ĐBQH NGUYỄN THỊ YẾN: PHẢI NỖ LỰC RẤT LỚN ĐỂ ĐẠT TĂNG TRƯỞNG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM

03/11/2023

Sáng 24/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho rằng để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong 3 tháng cuối năm và của năm 2024. Đại biểu đề nghị cần có đánh giá, dự báo sát tình hình để có giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.

Theo dòng sự kiện

Thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu

Tại phiên thảo luận Tổ, bày tỏ cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cho biết, trong năm 2023 tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành thì tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của nước ta cơ bản vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Đại biểu chỉ rõ, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5 % dù thấp hơn chỉ tiêu đã đề ra (khoảng 6,5 %) nhưng vẫn ở mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Thương mại dịch vụ tiếp tục có xu hướng  tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân được thực hiện tốt. Phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nước ta cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý 4/2022 đến nay, kinh tế kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, khó đạt chỉ tiêu của năm 2023 là 6,5 % theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là trụ đỡ thì các động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, giảm tốc và tăng trưởng thấp. Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng là 5,91 %  so với cuối năm 2022. Kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tín vận dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7/2023 đã vượt mức là 3,56 % trên 3 %  và dù nhiều khoản nợ đã được gia hạn, giãn tiến độ trả nợ theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Về tỷ giá có những biến động mạnh là vấn đề cần quan tâm theo dõi.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, đối với tốc độ tăng trưởng năm 2023 dù không thể đạt mục tiêu tăng trưởng như chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng nếu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm từ 5- 5,5% thì theo các nhà chuyên gia, trong quý 4/2023 cần đạt tăng trưởng 7%-8,8%. Điều này đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong tăng trưởng kinh tế của ba tháng cuối năm cũng như là của năm 2024.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đánh giá, dự báo sát tình hình để có giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Đồng thời để đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm một số nhóm vấn đề.

Thứ nhất, cần nắm chắc tình hình thế giới và dự báo sát với tình hình đất nước và từ đó có kế hoạch ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình  ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình và có chính sách điều tiết hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.

Đại biểu nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và hiện nay cung nhiều hơn cầu. Do đó phải tính toán làm thế nào để cho cân bằng hợp lý.

Thứ hai, duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực, có biện pháp bảo đảm nguồn cung từ sản xuất, tập trung vào những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế.

Trong đó cần tập trung kích cầu tiêu dùng như thực hiện chính sách giảm thuế VAT, đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Kích cầu đầu tư công và đầu tư tư nhân cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tổng cầu của nền kinh tế tăng lên; cần phải phát hành trái phiếu Chính phủ; đồng thời, cần quan tâm  thêm rồi giải quyết các vấn đề cốt lõi, căn cơ về giải phóng mặt bằng, tái định cư và  vật liệu xây dựng. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu để tổng hợp và có giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng trước đây còn tồn tại để góp phần thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, tăng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước. Đại biểu bày tỏ mong muốn trong thời gian tới làm tốt hơn việc thực hiện các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy xuất khẩu, duy trì cán cân thương mại bền vững. Cần đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tập trung vào xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín, đẩy mạnh phát triển xuất khẩu hàng hóa, hướng đến các thị trường mới, thị trường tiềm năng như là Ấn Độ, Châu Phi, Trung Đông, Châu Mỹ Latin, Đông Âu, cũng như các thị trường mới nổi, thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và có tăng trưởng khả quan. Đồng thời, triển khai quyết liệt các cái giải pháp giúp cân bằng cán cân thương mại, nâng cao quá trình độ, năng lực là sản xuất nội địa.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ ba, cần có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn về thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đại biểu chỉ rõ, hiện nay tỷ lệ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn rất thấp, đến giữa nhiệm kỳ mới chỉ đạt 10% kế hoạch, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn và xem đây là trách nhiệm của các ngành chức năng được giao. Đại biểu cũng đề nghị cần nghiêm túc xem xét lại khi đây là vấn đề đề cập nhiều nhưng vẫn chưa làm được. Vì vậy cần phải tìm rõ những nguyên nhân để có những giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện vấn đề này bởi đây là nguồn lực rất lớn để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ tư, xây dựng lộ trình, kế hoạch xử lý nợ xấu nội bảng; đánh giá đúng nguyên nhân nợ xấu và đề ra những giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện và gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2021-2025.

Thứ năm, có giải pháp quản lý ổn định vàng trong nước. Cần cân nhắc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường vàng, phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân để cho phát triển kinh tế - xã hội;

Ngoài ra, cho ý kiến về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến cũng lưu ý đến tình trạng “nợ đọng” văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành khi Chính phủ còn “nợ” nhiều nghị định, các bộ, ngành “nợ” nhiều thông tư và hướng dẫn. Nêu rõ, nếu không có nghị định, thông tư hướng dẫn thì luật cũng chưa thực hiện được, gây ách tắc khó khăn cho việc điều hành quản lý của Nhà nước cũng như chính quyền các cấp. Đại biểu bày tỏ mong sớm ban hành các nghị định rồi thông tư và hướng dẫn để thực hiện thuận lợi.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác