ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

LAO ĐỘNG VẪN LÀ NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC

Bà Lê Chân Phương, đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV, tên thật là Lê Thị Bắc Lạng sinh ngày 25-1-1925 tại Nga Thượng, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938, trong phong trào Dân chủ nhân dân Đông Dương tại thị xã Hưng Yên và huyện Kim Động. Năm 1940 Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động ví mật. Bà đứng ra lập Hội Phụ nữ phản đế trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế tại thị xã và tháng 3-1941 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là một trong số đảng viên đầu tiên thuộc chi bộ thị xã Hưng Yên và Nhân Dục. Tháng 12-1941, bà bị địch bắt giam tù tại Sở mật thám Hải Dương, đề lao Hưng Yên cho tới nhà tù Hòa Lò đến năm 1943 thì ra tù. Ra tù, bà tiếp tục vận động thành lập Hội Phụ nữ Cứu quốc trong mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (Việt Minh), tích cực tổ chức nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa và tham gia giành chính quyền tại huyện Lý Nhân.

Sau khởi nghĩa, từ những ngày đầu xây dựng chính quyền nhân dân, thực hiện nhiệm vụ kháng chiến – kiến quốc và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập, giành thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, bà đã kinh qua nhiều nhiệm vụ công tác: Bí thứ Phụ nữ cứu quốc Tỉnh, tham gia Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam; Bí thư Phụ nữ cứu quốc Tỉnh, tham gia Tỉnh ủy Sơn Tây (cũ), sau là Thường vụ tỉnh ủy; tham gia Đảng đoàn Phụ nữ, sau đó là Bí thư Đảng đoàn và Bí thư Khu đoàn Phụ nữ Cứu quốc Liên khu ba; đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kiêm Trưởng ban liên lạc các đoàn thể nhân dân Việt Nam tại Bắc Kinh - Trung Quốc; Phó Bí thư Đảng đoàn; Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm báo Phụ nữ Việt Nam. Tham gia Đảng đoàn, Chánh tòa dân sự, Ủy viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; tham gia Đảng đoàn và giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động. Bà được bầu là đối với Quốc hội các khóa II, III, IV; liên tục trong 7 khóa được bầu vào Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam.

Suốt quãng đời cống hiến cho sự nghiệp các mạng đầy hào hùng và sôi nổi, bà có rất nhiều ký ức không thể nào phai, nhưng những ngày tháng vinh dự được nhân dân tin tưởng bầu là Đại biểu Quốc hội là dấu son không thể nào quên của bà. Năm 1959, bà được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cử sang Tòa án nhân dân tối cao giữ chức Chánh tòa dân sự. Năm 1961, bà được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa II, rồi khóa III, IV. Trong ba khóa này bà đều tham gia Ủy ban dự án Pháp luật của Quốc hội.

Tòa án nhân dân tối cao, nơi trước đây là một trong ba công cụ đàn áp của thực dân Pháp (Sở mật thám, Hòa Lò và Tòa thượng thẩm) nhằm tiêu diệt phong trào yêu nước của nhân dân ta. Hiện nay, nó trở thành cơ quan để bảo vệ thành quả cách mạng, chuyên chính với bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân. Sự thay đổi này có tác động lớn tới tư tưởng của bà. Đảng và cách mạng đã đổi đời cho phụ nữ, trong đó có bà, từ một phụ nữ bình thường nay trở thành người Đại biểu nhân dân, phụ trách việc xét xử về dân sự, một mảng quan trọng của pháp luật nước ta.

Trong các quan hệ dân sự, thì việc vận đồng xóa bỏ tàn dư chế độ phong kiến về hôn nhân và gia đình là một vấn đề hệ trọng. Lúc này, bà được cử tham gia Ban dự thảo Luật hôn nhân và gia đình đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đạo luật này đã được Quốc hội thông qua ngày 29-12-1959 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố ngày 13-01-1960. Luật hôn nhân và gia đình đầu tiên có ý nghĩa chính trị và tính chất cách mạng sâu sắc. Xóa bỏ tàn tích chế độ hôn nhân tự do, xây dựng gia đình bình đẳng, hòa thuận, một trong những nhân tố quan trọng xây dựng xã hội lành mạnh, tươi đẹp và hạnh phúc. Luật hôn nhân và gia đình trở thành chỗ dựa của mọi người để xây dựng cuộc sống mới. Để Luật được đi vào cuộc sống, đồng chí Xuân Thủy được bầu là Trưởng ban vận động quán triệt, thi hành Luật, bà là Tổng thư ký Ủy ban. Bà đã về xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa chỉ đạo và rút kinh nghiệm thực tế. Do hợp lòng dân nên Luật nhanh chóng được thực thi, động viên người phụ nữ vươn lên vị trí bình đẳng trong quan hệ hôn nhân và gia đình, xóa bỏ những đau khổ, bó buộc bao đời nay của người phụ nữ bị chế độ hôn nhân phong kiến gây nên.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, Mỹ đưa quân xâm lược miền Nam, đồng thời oanh tạc hủy diệt miền Bắc, miền Bắc vừa khôi phục kinh tế, vừa chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho miền Nam. Bà được Trung ương điều động trở lại tiếp tục công tác phụ nữ với cương vị Phó Bí thư Đảng đoàn kiêm Thường trực Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Trước tình hình thực tiễn, bà đã đề xuất với lãnh đạo Hội kế hoạch chuyển hướng công tác và đưa đoàn cán bộ đi cơ sở nghiên cứu thực tiễn và trình bày với Đảng đoàn và Ban thường trực Trung ương Hội đề án phong trào “ba đảm nhiệm” nhằm nâng cao chức năng của phụ nữ trong gia đình. Ngay sau khi phong trào “ba đảm nhiệm” ra đời, Bác Hồ quan tâm chỉ đạo và chỉ thị cho bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đổi thành “ba đảm đang”. Cuộc chiến đấu chống Mỹ ngày càng quyết liệt thì càng phải động viên lớn sức người, sức của. Đặc biệt việc điều hòa, phân bố hợp lực nhân lực có quan hệ mật thiết với phong trào “ba đảm đang”. Do vậy, bà được Trung ương Đảng và Hội phụ nữ cử sang Bộ Lao động giữ chức Thứ trưởng phụ trách mảng công tác lao động, đồng thời chuyên trách về lao động nữ. Việc quan trọng đầu tiên lúc này là xây dựng kế hoạch thống nhất điều phối lao động xã hội, đảm bảo hai nhiệm vụ chiến lược, đi đôi với phương án phân bố cụ thể lao động cho các mặt công tác, các ngành. 15 năm công tác trong ngành lao động, bà thật sự đã vươn lên đảm đương một nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến số phận của con người, mang tính chấtkinh tế, xã hội và khoa học. Việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ trong thời chiến là việc rất phức tạp và khó khăn nhưng đây chính là vấn đề mà bà tâm đắc và tha thiết nhất.

Bà nói: “Cả cuộc đời lao động và cống hiến cho cách mạng, tôi luôn có ý thức đóng góp cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, phục vụ Đảng hết mình, làm tròn trách nhiệm được Đảng giao phó và trung thành với Đảng, nhân dân cho tới hơi thở cuối cùng. 45 năm đã trôi qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam từng hoạt động hết sức hiệu quả, thực sự là người bạn, bê vực cho quyền lợi của chị em phụ nữ. Hiện nay, Hội ngày càng phát triển về chất và lượng, tuy nhiên chưa phát động được nhiều phong trào để thu hút chị em. Những thói hư tật xấu, nạn bạo hành trong gia đình, thói trăng hoa dường như đang quay trở lại xã hội, những cuộc hôn nhân biến chất thành hôn nhân tư sản trở nên phổ biến. Tôi hy đọc báo, thấy không có một số báo Phụ nữ thủ đô nào không có cảnh vợ bị chồng bạo hành, ngược đãi, mới thấy hơn bao giờ hết Hội phụ nữ các cấp cần phải làm tốt hơn vai trò của mình”.

Giờ đây, khi đã 81 tuổi, nhưng bà chưa bao giờ ngừng làm việc. Bà trở thành người viết sử. Hiện nay bà là tác giả và chủ biên 4 đầu sách và tham gia viết sử các địa phương, nơi bà từng công tác. Những lúc rỗi rãi bà làm thơ không phải để công bố trên báo mà là món quà dành tặng cho cháu con.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU