ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

MỘT ĐỜI CỐNG HIẾN CHO ĐẤT NƯỚC

Bà Ngô Bá Thành, tên thật Phạm Thị Thanh Vân có nhiều danh hiệu được mọi người tôn vinh mỗi khi nhắc đến những cống hiến to lớn của bà cho đất nước. Nhật báo hàng đầu của Hoa Kỳ, tờ The New York Times mệnh danh bà là “người phụ nữ có tinh thần thép”, các phương tiện truyền thông Châu Âu gọi bà là “nhà khoa học lớn của thế giới đương đại” và gần đây nhất là Tiểu ban về Phụ nữ của Trung tâm Tiểu sử Quốc tế (IBC) bầu chọn là “Người phụ nữ của Thiên niên kỷ”.

Chặng đường chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học của bà Ngô Bá Thành là một chuỗi những sự kiện độc đáo, hiếm hoi. Ở đó thể hiện bản lĩnh vươn lên không ngừng của người phụ nữ Việt Nam. Ba tấm bằng tiến sỹ luật khoa xuất sắc nhất của ba trường đại học của ba quốc gia khác nhau (Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ) chứng minh sự phấn đấu không mệt mỏi của bà Ngô Bá Thành. Đây là sự kiện hiếm hoi không chỉ với Châu Âu mà còn của các nước Châu Á. Cuộc đời bà Ngô Bá Thành phản ánh sự đấu tranh của cả dân tộc Việt Nam giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, sự phát triển không ngừng của đất nước.

Trong 4 khóa đại biểu Quốc hội (Khóa VI, VII, VIII, X), bà đã có những đóng góp tích cực cho quá trình đổi mới hoạt động của cơ quan lập pháp cao nhất này. Có lần bà tâm sự rằng, để các hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn nữa, việc tiên quyết là cần chú ý hơn nữa việc sớm xây dựng và kiện toàn Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển của đất nước hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới đối với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền theo hướng đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội VII của Đảng là giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính Đảng, tính dân tộc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân để xây dựng bộ máy công quyền Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực. Bà cho rằng, để phát huy mạnh mẽ sức dân cần thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ, trước hết là quyền tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà nước dân chủ của dân, các quyền cơ bản được Hiến pháp công nhận như quyền tự do làm ăn theo pháp luật và được hưởng thụ các thành quả lao động của mình. Theo bà, muốn thực hiện được điều này, Quốc hội cần đổi mới hơn nữa các hoạt động của mình để thực sự là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và làm tròn trách nhiệm mà nhân dân giao phó.

Bà cho rằng, để các cơ quan nhà nước hoạt động ngang tầm yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển đất nước thì chúng ta phải tự đổi mới một cách triệt để. Đặc biệt phải biết dựa vào dân để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu dân của một số công chức trong bộ máy chính quyền để lấy lại niềm tin của nhân dân. Điều này cũng có nghĩa là các cơ quan dân cử phải hoàn thiện cơ chế nhân dân làm chủ. Cần chấm dứt thói quen “nghĩ hộ dân”, “làm hộ dân”, “kiểm tra, giám sát hộ dân” mà thay vào đó là cơ chế “quyền của dân phải được biết, được làm, được kiểm tra, được giám sát” các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, bà đã có những đóng góp lớn cho quá trình đổi mới không ngừng của Quốc hội, đặc biệt là trong lĩnh vực thẩm tra các dự án luật khi bà là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Những bộ luật quan trọng như Bộ luật hình sự năm 1999 đã được bà cùng các cộng sự dày công nghiên cứu, góp ý, thẩm tra bảo đảm chất lượng.

Giới khoa học và trí thức nước ngoài cùng cử tri cả nước đã trở nên quen thuộc với hình ảnh bà trong các kỳ họp Quốc hội và nhiều hoạt động xã hội khác. Có thể nói cuộc đời hoạt động của bà là cả một câu chuyện dài với những hoạt động đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức qua hai thế kỷ.

Bà mất ngày 03 tháng 02 năm 2004 tại Hà Nội, thọ 74 tuổi.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU