Công ước CEDAW và việc thực hiện Công ước ở nước ta

01/09/2009

Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women - CEDAW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn và thông qua ngày 18-12-1979.

Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women - CEDAW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn và thông qua ngày 18-12-1979.

 


Công ước có hiệu lực từ tháng 9-1981. Công ước đã đưa ra các điều khoản cụ thể và toàn diện để chính phủ các nước làm cơ sở pháp lý cho việc xoá bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Hai mươi sáu năm qua, người ta ngày càng thừa nhận sự đúng đắn của CEDAW. Cho đến nay, CEDAW đã nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của hàng trăm quốc gia, hàng nghìn các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trên khắp thế giới. Có thể nói, đây là một văn bản pháp lý quốc tế toàn diện nhất từ trước đến nay về vấn đề phụ nữ và sự ra đời của Công ước đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng nam nữ. Công ước xứng đáng đóng vai trò kim chỉ nam cho các hoạt động vì sự tiến bộ, bình đẳng và phát triển hoà bình.
Việt Nam là nước thứ 6 trên thế giới ký Công ước (29-7-1980) và là nước thứ 35 phê chuẩn Công ước (19/3/1982). Có thể nói, CEDAW vào Việt Nam không gặp nhiều trở ngại lớn. Điều này không phải nước nào cũng có được, bởi lẽ nó liên quan đến rất nhiều yếu tố. CEDAW vào Việt Nam sau khi đất nước đã thống nhất và bình đẳng giới không phải là vấn đề hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam. Nói một cách khác, Việt Nam có sẵn cơ sở kinh tế - xã hội thuận lợi cho việc tiếp nhận CEDAW.
Những bằng chứng về lịch sử, văn hoá, lối sống của dân tộc Việt Nam đã phản ánh truyền thống tôn trọng phụ nữ là những người có công lớn trong xã hội và gia đình. Truyền thống đó được biểu hiện từ những nghi lễ thờ cúng mà trong đó không phân biệt thần nam với thần nữ. Chẳng hạn tục thờ Mẫu, thờ nữ thần Lúa, thờ bà Liễu Hạnh, thờ các thành hoàng là các phụ nữ có công trong sản xuất và chiến đấu. Truyền thống đó còn được biểu hiện cao nhất là việc làm vua của Hai Bà Trưng, làm lãnh tụ khởi nghĩa của Bà Triệu, làm tướng của bà Thánh Thiên công chúa, Lê Chân, Bát Nàn công chúa, làm Đô đốc của bà Bùi Thị Xuân, làm Tổng tư lệnh của các lực lượng vũ trang miền Nam của bà Nguyễn Thị Định. Truyền thống đó cũng còn được biểu hiện trong việc quản lý kinh tế của Ỷ Lan phu nhân, sự thức thời và dũng cảm của thái hậu Dương Vân Nga, sự đảm lược của Linh Từ Quốc Mẫu. Truyền thống tôn trọng phụ nữ còn được thể hiện trong cả hai dòng văn học: dân gian và bác học đã tồn tại hàng thế kỷ ở Việt Nam.
Bình đẳng Giới đang là một mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam. Đó là sự tiếp nối trung thành và có hiệu quả những mục tiêu ban đầu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với quan điểm về văn minh và phát triển hiện nay của thế giới. Điều này đã không chỉ thể hiện bằng văn bản, luật pháp mà còn được thực tiễn cuộc sống khẳng định. So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có nhiều chính sách tiến bộ về Giới. Những chính sách này được đề cập trong nhiều bộ luật và hiến pháp như Hiến pháp năm 1946, Luật Hôn nhân và gia đình (1959, 1986), Luật Quốc tịch, Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Thừa kế, Bộ luật Hình sự, và hiện nay là sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Bằng luật pháp, Nhà nước đã công nhận quyền bình đẳng của nam và nữ cả trong gia đình và xã hội; nam nữ được hưởng quyền bình đẳng trong bầu cử và ứng cử. Ở công sở, nam và nữ có quyền bình đẳng trong công việc, điều kiện lao động và mức lương; Nhà nước công nhận và bảo hộ chế độ một vợ một chồng, nam và nữ đều đựơc hưởng quyền thừa kế, quyền nuôi con và hưởng tài sản sau khi ly dị…
Với những thành tích đó, mặc dù còn là một trong những nước nghèo trên thế giới nhưng Việt Nam đã được Liên hợp quốc xếp hạng thứ 72/130 nước theo chỉ số GDI trước năm 1995. Đến nay, Việt Nam đứng vị trí 83 với chỉ số 0,702 - thuộc vào hàng những nước có sự phát triển trung bình về giới.
Trong cuộc sống, cuộc tiến công vào tư tưởng "Trọng nam khinh nữ" đã được thực hiện ở mọi lĩnh vực từ gia đình đến xã hội, làm thay đổi các cơ sở kinh tế, các quan niệm về đạo đức, phong tục, tập quán và đặc biệt làm thay đổi thân phận và địa vị của phụ nữ. Phụ nữ đã được tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ được luật pháp công nhận; có kinh tế độc lập và địa vị trong gia đình được nâng cao. Một số phụ nữ đã vươn lên vị trí lãnh đạo kinh tế và lãnh đạo chính trị.
Gần đây nhất, Báo cáo ghép thực hiện CEDAW (lần 5 và 6, 2000-2003) do Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ chuẩn bị để trình bày trước Ủy ban CEDAW của Liên hợp quốc vào tháng 1-2007 đã đưa ra những thành tích: Chỉ số phát triển con người (HDI) cao hơn chỉ số phát triển kinh tế (109/175 nước - 0,688 - xếp thứ 128 về thu nhập bình quân đầu người). Chỉ số phát triển giới (GDI): 0,702 (83/177 nước) thuộc nhóm nư¬ớc tốt nhất ở Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Chính phủ có nhiều cố gắng trong việc bổ sung luật pháp gần với CEDAW. Một số thành tích cụ thể là: tỷ lệ đói, nghèo ở Việt Nam giảm còn 11%, giải quyết việc làm cho 4,3 triệu người (trong đó có 1/2 là nữ), tỷ lệ dân số biết chữ: 94%, phụ nữ đạt 92%, việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và phụ nữ có nhiều đổi mới.
