MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁC NỮ ĐBQH TẠI PHIÊN THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phát biểu góp ý tại phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung – ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Quan tâm tới nội dung quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, đại biểu thống nhất với việc bổ sung Điều 21 tại Dự thảo Luật về bảo vệ nguồn nước, trong đó quy định tại khoản 1 về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, Luật Tài nguyên nước 2012 đã có nội dung quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, sau 10 năm triển khai thực hiện việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đã được triển khai thực hiện trên toàn bộ các tỉnh/thành phố và đạt được kết quả nhất định. Căn cứ vào thực tiễn triển khai thực hiện, quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 23 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Đại biểu bày tỏ thống nhất với quy định là hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để bảo vệ sự ổn định của bờ, phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước, các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước cũng như để bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tôn giáo, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định các loại nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ, trong đó tôi thống nhất và thấy rằng việc yêu cầu các nguồn nước là các hồ ở các đô thị, khu dân cư tập trung; các hồ, ao có chức năng điều hòa nguồn nước, phòng, chống ngập úng, tạo cảnh quan; các kênh, mương, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước; các nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch, tôn giáo, tín ngưỡng và có giá trị đa dạng sinh học cao là các nguồn nước rất cần thiết phải có hành lang bảo vệ.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung – ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Về quy định tại Khoản 5 và 6 Điều 23: “Đối với đập, hồ chứa thủy lợi, kênh, mương thuộc công trình thủy lợi thì mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được xác định trùng với mốc giới phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi” và quy định:“ Trường hợp mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước các sông, suối được xác định trùng với mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng, mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê thì sử dụng mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng theo quy định của pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê theo quy định của pháp luật về đê điều”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại thống nhất với quy định này nhằm tiết kiệm kinh phí cắm mốc.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hành lang bảo vệ nguồn nước không chỉ là bảo vệ an toàn công trình hay bảo vệ đê điều, an toàn trong giao thông thủy mà cần quy định rõ trong phạm vi các hành lang này vẫn phải được quản lý, bảo vệ nhằm mục đích là bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn các quy định quản lý hành lang để thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Các đại biểu dự Phiên họp.
Bày tỏ băn khoăn hiện nay khi xác định được phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước thì vấn đề sử dụng đất trong phạm vi hành lang được giải quyết như thế nào? Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho biết, tại Điểm b Khoản 8 Điều 23 dự thảo Luật hiện đang quy định “Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước được xác định trên cơ sở đo đạc, xác định mốc giới trên thực địa hoặc trên bản đồ địa chính và phải được công bố, quản lý theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai. Mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được thể hiện trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” và “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác phải bảo đảm việc duy trì, phát triển các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt”.
Đồng thời, khoản 4 Điều 23 dự thảo cũng quy định “Không xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc, nguy hiểm, cơ sở sản xuất, chế biến có chất thải nguy hại trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Đối với cơ sở đang hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước phải có giải pháp để khắc phục theo quy định của pháp luật; trường hợp không khắc phục được thì bị đình chỉ hoạt động hoặc di dời theo quy định của pháp luật”. Các quy định này đều liên quan đến vấn đề sử dụng đất, do vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát các nội dung này với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để thống nhất. Đại biểu cho rằng nên quy định các vấn đề liên quan đến sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Theo đó, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ quy định các nội dung về sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước theo hướng dẫn chiếu sang Luật Đất đai.