ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

“PHẦN THƯỞNG VÔ GIÁ” LÀ SỰ ỦNG HỘ CỦA NHÂN DÂN

Chị Nguyễn Thị Thân là đại biểu Quốc hội 4 khóa liên tiếp (các khóa VII, VIII, IX, X), 3 khóa là Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Khóa VIII, IX, X), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng 2 khóa (Khóa VI, VII). Ở tính cách con người chị vẫn toát lên sự dễ gần, dung dị nhưng sôi nổi, thẳng thắn mỗi khi nhắc lại chặng đường 20 năm hoạt động “nghị trường” Quốc hội đã để lại cho chị nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Quê gốc ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, nhưng chị lại sinh ra và lớn lên giữa đất Hà thành thanh lịch. Vì thế, tính cách chị hội tụ sự mềm dẻo của người con gái đất ngàn năm văn hiến, nhưng cũng bộc lộ sự thẳng thắn, cương quyết nhiều lúc làm “mếch lòng” người khác khi đứng ra bảo vệ quan điểm của mình trước những vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Chị tâm sự, các hoạt động sôi nổi để lại cho chị nhiều kỷ niệm sâu đậm nhất của mình là thời gian chị làm ở Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Khi đó, là người tham gia thẩm định Pháp lệnh quy định về danh hiệu vinh dự Nhà nước bà mẹ Việt Nam anh hùng và Pháp lệnh về người có công, chị cùng các cán bộ, chuyên viên trong Ủy ban đã lặn lội đến hầu hết các địa phương, đặc biệt là những tỉnh khó khăn để khảo sát, phân tích tình hình thực tế. Chị nhớ lại, chiến tranh đang lùi dần vào quá khứ nhưng chính sách đãi ngộ với người có công vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập với nhiều tranh luận mà chưa đi đến thống nhất. Chị cùng các cán bộ đã lăn lộn đến 40/61 tỉnh, thành trong cả nước khảo sát, đánh giá về thực trạng công tác đãi ngộ, đền ơn đáp nghĩa người có công để phục vụ cho công tác thẩm tra, ban hành Pháp lệnh. Sau những chuyến đi ấy các chị đem những trăn trở, kiến nghị của nhân dân cả nước trình bày với lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thêm vào đó, các chị đều có trong tay những số liệu rất thuyết phục từ thực tiễn cuộc sống để trình. Vì thế, ngày 10/9/2004, Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định về danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ Cách mạng. Chị cùng tập thể của mình đã có những đóng góp không mệt mỏi cho cả một phong trào rộng lớn sau này khi được phân công thẩm tra để Pháp lệnh đi vào cuộc sống một cách thiết thực. Đây chính là niềm tự hào lớn lao trong cuộc đời hoạt động chính trị của chị khi mà chính sách đền ơn đáp nghĩa được toàn xã hội hưởng ứng tích cực. Chị luôn động viên anh em cán bộ trong Ủy ban rằng đây chính là “phần thưởng vô giá” mà nhân dân dành cho họ.

Ngay sau đó, cùng các ban, ngành, chị tiếp tục đi sâu nghiên cứu những vấn đề còn trăn trở, nhất là vấn đề di dân tự do. Chị bỏ ra quãng thời gian khá dài đi khảo sát, phân tích về thực trạng di dân tự do đang diễn ra rầm rộ trong cả nước khiến lãnh đạo không ít địa phương và dư luận yêu cầu phải có một chính sách, giải pháp hữu hiệu. Tình trạng di dân tự do chủ yếu từ miền Bắc, miền Trung vào các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam đang gây ra những hậu quả kinh tế - xã hội, nếu không kịp thời có quyết sách đúng thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy như nơi ăn ở, học hành, các thủ tục pháp lý khác cùng quyền lợi chưa được đảm bảo, buộc chị phải có tiếng nói của mình. Tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo chị đều thẳng thắng phát biểu về thực tế bức xúc trên và dần dần gây được sự chú ý của dư luận xã hội và quan tâm sâu sát của ngành chức năng.

Nói về chị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân nhớ lại: “Tôi có một thời gian khá dài được làm việc, trao đổi nhiều vấn đề cùng chị Thân. Chị là người phụ nữ có chính kiến, sắc sảo, nhạy bén và cẩn trọng trong các vấn đề. Tôi thấy chị kiên quyết nêu lên quan điểm của mình mà không ngại mếch lòng người khác. Chị Thân gần như chỉ quan tâm đến liệu vấn đề có được giải quyết thỏa đáng với những giải pháp hữu hiệu hay không. Cá tính mạnh mẽ này của chị không phải người phụ nữ nào cũng có được”.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU