Toàn cảnh cuộc họp
Trình bày các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết: Phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai rất rộng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai. Do vậy, các quy định của dự thảo Luật sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến các giới.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng với các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới dựa trên nguyên tắc không có sự phân biệt về giới trong tiếp cận đất đai cũng như trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thể hiện qua các nội dung cụ thể như: Tại khoản 6 Điều 24 dự thảo Luật quy định về quyền của công dân đối với đất đai đã bổ sung “quyền bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai”; Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ và chồng của Luật Đất đai năm 2013 nhằm tiếp tục bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong việc quyết định đối với tài sản lớn trong gia đình; Dự thảo Luật làm rõ hơn các quyền của công dân đối với đất đai (không phân biệt giới tính); Dự thảo Luật thể hiện không có sự phân biệt về giới trong quá trình bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chế độ sử dụng các loại đất.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai trình bày các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã có nhiều điểm đổi mới, bổ sung hơn so với Luật Đất đai hiện hành, trong đó quan tâm tới vấn đề bình dẳng giới, bảo đảm quyền lợi cho nữ giới trong gia đình về sở hữu tài sản quan trọng là đất đai. Phát huy vai trò của người phụ nữ trong sở hữu, quản lý và sử dụng tài sản là đất đai để tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên trong những quy định của dự thảo Luật có tác động đến quyền lợi của nữ giới vẫn còn quy định chưa thống nhất, chưa bảo đảm quyền của nữ giới trong với vai trò là thành viên trong hộ gia đình.
Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục xem xét để điều chỉnh, cụ thể như: Tại khoản 2, Điều 89 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, đề nghị cần phải có quy định nhằm định lượng được cơ bản, quy định cụ thể đối với quy định người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đối tượng người sống chung với người có đất bị thu hồi bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Đại biểu phát biểu ý kiến
Nhiều ý kiến bày tỏ tán thành với Khoản 4, Điều 143 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đã quy định rất cụ thể quyền lợi của người phụ nữ với vai trò người vợ: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận để ghi cả họ tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
Cũng theo phân tích của các đại biểu, quy định này đã cụ thể xác lập quyền của người vợ trong quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm để quyền đó được thực hiện ngay khi Luật được ban hành, cần quy định cụ thể thêm nội dung là: Cần xác định cụ thể việc xác lập tài sản giữa vợ và chồng được tính từ thời điểm khi xác lập quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung một nội dung tại khoản 2, Điều 143; “Quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng được xác lập và có hiệu lực ngay sau khi xác lập quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật.
Các ý kiến đã được Đoàn tiếp thu và tổng hợp gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong quá trình tham gia thẩm tra luật, đồng thời sẽ tiếp tục nghiên cứu tham gia góp ý đến khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua.
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, tại huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như: Cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng học bổng cho 100 học sinh nghèo vượt khó của địa phương; Khởi động Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam năm 2023 với hơn 1,5 triệu hộp sữa có giá trị tương đương 10 tỷ đồng, do Vinamilk hỗ trợ hơn 17.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của 15 địa phương trên cả nước.