ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH - ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH: RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NHẰM GIÚP CHO CÁC CƠ QUAN TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ

29/10/2023

Góp ý về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh quan tâm đến vấn đề xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát, và cho rẳng đây là công việc quan trọng, rà soát là bước ban đầu, thông tin đầu vào để giúp cho các cơ quan trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Theo dòng sự kiện

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Góp ý về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ thống nhất đối với báo cáo rà soát của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đánh giá về những kết quả làm được, đại biểu thống nhất với quá trình triển khai rà soát này đảm bảo quy trình, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định hướng dẫn về việc rà soát văn bản.

Đại biểu nhận thấy, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật là một công tác thường xuyên khi Quốc hội ban hành một văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng ta có một tổng rà soát mang tính chất tổng thể và quy mô lớn như vậy. Quốc hội đã ban hành nghị quyết, Chính phủ thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng và Hội nghị lấy ý kiến của Chính phủ đối với dự thảo cũng có sự có mặt của 3 Phó Thủ tướng.

Điều này chứng tỏ rằng, việc triển khai rất quy mô và phạm vi rà soát cũng rất rộng, 22 lĩnh vực trọng tâm, các lĩnh vực khác được đoàn kiểm tra, đoàn giám sát, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị hoặc là những vướng mắc được các địa phương hoặc là các doanh nghiệp, người dân kiến nghị. Vì vậy, đại biểu nhận thấy, phạm vi rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất rộng, bao quát hết các lĩnh vực của đời sống và sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, các địa phương trong quá trình rà soát.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, mặc dù trong một thời gian rất ngắn, tức là sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15, sau đó đến tháng 8 Chính phủ đã thành lập Tổ công tác, chỉ trong vòng gần 2 tháng đã rà soát một khối lượng văn bản rất khổng lồ. Theo báo cáo, đã rà soát 523 văn bản, gồm có 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Quốc hội và hàng trăm nghị định, thông tư của các bộ, ngành của Chính phủ. Rõ ràng đây là một khối lượng văn bản rất khổng lồ, với 25 phụ lục, trong đó từng quy định cũng có nêu rất rõ bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn. Đại biểu cơ bản đồng tình với kết quả rà soát này.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, kết quả rà soát này chưa được như mong đợi vì một phần do thời gian rà soát rất gấp, từ sau Kỳ họp thứ 5 đến lúc phải trình báo cáo sơ bộ, rồi lấy ý kiến các cơ quan, các địa phương, các bộ ngành triển khai, ví dụ như Thành phố Chí Minh chỉ có chưa đến một tháng để triển khai việc rà soát này. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đánh giá, kết quả rà soát mặc dù rất quy mô nhưng là chưa sâu và chưa hết các vấn đề mà chúng ta kỳ vọng. Vì vậy, đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ hơn, sâu hơn trong thời gian tới và có thời gian hợp lý để các địa phương, các đơn vị có thời gian rà soát nhiều hơn.

Trong báo cáo có nêu rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật 2 nhóm vấn đề, nhóm vấn đề thứ nhất là mâu thuẫn, chồng chéo và nhóm vấn đề thứ là là vướng mắc, bất cập. Kết quả rà soát theo báo cáo cho thấy mâu thuẫn chồng chéo không nhiều, chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng số văn bản rà soát, còn đa số phần lớn là vướng mắc, bất cập. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhận thấy, điều này xuất phát từ việc khi ban hành một văn bản mới, chúng ta thực hiện rất kỹ khâu rà soát để tránh chuyện mâu thuẫn, chồng chéo. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất hiện nay là tình trạng cán bộ còn né tránh trách nhiệm.

Đại biểu cho rằng, có những vướng mắc, bất cập giữa thể chế hóa và quy định pháp luật chưa có sự tương đồng, từ đó ảnh hưởng nhất định đến vấn đề cán bộ né tránh trách nhiệm. Bởi vì khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa đầy đủ thì có ảnh hưởng nhất định trong việc thực thi nhiệm vụ.

Quan tâm đến vấn đề xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rẳng, đây là một việc quan trọng, rà soát là bước ban đầu, thông tin đầu vào để giúp cho các cơ quan trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Theo Điều 143 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có 5 hình thức xử lý văn bản sau rà soát, đó là bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản; ban hành văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành một văn bản mới đối với những vấn đề mà qua rà soát chúng ta thấy những quan hệ mới cần phải điều chỉnh bằng một quy định pháp luật mới; hoặc đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản. Đó là 5 hình thức xử lý văn bản sau rà soát.

Quang cảnh thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Tổ 2

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định rất cụ thể thẩm quyền của các cơ quan, nhất là trong việc bãi bỏ hoặc đình chỉ văn bản quy phạm pháp luật mà được xác định là trái pháp luật. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hanh cho rằng, kết quả rà soát này cũng chỉ ra nhiều nội dung rất cụ thể trong các quy định, chỗ nào là mâu thuẫn, chồng chéo; chỗ nào vướng mắc, bất cập.

Tuy nhiên, hiện nay giải pháp sau báo cáo rà soát này chưa cụ thể, chỉ trừ những vấn đề đang trình Quốc hội ban hành như Luật Đất đai hoặc Luật Kinh doanh bất động sản hoặc những nội dung đã đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. Còn những vấn đề rất lớn như hàng trăm nghị định, thông tư của Chính phủ hiện nay vướng mắc, bất cập nhiều nhất, báo cáo chưa làm rõ được vấn đề này.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhận thấy, báo cáo chưa đánh giá được nguyên nhân vì sao hệ thống pháp luật hiện nay chỉ có 6,5% văn bản mâu thuẫn, chồng chéo; phần lớn tập trung ở bất cập, vướng mắc. Báo cáo chưa làm rõ được giải pháp làm sao để tháo gỡ vấn đề này sau kết quả rà soát với hàng trăm nghị định và thông tư.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị Chính phủ giao cụ thể cho các bộ, ngành có các văn bản được chỉ ra, có tiến độ kiểm tra. Đồng thời bày tỏ đồng tình đưa công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này vào nội dung giám sát hàng năm với kết quả thực hiện nội dung rà soát. Đại biểu nhấn mạnh, đây phải là một công việc thường xuyên thì mới hy vọng hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng tốt hơn, ngày càng hoàn thiện hơn.

Về nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế nói chung và công tác rà soát nói riêng, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhận thấy, đây là một vấn đề rất hạn chế. Mặc dù chúng ta khẳng định rằng xây dựng và hoàn thiện thể chế là khâu trọng tâm, khâu đột phá nhưng nguồn lực cho những người làm nên sự trọng tâm, đột phá này thì chưa có sự quan tâm đúng mức, tương xứng với vai trò và trọng trách của nguồn nhân lực này.

(Theo Cổng TTĐTQH)

Các bài viết khác