ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

SUỐT ĐỜI LÀM ĐẠI BIỂU CỦA DÂN

Ở tuổi 87, tuổi của nghỉ nơi, tĩnh tại, nhưng gặp được bà Ngô Thị Huệ (Bẩy Huệ) lại rất khó. Bà bận công việc và đi suốt ngày. Lần gặp may mắn này được bà giải thích, bà vừa phải đến Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh ký gấp hồ sơ cho 50 ca mổ mắt. Ký trước để bác sĩ kịp phẫu thuật, mọi thủ tục khác làm sau.

Không rời khỏi trách nhiệm trước dân.

Hiếm có một người như bà, đại biểu Quốc hội từ khóa I – khóa Quốc hội đầu tiên của Nhà nước giành được độc lập – đến khóa IV – khóa Quốc hội sau 20 năm kháng chiến, đánh đuổi hai đế quốc, bắt tay xây dựng lại đất nước. Bà vẫn nhớ như in những ngày đi tiếp xúc cử tri ở những vùng sâu, vùng xa trong những ngày đầu tiên miền Nam mới được giải phóng. Chứng kiến những người lao động nghèo khổ, bà day dứt với suy nghĩ: bao nhiêu xương máu đã đổ xuống cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, nay nước nhà được thống nhất, nhưng vẫn còn biết bao người dân vừa thoát khỏi giặc giã, lại chịu cảnh đói khổ, đến khi lâm bệnh lại không có tiền thuốc thang chữa trị…. Với trách nhiệm người đảng viên, cũng là trách nhiệm người đại biểu nhân dân, nên ngay khi nghỉ hưu, bà đã cùng các đồng chí sáng lập Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh, một việc làm thể hiện trách nhiệm người đảng viên, như một sự trả ơn của Đảng cho nhân dân, những người đã hết lòng ủng hộ cách mạng, nuôi dấu bà và các đồng chí trong những năm tháng hoạt động bí mật. Theo bà Bẩy Huệ, “cũng có thể nói đây cũng là việc làm thể hiện trách nhiệm người đại biểu của dân. Tôi rời nhiệm sở thì đã từ lâu rồi, nhưng trách nhiệm người đại biểu của dân thì đâu có thể rời”. Những chuyến đi về miền quê, thăm lại cơ sở cách mạng cũ, gặp dân, bà vẫn nắm bắt được tâm tư tình cảm sâu lắng, chân thật… để trực tiếp góp ý với Đảng, chính quyền trong công tác quản lý điều hành đất nước, cũng như xây dựng các chủ trương chính sách ổn định đời sống người dân, phát triển đất nước. Riêng với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, nơi bà làm Phó Chủ tịch, sau 15 năm thành lập, vận động kinh phí, đã giúp đỡ hàng trăm ngàn bệnh nhân được chữa bệnh, mổ tim, mổ mắt miễn phí, cấp hàng ngàn xe lăn, máy trợ thính cho người tàn tật. Cùng với việc phát triển các chương trình nhân đạo, Hội đã tư vấn, giúp đỡ về kinh phí, công tác tổ chức để thành lập Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo ở 61 tỉnh thành trong cả nước, tổ chức nhiều đợt mổ mắt tại các địa phương trong nước, ở nước bạn Lào và Campuchia.

Ra Thủ đô, gặp Bác Hồ

Sự kiện này diễn ra cách nay đã 60 năm, nhưng vẫn được bà nhắc đến như thời còn trẻ tràn đầy niềm vui sướng. Dường như đây là một quà tặng của cách mạng dành cho bà, xóa đi mọi gian truân vất vả của những năm tháng tù đầy, chấp nhận hy sinh gian khổ. Như được trở ại cái thời khắc hạnh phúc đó, bà Bẩy Huệ, cười, reo lên: “Chao ôi! Mừng ơi là mừng. Biết bao đồng bào đồng chí ở miền Nam ao ước được gặp Bác nhưng không được. Thế mà mình lại được”.

Đầu năm 1946, đoàn đại biểu miền Nam ra Hà Nội họp Quốc hội bị mắc kẹt ở Thái Lan, bà ở lại đây “tranh thủ thời gian” hoạt động phong trào phụ nữ Việt Kiều – Lào – Thái. Tám tháng sau, bà Bẩy xin được giấy hôn thú giả làm vợ một người Hoa lên đường đi Hải Nam (Trung Quốc) rồi từ đó về Đông Hưng. “Nhìn sang bên kia, Móng Cái thấy cờ đỏ sao vàng rực trời, sướng sởn óc”. Ngay trong ngày hôm đó, bà qua Quảng Ninh để xuống Hải Phòng “lần đầu tiên được nhìn thấy Vịnh Hạ Long, đẹp ơi là đẹp”. Và sáng hôm sau chị thẳng lên Hà Nội; được gặp Bác Hồ trong buổi Bác báo cáo trước Quốc hội việc ký tạm ước với Pháp. “Nhìn Bác mà nước mắt tuôn trào”. Không thể nói hết được nỗi lòng sung sướng, cảm động. Sau đó bà Bẩy Huệ còn được gặp Bác khi Bác đến thăm đoàn Đại biểu Quốc hội miền Nam; được nghe Bác dặn dò chỉ bảo về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở Hà Nội, bà Bẩy được Trung ương cho đi học chính trị. Lớp học bế mạc hôm trước, thì hôm sau toàn quốc kháng chiến, đúng như Bác Hồ đã tiên liệu.

Mãi mãi với truyền thống hào hùng.

Giải thích những hoạt động không ngơi nghỉ của mình, bà Bẩy Huệ nói đơn giản: “… Ngay cả hồi ông Mười ra làm Tổng Bí thư (Mười Cúc – tức đồng chí Nguyễn Văn Linh, chồng của bà Bẩy Huệ” thì ông Mười có việc của ổng, còn tôi có việc của tôi. Việc của tôi là làm cách mạng cũng có nghĩa là lao động từng ngày, từng giờ. Lao động chính là cuộc sống”. Và công việc chính của bà thời gian này là thành lập và xây dựng bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Rồi cùng với sáng kiến này là những cuộc đi liên miên, khắp nơi. Đi vận động kinh phí, vận động đóng góp hiện vật. Đi tập hợp các nhà khoa học nghiên cứu; biên soạn, xây dựng đề cương nội dung, tiếp cận các khoảng thời gian, không gian lịch sử… Bà dồn hết tâm huyết xây dựng bảo tàng với tâm niệm mãi mãi nhớ ơn sự hy sinh của nhân dân, ghi xương khắc cốt truyền thống hào hùng của dân tộc.

Bà Bẩy nghĩ, làm bảo tàng là tạo ra phương tiện mang tính nhân văn nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau, nhưng đó cũng là nơi để bà ôn lại, tri ân những năm tháng không thể nào quên, về trang sử vẻ vang của dân tộc, của phụ nữ Việt Nam, của phụ nữ Nam Bộ. Ở nơi này, bà như được trở về với cao trào cách mạng; trở lại cái buổi đen tối khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, khi kẻ địch đàn áp, tàn sát dã man chiến sĩ, đảng viên, những người đồng chí của bà; khi hàng loạt cơ sở bị vỡ, nhưng niềm tin về ngày chiến thắng thì không bao giờ nhạt phai; trở lại với thời kỳ phong trào đồng khởi với cuộc đấu tranh của đội quân tóc dài, của người phụ nữ miền Nam tay không bắt giặc. Và nơi đây – bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ - cũng là điểm nối kết với những năm tháng hoạt động, hy sinh của đồng chí đồng bào; nối kết với một quá khứ vinh quang của bà, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Đảng, cho cách mạng: 22 tuổi (năm 1940) là Phó Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long; hai lần vào ra tù, bị kết án khổ sai chung thân; hai lần tổ chức vượt ngục, phá ngục, tháng 6-1945, ra tù về Bạc Liêu, vào Tỉnh ủy lâm thời, tổ chức cách mạng tháng Tám, cướp chính quyền ở Bạc Liêu….

Và, cũng ở bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ này, đã bao lần chứng kiến cảnh bà Bẩy Huệ - một người từng dày dạn trong tranh đấu, trải qua những phút thăng trầm của cách mạng – vui sướng, chia sẻ với các đảng viên nữ mới được kết nạp những bó hoa tươi thắm với lời căn dặn chân tình, cùng một tấm gương cống hiến, trọn đời làm người đại biểu của nhân dân.

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU