ĐẠI BIỂU TRẦN KHÁNH THU - ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI BÌNH: RÀ SOÁT PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT, DỄ ÁP DỤNG

10/11/2023

Tham gia góp ý tại Phiên thảo luận tại Tổ vào sáng 10//11 về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc tách Luật giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật là cần thiết và phù hợp tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, dễ áp dụng, tránh giao thoa.

Theo dòng sự kiện

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 09 Chương, 81 Điều. Tiếp thu kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh  lý phạm vi điều chỉnh để phù hợp với tên gọi và nội hàm của Luật, theo đó đã chuyển các quy định về phương tiện giao thông và một số điều quy định trong chương vận tải đường bộ có nội dung liên quan đến trật tự, an toàn giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật này. Bổ sung các giải thích từ ngữ, một số nội dung về nguyên tắc, chính sách về trật tự, an toàn giao thông, hành vi bị nghiêm cấm, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bảo đảm tính bao quát, sát thực tiễn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam, kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại một số quy định phù hợp với thực tiễn.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Góp ý vào dự án luật, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, Luật Giao thông đường bộ được ban hành từ năm 2008 và được xây dựng ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy, mặc dù một số nội dung đã điều chỉnh tuy nhiên chưa đồng bộ và cũng không còn phù hợp như: Quy định về sử dụng làn đường, chuyển hướng, vượt xe, nhừơng đường tại nơi giao nhau, nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, ..

Cũng theo phân tích của đại biểu, các quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông chưa đầy đủ và đồng bộ … có thể dẫn đến khó khăn trong việc duy trì trật tự giao thông…. Đặc biệt là không có quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ (ATGTĐB) dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, nhất là giữa cơ quan quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật;..

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Vì vậy, đại biểu cho rằng, nên việc tách Luật giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật ( Luật TTATGTĐB và Luật đường bộ) là cần thiết và phù hợp đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, dễ áp dụng, tránh việc giao thoa… (Ví dụ như: quy định về vận chuyển người, hàng hóa, động vật… nên chuyển sang Luật đường bộ).

Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, đại biểu đề nghị cần có Báo cáo đánh giá tác động nêu rõ hơn về quy định của đạo luật này tác động như thế nào đối với các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, nhất là các tội xâm phạm an toàn giao thông vì Dự thảo mới là Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với rất nhiều hành vi bị nghiêm cấm (Luật hiện hành chỉ là vi phạm quy tắc giao thông …).

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị rà soát và chỉnh sửa để bảo đảm sử dụng thống nhất thuật ngữ: “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, chỗ thì quy định “cơ sở y tế”, do đó, đề nghị dùng chung một thuật ngữ là “cơ sở y tế” để cho người dân dễ hiểu và báo tin khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10

Ngoài ra, tại Khoản 36 Điều 3 Giải thích từ ngữ của Dự án Luật TT, ATGTĐB giải thích: Xe ưu tiên gồm xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp….

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định: hệ thống Cơ quan điều tra chuyên trách gồm 3 cơ quan: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Như vậy, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là một trong ba hệ thống Cơ quan điều tra chuyên trách tiến hành điều tra 38 tội phạm xâm phạm hoạt động phạm pháp, tội tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp… trong đó tiến hành những nhiệm vụ khẩn cấp như: bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải người phạm tội…;

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Trong khi đó, theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, thì Viện kiểm sát có quyền áp dụng các biện pháp pháp ngăn chặn (Điều 165 BLTTHS), biện pháp cưỡng chế theo luật… trong đó có biện pháp bắt bị can để tạm giam (Điều 113 BLTTHS);…Kiểm sát viên của Viện kiểm sát phải có mặt thực hiện kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét[1] … đây là những nhiệm vụ khẩn cấp. Tuy nhiên, khoản 36 Điều 3 Dự án Luật mới chỉ quy định “xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp”.

Vì vậy, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị bổ sung nội dung xe Viện kiểm sát nhân dân đi làm nhiệm vụ khẩn cấp thuộc đối tượng xe ưu tiên vào trong Dự án Luật, để đảm bảo phù hợp chức năng, nhiệm vụ của VKSND và đảm bảo tính đồng bộ, thực tiễn thi hành pháp luật , nhất là các đạo luật về tư pháp.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác