ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NỮ DOANH NHÂN TRẦN THỊ THUẦN

Bố là Chủ tịch kháng chiến xã, các anh cũng đều đi kháng chiến, ngay từ khi sinh ra, đã chịu những nỗi vất vả cùng mẹ và chị. Không có người đàn ông trong nhà, lại phải thường xuyên chống lại những đợt truy quét của giặc Pháp, cuộc sống của bà Thuần cùng mẹ và chị thật mong manh cho đến tận năm 1954…

Hòa bình trên miền Bắc, năm 1955, 7 tuổi, bà Thuần được gia đình cho đi học tại trường làng, ba năm sau bà được lên học tại thị trấn và những năm 63 – năm 66, bà đã có mặt tại thị xã Thái Bình. Học hết phổ thông, bà tiếp tục đi học tại Đại học Nông nghiệp I, ngành cây lương thực. Tốt nghiệp đại học, bà Thuần tham gia Đoàn chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp về Thái Bình nghiên cứu cải tạo thâm canh lúa. Sau đó bà được phân công về Công ty Giống cây trồng Thái Bình và năm 1977 được bổ nhiệm làm quản lý trạm giống lúa Kiến Xương. Mang những kiến thức có được từ Trường Đại học Nông nghiệp I áp dụng về cánh đồng quê hương, bà Thuần đã thu được kết quả quan trọng trong việc trồng cây lúa, năng suất cây trồng tăng lên rõ rệt, đời sống nông dân cũng vì thế mà được cải thiện lên nhiều. Tháng 2.1989, bà Thuần được cấp trên tín nhiệm cử giữ chức Giám đốc Công ty xuất khẩu Kiến Xương, Thái Bình.

Từ khi bà Thuần về làm Giám đốc, Công ty luôn luôn là cơ sở được tín nhiệm về giống màu, giống lúa thuần chủng xuất ra… đây cũng là đơn vị nổi bật toàn tỉnh về công tác đưa giống mới về cho các bà con nông dân địa phương chuyển đổi cây trồng. Bà Thuần kể, thời gian làm Giám đốc, bà Thuần hầu như không có thời gian ở nhà mà toàn phải đi các tỉnh tìm giống cây trồng mới, mô hình làm ăn mới để áp dụng vào đồng ruộng Thái Bình, thâm canh năng suất cây lúa, cây màu. Không chỉ được tín nhiệm ở Thái Bình, Công ty của bà Thuần còn là cơ sở được tín nhiệm của cả miền Bắc…

Bà Thuần cũng là người đi đầu trong việc tạo thêm nhiều việc làm cho bà con nông dân, đó là nghề đan len, thảm bay, thêu, trâm bạc...Chính bà Thuần là người góp phần quan trọng biến Kiến Xương trở thành trung tâm nghề thủ công của tỉnh Thái Bình, khơi thông, mở rộng các làng nghề, thu hút bạn hàng các nơi đến tìm hiểu làm ăn. Nhờ đó mà đời sống nhân dân được cải thiện rất nhiều…

Là đại biểu Quốc hội ba khóa V, VI, VII, không chỉ dồn hết tâm huyết cho công ty, bà Thuần còn dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến cử tri qua những lần tiếp xúc với bà con. Bà Thuần kể, biết bà là một doanh nhân, người dân gửi gắm bà rất nhiều bức xúc, nguyện vọng chính đáng để bà phát biểu trước Quốc hội như làm thế nào để có một cơ chế quản lý nông nghiệp, tìm cơ chế chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sao cho phù hợp với cơ chế thị trường mới…Những năm “giao thời” giữa cơ chế cũ và mới, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng nửa vời, sống không sống được, chết không chết được, vì thế để có thể tồn tại thì phải được sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm, doanh nghiệp luôn luôn phải đi trước cơ chế để sống được và phát triển.

Nghỉ hưu năm 2004, bà Thuần tiếp tục suy nghĩ phương hướng kinh doanh mới. Hiện với mảnh đất 500m2 của mình, bà Thuần đang đầu tư vào phát triển cây cảnh. Bà cũng hi vọng là thời gian tới, bà cùng bà con nông dân trong xóm sẽ hình thành một thị trường cây cảnh có thương hiệu tại Thái Bình.

 

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU