Luật bình đẳng giới và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước

01/09/2009


Việt Nam đang ở trước ngưỡng cửa của WTO sau nhiều năm phấn đấu. Trong quá trình đó các nhà kinh tế, quản lý đã làm nhiều việc để xây dựng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp như: thành lập các tập doàn kinh tế thông qua sát nhập các công ty nhà nước thành các Tổng công ty, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, cổ phần hoá doanh nghiệp, từng bước dỡ bỏ hàng rào thuế quan… Tuy nhiên, có một phương diện rất quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn lực con người là thúc đẩy bình đẳng giới trong việc làm nhằm bảo đảm quyền con người của phụ nữ lại rất ít được nhắc đến trong khi đây cũng là tiêu chuẩn bắt buộc của WTO. Bình đẳng giới cũng là vấn đề được APEC quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đăng cai hội nghị này năm 2006. Thực hiện bình đẳng giới là cánh cửa để Việt Nam hội nhập vào thế giới.
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động chiếm tỷ lệ cao nhưng chỉ số bình đẳng giới lại thấp hơn các nước trong khu vực. Số liệu năm 2002 cho thấy:
 
Vấn đề
Tên nước
Tỷ lệ lao động nữ so với nam (%)
Tỷ lệ lao động nữ ở độ tuổi lao động nữ (%)
Thứ tự chỉ số phát triển giới (GDI) trong 144 nước
Việt Nam
50,6
70
89
Thái Lan
48,7
64,2
61
Phi lip pin
42,1
50
 
Nhật Bản
40
49,3
13
Inđô-nêxia
 
51,5
94
Malai-xia
 
44,7
53
Xinh-gapo
 
51,3
 
Trung Quốc
 
 
83
 
Bất bình đẳng giới trên phương diện việc làm thời gian qua đã được nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu và cho thấy:
- Cơ cấu ngành nghề mang tính định kiến giới đã tạo bất lợi cho phụ nữ. Họ thường làm các công việc đơn giản, có thu nhập thấp do định kiến từ trong gia đình, nhà trường, tổ chức và xã hội. Phụ nữ chỉ mới chiếm trên 5% tổng số giáo sư, phó giáo sư trong nghề dạy học và nghiên cứu. Mức lương trung bình theo giờ của phụ nữ Việt Nam chỉ bằng 80% so với nam giới.
- Do nhiều nguyên nhân khác nhau, phụ nữ ít được tiếp cận và sử dụng các nguồn lực hơn so với nam giới,cụ thể là trong giáo dục, tín dụng, đất đai, thông tin, công nghệ, y tế… Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển năng lực nghề nghiệp của phụ nữ. Chẳng hạn, đào tạo đầu vào của lao động nữ thường thấp hơn nam giới. Trong quá trình làm việc, họ cũng ít được tham dự các khoá bồi dưỡng nghề nghiệp. Có số liệu cho thấy lao động nữ qua đào tạo chỉ bằng 30% so với lao động nam. Bồi dưỡng chức nghiệp công chức đối với nữ cũng chỉ chiếm tỷ lệ 30%. Chương trình khuyến nông của nhà nước cũng có ít nữ nông dân tham dự mặc dù họ chiếm số đông trong các ngành chăn nuôi và trồng trọt. Điều đó đã ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của nữ nông dân.
- Số phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 21% là lực lượng không nhỏ. Song các mô hình doanh nghiệp do nữ làm chủ thường có quy mô nhỏ hoặc vừa và đang thiếu nhiều điều kiện để tiếp cận các nguồn lực so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Hệ quả là họ phải chịu nhiều rủi do hơn các doanh nhân nam. Đặc biệt, những người làm việc ở khu vực phi chính thức (chủ sản xuất- kinh doanh có số nhân công dưới 10 người, người giúp việc nhà, cửu vạn, đồng nát, xe ôm…) dường như đứng bên lề cuộc sống. Các hoạt động chính trị- xã hội, các chính sách và luật pháp ít tác động tới họ. Có tới 70-80% phụ nữ thuộc nhóm này đang chịu nhiều rủi do nhất….
Vấn đề bất bình đẳng giới trong việc làm, trong tiếp cận nguồn lực để phát triển năng lực nghề nghiệp của số đông phụ nữ rõ ràng cần được giải quyết khi Việt Nam muốn cạnh tranh thắng lợi trong hội nhập kinh tế. Để huy động mọi thiết chế xã hội (gia đình, nhà trường, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức tôn giáo, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp…) tham gia và có trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới trước yêu cầu mới của công cuộc phát triển, cần khắc phục một số hạn chế sau:
Thứ nhất là hoạt động thực thi pháp luật của nhiều cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực vẫn còn mang nặng thói quen, tập quán văn hoá trọng nam do bị ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo.
ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại hai cách tiếp cận đối với vấn đề bình đẳng giới, đó là cách tiếp cận hình thức và bảo thủ.
Cách tiếp cận hình thức có những đặc điểm sau:
- Coi phụ nữ và nam giới như nhau nên đối xử với họ như nhau trong khi phụ nữ và nam giới có những khác biệt về sinh học, xã hội.
- áp dụng các tiêu chuẩn của nam giới và chưa tính đầy đủ đến các nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ. Cho rằng phụ nữ có thể tiếp cận cơ hội công bằng theo cách thức tương tự như nam giới, do đó trong nhiều trường hợp đã tạo gánh nặng cho phụ nữ.
Cách tiếp cận bảo thủ có đặc điểm:
- Thừa nhận sự khác biệt nhưng lại lấy những điểm yếu của phụ nữ làm cơ sở cho sự đối xử khác biệt với họ.
- Do bị đối xử khác biệt, phụ nữ mất đi hàng loạt cơ hội tiếp cận và vì vậy sự lựa chọn bị hạn chế.
- Quyền con người của phụ nữ bị cắt giảm do sự hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và quyền lợi.
- Góp phần củng cố khuôn mẫu sẵn có về nam và nữ, dẫn tới kìm hãm thay đổi xã hội theo hướng bình đẳng giới.
Việc đưa ra những quy định “như nhau” đối với phụ nữ và nam giới trong một số lĩnh vực như tuyển dụng, đề bạt… trên thực tế lại gây bất lợi cho phụ nữ và đó chính là kết quả của cách tiếp cận hình thức. Biểu hiện cụ thể của cách tiếp cận bảo thủ là những quy định mang tính “bảo vệ”, “ưu tiên”. Chúng ta có thể liệt kê rất nhiều quy định bắt nguồn từ cách tiếp cận này mà trong đó quy định tuổi hưu hiện nay là một ví dụ điển hình. Trong môi trường kinh tế-xã hội năng động, phụ nữ cần được tạo điều kiện để tham gia vào quá trình phát triển. Quy định hiện nay không chỉ làm giảm thời gian làm việc của phụ nữ mà còn tác động đến cả tiến trình phát triển nghề nghiệp của phụ nữ. Hãy dể cho phụ nữ được lựa chọn cơ hội cho mình thông qua quyền bình đẳng ở tuổi hưu. Nếu có nguyện vọng họ được nghỉ trước không quá 5 năm mà không bị trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi. .
Thứ hai là, các quy định về bình đẳng giới hiện còn tản mạn, rải rác trong các văn bản luật, quy phạm pháp luật cần được hệ thống hoá trong một đạo luật chính thức về bình đẳng giới với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước.
Sự tản mạn của các quy định về bình đẳng giới khiến cho các cơ quan nhà nước chậm phát hiện ra các vấn đề bất bình đẳng giới mới nảy sinh, một số lĩnh vực nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật và dẫn đến tình trạng không cơ quan nào chịu trách nhiệm. Ví dụ như, hiện nay có khoảng 70- 80 % phụ nữ đang làm việc ở khu vực phi chính thức, trong đó 60% là nông dân, 20% là lao động tự do trong các ngành kinh tế phi nông nghiệp và chủ các cơ sở sản xuất siêu nhỏ. Họ không chỉ có thu nhập bấp bênh mà còn thiếu cơ hội tham gia các sinh hoạt chính trị, văn hoá cộng đồng, hầu như đứng ngoài các lợi ích mà dịch vụ công mang lại như y tế, đào tạo… Vấn đề tiền công và điều kiện làm việc của số đông phụ nữ trong ngành giầy da, may mặc cũng là những ví dụ cụ thể. Trong một số nhà máy, phụ nữ phải mua hoặc tự làm quần áo bảo hộ cho mình. Họ làm việc từ 12- 14 tiếng/ ngày, có khi kéo dài cả tháng. Song hiện có rất ít tài liệu nói về tiền lương, điều kiện làm việc của công nhân nhà máy ở Việt Nam và những bất bình đẳng giới trong đó.
Để khẳng định những cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cần có Luật bình đẳng giới với những quy định có tính hệ thống về bình đẳng giới trong các lĩnh vực. Đặc biệt, luật sẽ giúp xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong:
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới
- Ban hành và thực thi các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới
- Đảm bảo bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá việc thực hiện.
Thực tế đã cho thấy nếu các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan nhà nước không đảm bảo thực hiện bình đẳng giới ngay từ khâu hoạch định chính sách tới việc tổ chức hoạt động của mình thì luật pháp về bình đẳng giới sẽ khó được thực thi

PGS.TS. Nguyễn Thu Linh

(http://www.ubphunu-ncfaw.gov.vn)