ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

VẪN TRĂN TRỞ, BỨC XÚC VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Sinh năm 1932, bà Võ Thị Liễu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1947, trở thành Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1948. Năm 1954, bà được Đảng phân công ở lại miền Nam. Suốt những năm đen tối nhất của Cách mạng miền Nam, bà bám trụ trong dân, tạo hợp pháp để xây dựng lực lượng, tổ chức “diệt ác, phá kềm”, lãnh đạo quần chúng đấu tranh “chống Chỉ dụ 57” của Ngô Đình Diệm. Sau đồng khởi năm 1960, bà làm Bí thư xã, rồi Phó bí thư Huyện ủy Tân Hiệp – một trong những vùng trắng Đảng viên thời đó, Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh và Hội phó Hội phụ nữ Khu Tây Nam Bộ (khu 9). Kinh nghiệm thực tiễn của công tác đoàn thể, công tác dân vận và công tác Đảng đã giúp bà Võ Thị Liễu hoàn thành một cách xuất sắc những trọng trách được Đảng phân công.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, bà được bầu vào Ban chấp hành tỉnh ủy Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang), Trưởng ty thương binh - xã hội và là một cán bộ nữ đầu tiên của tỉnh ứng cử đại biểu Quốc hội khóa VI năm 1976. Công tác thương binh – xã hội những năm đầu tiên đất nước thống nhất, còn ngổn ngang khó khăn, phức tạp. Là người trải qua hai cuộc kháng chiến và xuyên suốt ở chiến trường miền Nam, lại là một cán bộ nữ, bà Võ Thị Liễu được các đoàn đại biểu Quốc hội giới thiệu vào Uỷ ban Y tế - Xã hội của Quốc hội. Với trọng trách này, từ sự từng trải của cuộc chiến đấu ở miền Nam, bà Võ Thị Liễu đã nghiên cứu các vấn đề thuộc chế độ, chính sách để áp dụng cho cán bộ hoạt động ở miền Nam sau 1954. Ba khóa liên tục là Đại biểu Quốc hội, 9 kỳ họp Quốc hội, bà Võ Thị Liễu 4 lần đề xuất về các vấn đề xã hội trước Quốc hội. Hầu hết các vấn đề bà đề xuất, kiến nghị đều được các đại biểu quan tâm và sau đó được Quốc hội điều chỉnh thực hiện. Chẳng hạn: vấn đề xác nhận liệt sỹ cho đối tượng mất tích ở miền Nam, phải kéo dài đến 3 năm kể từ sau ngày giải phóng là chưa hợp lý. Bà giải thích: “khi hiến con của mình cho Cách mạng, người mẹ mong đến ngày thống nhất, con chiến thắng trở về. Đến ngày thống nhất, gia đình mọi người sum họp, người hy sinh cũng được công nhận là liệt sỹ, còn người mất tích (giặc thủ tiêu, trên đường đi công tác hi sinh không tìm được xác…), gia đình họ tiếp tục chờ đợi thì thật là xót xa và không hợp lý”. Vấn đề khác cũng về chính sách, bà kiến nghị Quốc hội xem xét đối với chế độ cho thương binh của hai miền Nam – Bắc: cùng là thương binh, nhưng những thương binh ở miền Bắc, kể từ ngày bị thương nằm viện, khi ra viện được công nhận là thương binh, còn ở miền Nam phải kể đến ngày 16/6/1976 mới được công nhận là thương binh. Hai đề xuất kiến nghị quan trọng này của bà Võ Thị Liễu, sau đó được Quốc hội thảo luận và điều chỉnh lại hợp lý. Về các vấn đề xã hội, bà Võ Thị Liễu trình bày về hậu quả của chiến tranh mà chế độ Mỹ - Ngụy để lại ở các đô thị miền Nam – vấn đề gái điếm. Bà đề xuất phải có chính sách trị bệnh, tổ chức trại phục hồi nhân phẩm cho chị em. Ở Kiên Giang, khi làm Trưởng ty thương binh – xã hội, bà Võ Thị Liễu đã xin hẳn 70 ha đất hoang hóa ở vùng tứ giác Long Xuyên để làm trại lao động, giáo dục chị em lầm lỡ (sau này mở rộng cho các đối tượng khác, có tên là Trại lao động Kiên Hảo, thuộc Sở Lao động thương binh – xã hội tỉnh). Vấn đề lương cho cán bộ hoạt động ở miền Nam, vấn đề công nhận liệt sỹ cho nhân dân (những người tham gia biểu tình, đấu tranh trực diện bị giặc bắn chết, những gia đình nuôi chứa cán bộ bị giặc bắt và chết trong tù…) sau này đều được Quốc hội thảo luận và điều chỉnh một số chế độ chính sách cho hợp lý đối với cán bộ miền Nam và chế độ, chính sách cho liệt sỹ nhân dân cũng được thực hiện.

Khi làm Chủ tịch Công đoàn tỉnh Kiên Giang, những chế độ, chính sách cho công nhân viên chức, cho ngươig lao động luôn được bà Võ Thị Liễu bảo vệ và thực hiện. Bà cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ làm công tác Công đoàn từ cơ sở lên tỉnh. Bà là người đề xướng làm nhà nghỉ, nhà khách Công đoàn và hiện nay, ở một tỉnh tiềm năng du lịch như Kiên Giang, nhà nghỉ  công đoàn hoạt động rất có hiệu quả.

Hiện nay ở tuổi 73, bà Võ Thị Liễu luôn tham gia đóng góp những ý kiến trên các lĩnh vực bà trải qua tại tỉnh nhà. Một cuộc đời luôn cống hiến cho dân, cho cách mạng, cho Đảng, bà để lại ấn tượng sâu sắc và đẹp cho thế hệ trẻ ở Kiên Giang. Khi hỏi về những vấn đề đang bức xúc hiện nay, bà nói: “Vẫn là những vấn đề tiêu cực trong xã hội, chưa ngăn chặn có hiệu quả, vấn đề tệ nạn xã hội còn diễn ra với nhiều hình thức phức tạp”. Bà Võ Thị Liễu cho biết bà sẽ có tham luận về những vấn đề này, khi được Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội mời ra Hà Nội.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU