ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

CHỮ ĐỨC TRONG MỖI NGƯỜI CÁN BỘ CÁCH MẠNG

Bà Nguyễn Thị Minh Nhã quê ở Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là tỉnh Hà Tây). Trước cải cách ruộng đất, gia đình bà thuộc thành phần bần nông nhưng vẫn được người cha làm thợ điện cho Pháp cho học hết bậc tiểu học. Cả xứ Đoài ngày ấy có mỗi mình bà là con gái được đi học biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề. Lấy được bằng sơ lược tiểu học, bố bà bắt nghỉ học. Không được đi học nữa, nhưng bà vẫn ham học, tranh thủ lúc không làm việc đồng áng, ngốn ngấu đọc bất kỳ cái gì có chữ ở trong tay. Đến khi bà 15, 16 tuổi, Cách mạng đã về đến làng quên nhỏ bé. Hồi ấy cụ Phan Trọng Tuệ đi hoạt động ở Lào, bị bắt và trục xuất về quê. Bà chơi rất thân với người em gái cụ Tuệ là Phan Thị Sáng, cũng chính bà Sáng là người giác ngộ cho bà Nhã. Sau này bà Sáng đổi thành Vũ Thị Khôi (là một trong những nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước ta). Từ nhỏ, bà nhiều lần chứng kiến bọn quan lại, phong kiến bắt người dân sưu cao thuế nặng. Những gia đình không nộp đủ sưu liền bị sai nha mang trói cả nhà đánh đập dã man. Lần đầu tiên bà được nghe hai chữ “cộng sản” mà bọn thực dân tuyên truyền rằng cộng sản là không tốt, nó cộng vợ, cộng chồng. Nhưng sau thì hiểu rồi, mới biết người cộng sản chiến đấu để xóa bỏ bất công, xóa bỏ người bóc lột người, không còn trọng nam khinh nữ, tiến tới bình đẳng nam nữ. “Xóa bỏ bóc lột”, “phụ nữ bình đẳng” hai cụm từ ấy cứ dần dần ngấm vào huyết mạch của bà. Suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà, bà cũng phấn đấu vì hai cụm từ đó.

70 năm, một thời gian không phải là ngắn với một của đời của con người, với bao bộn bề trong công tác xã hội, chuyện gia đình, con cái nhưng những lời trong một bài hát (bà không còn nhớ rõ tên bài hát ấy là gì, ai là người sáng tác) mà bà và nhiều chị em phụ nữ ngày ấy truyền dạy cho nhau để giác ngộ thân phận con sâu cái kiến trong chế độ phong kiến thực dân vẫn còn y nguyên trong tâm trí.

“Gớm ghê thay cho xã hội hiện thời, nó cùm, nó xích bao nhiêu người trong bể trầm luân mà chị em ta lại càng cực khổ muôn phần”

Rồi:

“Nghĩ càng đau đớn, ê chề, càng căn thù lắm, càng tái tê cõi lòng. Chị em ơi ta phải cùng với nam giới phá bằng được cái xã hội này mới thôi”.

Bà đã giác ngộ cách mạng được rất nhiều chị em phụ nữ từ bài thơ đó. Cách mạng tháng Tám nổ ra, bà là người năng nổ tham gia vào những ngày còn non trẻ. Mẹ bà là người phụ nữ cổ, ngăn cấm không cho bà tham gia. Tối đến, bà cụ lại đi sờ chân đếm đủ từng ấy đứa con, bà vẫn trốn đi bằng được. Tháng Tám năm 1945, bà tham gia cướp chính quyền ở huyện Quốc Oai và trở thành Bí thư huyện ủy đầu tiên của Quốc Oai năm bà mới 25 tuổi. Kể từ năm 1946, bà đã kinh qua nhiều chức vụ như Bí thư Đảng đoàn phụ nữ liên khu 3 (1948 - 1950); cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đi giảm tô, cải cách ruộng đất (1950 - 1955); Thành ủy viên Ủy ban Thường vụ Thành ủy, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, Đảng đoàn phụ nữ Viện kiểm sát nhân dân tối cao (1963); Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam từ tháng 3-1974 cho tới khi về hưu năm 1979. Năm 1975 bà tham gia trong đoàn đại biểu Quốc hội hiệp thương thống nhất Tổ quốc ở miền Nam do Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Trường Chinh làm Trưởng đoàn.

Được sự tín nhiệm của nhân dân, bà liên tục là đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV, là ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội khóa III.

Qua nhiều năm công tác, từng giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng và chính quyền, cả cuộc đời công tác của bà đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ nước nhà, tiến tới công bằng và bình đẳng cho phụ nữ.

Những cán bộ cấp dưới của bà vẫn còn ghi nhớ hình ảnh một người phụ nữ thấp, đậm, có gương mặt cương nghị, quyết đoán, năng nổ nhưng cũng đầy nghĩa tình với đồng chí, đồng nghiệp. Nhiều năm làm công tác Đảng, bà có khả năng diễn thuyết rất rõ ràng, rành mạch trơn tru, và dường như không cần nhờ tới tài liệu khi nói trước đám đông. Bà luôn tâm niệm rằng đã là người phụ nữ làm công tác lãnh đạo thì chữ Đức phải đặt lên hàng đầu trong nhiều phẩm chất đáng quý của người cán bộ cách mạng. Đức ở đây là đức độ, là cái đức giữa con người với con người. Muốn nói để cấp dưới, nhất là chị em nghe và nể phục, người cán bộ phụ nữ phải có tình thương, sự gần gũi thân mật, sâu sát, lắng nghe giãi bày của phụ nữ, biết cảm thông và chia sẻ với nỗi vui, buồn của đồng nghiệp. Bà luôn luôn phấn đấu để trở thành một cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi bổ nhiệm cán bộ, bà cũng hay cân nhắc những người có những đức tính trên. Trong nội bộ chị em phụ nữ khi có hiện tượng xích mích, mất đoàn kết nội bộ, bà xuất hiện và giải quyết êm thấm. Bà thường nói, làm cán bộ đừng thích nghe nịnh, ai khen mình chỉ ghi nhận một nửa, chứ cứ nghe cả, rồi tự mãn, là hỏng ngay.

Mải mê công tác, khi đã lập gia đình với ông Lê Quang Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Bí thư quân khu ủy, nguyên Tổng tư lệnh kiêm Chính ủy quận khu 4, bà mang thai 3 lần nhưng chỉ sinh nở trọn vẹn một người con gái. Hiện nay, bà quả phụ Nguyễn Thị Minh Nhã ở với người con gái là Thượng tá Lê Minh Hằng – Trưởng phòng huyết học của Bệnh xá Tổng tham mưu cùng con rể là đại tá Phan Thanh Chương – Trưởng phòng A25 bệnh viện 108 và hai cháu trai.

Đã vào tuổi xưa nay hiếm, từ thế hệ của bà tới thế hệ trẻ ngày nay đã cách xa vài thế hệ. Bà bảo phụ nữ hiện đại ngày nay được học hành giỏi giang, hiểu biết hơn nhiều thế hệ cũ, có điều kiện chăm sóc và cho con cái học hành. Tuy nhiên, phụ nữ ngày nay dễ thích ứng với cái mới, đôi lúc không biết chọn lọc, nguy hại tới hành phúc gia đình. Như tình trạng bị lợi dụng thân xác, mua chuộc tiền tài danh vọng cũng như sắc đẹp. Bà trăn trở về tình trạng nạo phá thai hiện nay của giới trẻ. Việc này không chỉ làm băng hoại đạo đức xã hội, mà còn làm ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ, tổn hại tới kinh tế gia đình…

 

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU