Báo cáo đưa ra bảng xếp hạng mới nhất và sự phân bố theo khu vực của những quốc gia có nữ giới đảm nhiệm các vị trí quản lý hành pháp và tham gia quốc hội tính đến ngày 1/1/2023. Kết quả cho thấy số phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo chính trị nhìn chung có tăng lên. Tuy nhiên, sự hiện diện của nữ giới ở các vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ hoặc với tư cách là người đứng đầu Nhà nước và chính phủ vẫn còn rất ít.
Theo báo cáo, ở thời điểm đầu năm 2023, có 11,3% số các quốc gia trên thế giới có phụ nữ đứng đầu Nhà nước (không bao gồm các quốc gia theo chế độ quân chủ) và 9,8% có phụ nữ đứng đầu chính phủ. Những con số này đều tăng so với một thập kỷ trước, khi các thống kê này lần lượt ở mức 5,3% và 7,3%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng hiện chỉ có 13 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, có nội các bình đẳng giới, với 50% số thành viên nội các là phụ nữ giữ chức vụ từ bộ trưởng trở lên. Trong khi đó, vẫn còn 9 quốc gia không có thành viên nội các là nữ giới.
Theo báo cáo, giới chức là nam giới tiếp tục chiếm ưu thế trong các lĩnh vực chính sách như kinh tế, quốc phòng, tư pháp và nội vụ. Trong khi đó, nữ giới chỉ chiếm 12% trong số các vị trí bộ trưởng phụ trách đầu tư quốc phòng và chính quyền địa phương, 11% phụ trách vấn đề năng lượng, nhiên liệu tài nguyên thiên nhiên và khai thác mỏ và 8% phụ trách lĩnh vực giao thông.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng công tác phụ nữ, luôn lấy mục tiêu giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ và tạo thể chế để phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị và công việc quản lý Nhà nước và quản lý xã hội.
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Nam nữ bình quyền” là một trong những nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Điều này được ghi nhận trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” năm 1930. Cương lĩnh cũng nêu rõ giải phóng phụ nữ phải gắn với giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết về “Phụ nữ vận động”. Nghị quyết nêu rõ: “Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong sắc lệnh 14 ngày 8/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời về Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội nêu rõ: “Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử” đã thể chế hóa quyền bình đẳng nam nữ trong chính trị.
Trên thực tế, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946, phụ nữ không chỉ hăng hái tham gia bầu cử mà còn tham gia ứng cử tại nhiều khu vực trong cả nước và có 10 đại biểu phụ nữ đã trúng cử vào Quốc hội. Tuy số đại biểu nữ chỉ chiếm 3% tổng số đại biểu Quốc hội khóa I nhưng đó là bước đột phá mở đường cho phụ nữ tham gia vào cơ quan dân cử khi mà trước đó, thân phận của người phụ nữ trong xã hội rất thấp và quyền chính trị không hề được ghi nhận.
Tư tưởng bình đẳng giới của Đảng đã sớm được cụ thể hóa bằng quy định của pháp luật. Trong đó, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 1946.
Báo Cứu Quốc số 401 ngày 10/11/1946 có đăng lời phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ 2, Quốc hội khóa I của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam được đứng chung ngang hàng với đàn ông để được hưởng mọi quyền tự do của một công dân”.
Trong giai đoạn chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn có sự phát triển. Nếu như Quốc hội khóa I (1946 - 1960) mới có 3% đại biểu nữ thì đến Quốc hội khóa IV (1971 - 1975), tỷ lệ nữ đại biểu đã đạt 29,76%.
Bước sang thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới càng được thể hiện xuyên suốt và cụ thể hơn trong Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ như: Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng... Đặc biệt, ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11- NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra chỉ tiêu ít nhất 35% đại biểu Quốc hội khóa XIV.
“Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%” - Mục tiêu đến năm 2030 nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII.
Căn cứ vào Nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Từ những định hướng quan trọng như trên tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị và cả 3 người đều là đại biểu Quốc hội.
Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và 26,7% đại biểu là nữ.
Đến Quốc hội khóa XV, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội chiếm 30,26% - tỷ lệ được đánh giá là cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể: Quốc hội Khóa XV có 151 đại biểu nữ. Trong đó, có 44 đại biểu nữ là người dân tộc thiểu số, bằng 29,14% tổng số đại biểu nữ; 27 nữ đại biểu trẻ. Đây là một trong những khóa Quốc hội có số lượng đại biểu nữ nhiều nhất từ trước đến nay.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết: “Theo Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nữ ứng cử viên phải từ 35% trở lên, tỷ lệ ứng viên nhiều thì mới kéo theo tỷ lệ nữ đại biểu nhiều. Quốc hội khóa trước và khóa này đều đạt tỷ lệ nữ ứng viên trên 35% nhưng chỉ từ khóa này thì mới đạt tỷ lệ nữ ứng viên trên 35% và tỷ lệ nữ đại biểu trên 30%”.
“Vai trò của nữ đại biểu bên cạnh về số lượng thì chất lượng khóa này cũng được đánh giá cao. Trình độ đại học đạt 100%, trên đại học đạt 50%. Các nữ đại biểu ở vị trí lãnh đạo khá nhiều, tỷ lệ nữ đại biểu tham gia hội đồng dân tộc, ủy ban thường trực, thường trực hội đồng dân tộc các ủy ban nhiều hơn khóa trước. Đặc biệt, các ủy ban vốn trước đây có tỷ lệ nữ ít hoặc gần như không có như quốc phòng an ninh và thường trực thì đến cuối khóa trước và bắt đầu khóa này đã có nữ thường trực. Ủy ban tài chính và ủy ban kinh tế thường trực nữ ít thì khóa này khá nhiều”, bà Nguyễn Thúy Anh nói thêm.
Có thể khẳng định, giải phóng phụ nữ, bình đẳng nam nữ ở Việt Nam không phải được thực hiện bằng những phong trào mà đã trở thành chính sách, pháp luật và bằng những con số rất thuyết phục từ thực tiễn gần 40 năm đổi mới. Tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ngày một tăng, khóa sau cao hơn khóa trước.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã và đang có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc, tạo dựng nên truyền thống vẻ vang: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Trong thời kỳ đổi mới, chính những đóng góp to lớn của phụ nữ đã và đang góp phần vào khẳng định “tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” của Việt Nam.