thêm Điểm 23 ở trên.
[38]. Uỷ ban Bầu cử tỉnh Hoà bình và Uỷ ban bầu cử xã Dũng Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) không sắp xếp danh sách ứng cử viên theo vần chữ cái mà theo chứ vụ lãnh đạo. Hầu hết các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hoà Bình và xã Dũng Phong được xếp ở vị trí đầu trong danh sách ứng cử viên.