ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGƯỜI LUÔN PHẢN ÁNH NGUYỆN VỌNG CỦA CỬ TRI LÀ CÔNG NHÂN

Bố là Đảng viên thời kỳ 30-31, mẹ là Đảng viên xã, từ nhỏ, bà Trần Thị Thanh đã theo bố mẹ là cán bộ của Công ty Lương thực Nghệ An và nhà máy dệt Minh Khai đi so tán khắp vùng Anh Sơn, Thanh Chương (Nghệ An) và Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đất miền Trung cằn cỗi, hết lớp 9, bà Thanh đã nghỉ học trở thành công nhân nhà máy cơ khí Vinh. May mắn cho bà Thanh, lãnh đạo nhà máy đã tạo cơ hội cho bà đi học nâng cao tay nghề. 18 tháng học nghề tại trường công nhân kỹ thuật 3 (nay là trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật 3) đã giúp cô gái 17 tuổi Trần Thị Thanh học được nghề tiện (mà bà vẫn đùa là “tiện gì làm nấy”) để sau đó trở thành một trong những nữ công nhân xuất sắc của Nhà máy cơ khí Vinh. Trực tiếp sản xuất từ năm 1966 đến năm 1979, bà Thanh đã làm kinh ngạc nhiều đồng nghiệp bằng sức khỏe của mình. Thời đó nhà máy giao định mức cho công nhân tiện 8 trục xe Kiến An/ca làm việc, thế nhưng chỉ một mình bà Thanh đã sản xuất được 50 trục xe/ca. Nhiều năm liền bà Thanh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, dự thi Đại hội thi đua của tỉnh… Năm 1979, bà được của làm Phó quản đốc phân xưởng. Từ năm 1985 đến khi nghỉ hưu (2002), bà giữ chức Trưởng phòng tổ chức của Công ty.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1975, bà Thanh trúng cử đại biểu Quốc hội khi chưa đầy 30 tuổi. Là đại biểu nữ nên bà Thanh được “ưu tiên” phát biểu rất nhiều. Bà Thanh kể lại, trong ba kỳ bà được bầu làm đại biểu Quốc hội (Khóa V, VI, VII) thì vui nhất là Quốc hội Khóa VI, Quốc hội của một nước Việt Nam thống nhất. Có lần, khi bà vừa đọc tham luận xong, bác Phạm Văn Đồng liền nhận xét, “cô này là cô nào mà nói hay thế nhỉ?” Nghe được lời nhận xét của bác Đồng, bà Thanh vui đến mức quên cả bắt tay bác.

Là đại biểu của công nhân, đại diện cho tiếng nói của các cử tri công nhân nên mỗi khi phát biểu tham luận tại Quốc hội, bà Thanh luôn tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của cử tri mình. Bà là người đã lên tiếng tại nghị trường đề nghị ngành công nghiệp, điện lực đấu điện từ Thanh Hóa vào Nghệ An cho bà con. Sau phát biểu của bà, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã triệu tập một cuộc họp với các Bộ điện – than, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước bàn chuyện đấu điện cho Nghệ An và sau đó thì điều đó đã trở thành hiện thực. Bà Thanh cũng đã góp nhiều ý kiến xây dựng Đoàn thanh niên, đổi mới hoạt động Công đoàn để tìm cách cải thiện đời sống công nhân. Bà cũng là người đề xuất ý kiến cải cách chế độ tiền lương vì chế độ cũ quá bất hợp lý. Lần cải cách tiền lương năm 1985 đã có nhiều thay đổi tích cực, cho dù trong điều kiện khó khăn lúc đó, những thay đổi này chưa như mong muốn.

Về hưu ở tuổi 57, bà Thanh tiếp tục tham gia nhiều hoạt động cảu địa phương. Bà là Chủ nhiệm Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội của Hội Phụ nữ xã, phụ trách thanh thiếu niên và nhiều đoàn thể khác. Bà Thanh bảo, chừng nào mình còn sức thì mình cứ làm. Làm việc để cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa thì nên làm lắm chứ…….

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU