ĐẠI BIỂU LÊ THỊ THANH LAM - ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG: NÊN BỔ SUNG QUYỀN HẠN CỦA LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ TRẬT TỰ, Ở CƠ SỞ

28/10/2023

Quan tâm về nội dung Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vào sáng ngày 27/10, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề xuất cần bổ sung nhiều điểm để khi ban hành không vướng những quy định chưa rõ.

Theo dòng sự kiện

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁC NỮ ĐBQH TẠI PHIÊN THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tại Điểm 1 Phạm vi điều chỉnh cần quy định “Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”. Theo quy định tại Điều 1 thì Luật này chỉ quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động,… đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, không quy định về quyền hạn đối với lực lượng này.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH, tỉnh Hậu Giang

Để đảm bảo cho lực lượng này hoạt động có hiệu quả khi luật được ban hành. Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cần bổ sung quy định về quyền hạn đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất tại Điều 13 quy định tiêu chuẩn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên… nhưng chưa quy định về độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ. Người lớn tuổi có thể thiếu nhanh nhẹn, khó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh.

Đại biểu cũng cho rằng tại Điều 23 về Bồi dưỡng, hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. quy định “Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định”. Để bảo đảm các chế độ, chính sách chi trả thường xuyên cho các đối tượng này, nếu chỉ quy định mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thì lực lượng này chỉ được hỗ trợ một phần kinh phí và sẽ gây thiệt thòi cho đối tượng này và khó thu hút được người tự nguyện tham gia. Ban Soạn thảo cần nghiên cứu việc chi trả chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bằng mức lương cụ thể tính theo hệ số lương để đảm bảo mức lương cho đối tượng này đáp ứng nhu cầu cuộc sống và thu hút được đối tượng tích cực tham gia hoạt động có hiệu quả, đại biểu đề nghị.

Về vấn đề nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Chương II, dự thảo luật quy định có 06 điều (từ Điều 7 đến Điều 12) quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, trong 06 điều quy định rất nhiều nhiệm vụ đối với lực lượng này, đại biểu nhấn mạnh trong khi dự thảo Luật không có điều, khoản quy định quyền hạn đối với lực lượng này nên rất khó thực hiện có hiệu quả. Đại biểu cũng đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc tiếp tục rà soát các quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này, đồng thời không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an nhân dân và đảm bảo tính thống nhất với các quy định khác có liên quan trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi trong áp dụng pháp luật.

(Theo Cổng TTĐTQH)

Các bài viết khác