Bên cạnh những thành tựu to lớn đó, cũng phải thừa nhận rằng, trên thực tế, các quyền bình đẳng cơ bản của phụ nữ trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá cũng còn rất nhiều điều bất cập, đặc biệt ở khía cạnh cống hiến và hưởng thụ. Đây là các vấn đề liên quan đến các điều khoản trong Phần 1 của CEDAW. Cũng như phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ các nước đang phát triển, cường độ lao động, thời gian, hình thức lao động của phụ nữ Việt Nam đang là vấn đề đáng báo động. Nhiều cuộc điều tra xã hội học do các trung tâm, viện nghiên cứu thực hiện ở cả thành thị và nông thôn đều đưa ra những chỉ báo đáng lo ngại về lao động phụ nữ hiện nay: phụ nữ lao động rất vất vả cả ngoài xã hội và trong gia đình. Ngoài xã hội, họ phải lao động giống như nam giới, còn ở nhà, họ phải gánh trách nhiệm chính. Họ được “khoác” rất nhiều chức năng: làm vợ, làm mẹ, người cấp dưỡng, tiếp phẩm, thủ quỹ, thợ giặt, người lau dọn nhà cửa, người trông trẻ, cô giáo, thày thuốc gia đình… Những công việc tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya gần như hút kiệt sức lực và thời gian của phụ nữ, khiến họ còn rất ít khoặc không có thời gian để nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hoá. Điều này làm mức độ cách biệt về hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa nam và nữ tăng lên.
Từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, một trong những chính sách cơ bản ở nông thôn là chuyển đổi kinh tế từ hợp tác xã về gia đình, coi gia đình là một đơn vị kinh tế độc lập. Tình hình thực tế của nhiều gia đình cho thấy: xuất hiện nguy cơ chuyển từ hình thức lao động tập thể sang hình thức lao động của phụ nữ. Kinh tế hộ gia đình trong những điều kiện chưa có những giác ngộ về giới có thể sẽ dẫn đến việc tái tạo hình thức lao động trong đó người vợ đóng vai trò người lao động làm thuê, còn người chồng đóng vai trò ông chủ như V.I Lê-nin đã từng cảnh báo.
Một vấn đề nữa là, quyền về đất đai của phụ nữ và trẻ em sau ly hôn cũng chưa được bảo vệ trên thực tế. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại thân thể, nhân phẩm, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em chưa được luật pháp ngăn chặn kịp thời. Luật Hôn nhân và gia đình vẫn chưa hứa hẹn nhiều về tính khả thi trong việc đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em trên thực tế.
Hiện nay, còn tồn tại những khoảng cách (đôi khi khá xa) giữa luật pháp và thực tế. Theo một báo cáo của Ban Tuyên giáo thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam năm 1998, trong hơn 10 năm thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình (Luật sửa đổi năm 1986), có nhiều điều luật gần như không được áp dụng trên thực tế. Theo nhận xét của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và các tổ chức NGO Việt Nam, vẫn còn một số chính sách chưa phù hợp như tuổi nghỉ hưu của nam, nữ còn mang tính phân biệt (điều này ảnh hưởng đến chính sách đào tạo, đề bạt phụ nữ). Ngoài ra, bộ máy hoạt động vì bình đẳng giới còn cồng kềnh, chồng chéo và ch¬ưa đạt hiệu quả cao. Việc xoá bỏ sự phân biệt nam nữ trong quá khứ chậm, ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai, nhận thức về giới, về CEDAW của lãnh đạo và nhân dân chưa cao, nhiều kết quả nghiên cứu tốt về giới chưa được sử dụng đầy đủ khi xây dựng các chính sách.
Về phía xã hội, xu hướng phục hồi một số tập tục lạc hậu đã thách thức pháp luật và dư luận tiến bộ: từ những việc nhỏ như tâm lý “ra ngõ gặp gái” bị xui xẻo, đến các việc lớn như tảo hôn, thách cưới, “khát” con trai, lấy vợ lẽ “chui”, sinh hoạt họ tộc theo kiểu vai vế, khắt khe, phân biệt nam nữ. Việc hạn chế, cản trở các em gái đến trường để ở nhà làm ruộng và lấy chồng sớm vẫn còn tồn tại ở một số vùng nông thôn, đã thực sự khoét sâu sự cách biệt giữa nam và nữ.
Trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh việc thực hiện Công ước CEDAW, vận động, hướng dẫn phụ nữ phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khỏe, có tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu. Mỗi người phụ nữ phải tự chọn cho mình một nội dung và phương pháp học tập phù hợp với bản thân, góp phần xây dựng một xã hội học tập sôi nổi trong cả nước.
Gia đình Việt Nam hiện nay đang chịu tác động của nền kinh tế thị trường và của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chăm lo cho sự ổn định và phát triển của gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Đồng thời Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, cần có các biện pháp giải quyết hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong việc xây dựng gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội, những hành vi bạo hành với phụ nữ, buôn bán phụ nữ, trẻ em, ngăn chặn tình trạng cưỡng bức hôn nhân và môi giới bất hợp pháp.

Lê Thị Quý - PGS,TS, Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển

(http://www.tapchicongsan.org.vn)