ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

PHẦN THƯỞNG CHO SỰ CẦN MẪN VÀ BIẾT VƯƠN LÊN TRƯỚC HOÀN CẢNH

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã trải qua nhiều gian nan, nhưng có một thời kỳ vô cùng khốc liệt đó là khi thua to ở miền Nam, địch điên cuồng đánh phá miền Bắc dữ dội. Quảng Trị một vùng đất gió Lào cát trắng khô cằn, với cầu Hiền Lương đôi bờ thương nhớ là mảnh đất phải đối mặt với mưa bom bão đạn ngày đêm của quân thù để giữ lấy ranh giới của hai vùng chiến tuyến. Đó là thời điểm mà chị Trương Thị Khuê được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công Hạng nhất và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang - tháng 6 năm 1968.

Chị thật không ngờ mình được nhận một vinh dự lớn lao như vậy. Nhớ lại quãng thời gian từ thơ ấu, cái danh hiệu đến với chị cũng giống như phần thưởng cho sự cần mẫn, chịu khó, biết vươn lên của một người con gái không chịu bó tay trước hoàn cảnh.

Sinh năm 1945 trong một gia đình nông dân tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi đầu sóng ngọn gió của một thời kỳ chống Mỹ, chị Trương Thị Khuê đã sớm được hun đúc một cá tính mạnh mẽ và quả cảm.

Mẹ mất sớm lúc chị lên 9 tuổi. Là con thứ hai nhưng chị lại là con gái lớn trong gia đình nên mọi việc nội trợ chị phải cáng đáng thay người mẹ. Khi chị 18 tuổi, bố chị lại bị bom Mỹ giết hại. Hoàn cảnh gia đình đã rèn cho chị tính tự lập, đảm đang, không chỉ trong gia đình mà còn tham gia các hoạt động của cộng đồng như phụ trách đội thiếu nhi, đội du kích… Từ năm 1965, ở tuổi 20, chị đã trở thành Xã đội phó kiêm trung đội trưởng pháo 12 ly 7 xã Vĩnh Thủy, khu vực Vĩnh Linh. Trong thời gian này chị đã cùng đơn vị dũng cảm tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong nhiệm vụ phục vụ bộ đội chiến đấu, không quản ngày đêm, chị đều tích cực vận động anh chị em sẵn sàng ngày đêm phục vụ chu đáo, khi đào đất lập trận địa, khi lấy lá ngụy trang, khi chuyển đạn, thương binh. Không công việc nào chị vắng mặt. Với những thành tích đó, chị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba và Huy hiệu Bác Hồ. Sự gương mẫu tận tình của chị đã làm cho anh chị em hăng hái noi theo. Đối với mọi phong trào ở địa phương, chị đều tích cực gương mẫu đi đầu và vận động thanh niên thực hiện để nhân dân noi theo. Tháng 8/1968, dân quân xã Vĩnh Thủy đã được tuyên dương đơn vị Anh hùng, bản thân chị cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất và được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.

Liên tục từ đó đến nay, chị đã được bầu là Đảng ủy viên khu vực Vĩnh Linh, Phó ban Tổ chức Đảng ủy, Thường vụ huyện ủy, Trưởng ban tổ chức huyện Vĩnh Linh, tỉnh Bình Trị Thiên, Thường vụ huyện ủy, Trưởng ban tổ chức huyện Bến Hải, Tỉnh ủy viên tỉnh Bình Trị Thiên, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Hội trưởng Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Trị Thiên, ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Trị Thiên, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị, ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, khóa IX, ủy viên Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Là Đại biểu Quốc hội, chị luôn luôn nghĩ mình phải đưa ra được những ý kiến cụ thể để từ đó đóng góp chung cho việc thực hiện công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và bảo vệ, chăm lo quyền lợi của nhân dân. Để làm được điều đó, trong quá trình công tác tại địa phương, chị thường xuyên tiếp xúc với cử tri, nghiên cứu, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri. Trong suốt 10 năm tham gia Quốc hội, chị không lấy ý kiến chủ quan cá nhân để áp đặt coi đó là ý kiến của cử tri. Đồng thời là một nữ đại biểu Quốc hội, chị luôn suy nghĩ để có những đóng góp về chính sách liên quan nhằm đem lại quyền lợi thiết thực cho phụ nữ.

Phần thưởng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời chị là 3 lần được gặp Bác Hồ kính yêu. Những lần được gặp Bác, chị luôn luôn nghĩ mình cần phải phấn đấu vươn lên hơn nữa.

Từ năm 1997 đến nay, chị là ủy viên Đảng đoàn - Phó Chủ tịch rồi đến Phó Chủ tịch thường trực, Phó Bí thư đảng đoàn Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Chị luôn tâm huyết, trách nhiệm trước hoạt động của Hội, phong trào phụ nữ và hoạt động xã hội. Chị cũng trăn trở về những vấn đề mà hiện nay không ít người phải suy nghĩ. Đó là thực trạng đời sống kinh tế, văn hóa của phụ nữ vùng sâu, vùng xa, những vấn đề còn bức xúc về lao động nữ trong các khu công nghiệp, những tệ nạn xã hội đang phát triển, sự bất bình đẳng giới còn diễn ra ở nhiều nơi, vị thế của người phụ nữ cũng cần phải được củng cố và nâng cao trong gia đình và xã hội.

Khi hỏi về những yếu tố giúp chị có được như ngày hôm nay, chị khẳng định, ngoài tính tự lập và bản lĩnh, điều vô cùng cần thiết là phải học. Ngay từ khi còn nhỏ, do hoàn cảnh gia đình, không được đến trường, nhưng chị đã tranh thủ học ở nhà do người chú dạy. Sau đó, chị vừa công tác tại địa phương vừa theo học hết cấp 3 (phổ thông trung học bây giờ). Chị tâm niệm: Thời nào cũng phải học, nhưng thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, càng phải học nhiều, phụ nữ muốn thành đạt, phải tranh thủ học, học ở trường, học qua sách vở, học hỏi lẫn nhau….. Một phần không thể thiếu đối với người phụ nữ là gia đình. Cần quan tâm đến gia đình, bởi đó là thiên chức của người phụ nữ. Gia đình hạnh phúc giúp người phụ nữ thành đạt và quyết định sự thành đạt của người phụ nữ.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU