CHÙM ẢNH: NỮ ĐBQH TẠI CÁC PHIÊN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 5, trong hai ngày 31/5 và 01/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ cũng như các báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Mặc dù chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm chưa đạt theo nghị quyết của Quốc hội, nhưng qua báo cáo cũng thấy được sự nỗ lực của Chính phủ và trong hệ thống chính trị trong việc quyết tâm triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Tại Phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Hoa Ry kiến nghị cùng với Quốc hội để có cách nhìn tổng thể, khách quan liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gồm 3 nhóm vấn đề.
Vấn đề thứ nhất, liên quan đến hạn chế, bất cập trong chính sách thu mua điện từ năng lượng tái tạo điện gió và điện mặt trời. Cử tri rất phấn khởi, trước thềm của kỳ họp Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch Điện VIII với mục tiêu đặt ra phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất điện. Tuy nhiên, trong thực tiễn liên quan đến lĩnh vực này trong thời gian vừa qua vẫn còn những vấn đề bất cập. Trong khi chủ trương luôn khẳng định khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, trong thực tiễn đầu tư thì lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, doanh nghiệp phải có chi phí đầu tư cao hơn so với lĩnh vực khác. Song, trong thời gian vừa qua, việc định giá để mua điện gió, điện mặt trời lại thấp hơn giá từ điện than, điện chạy dầu diesel.
Mặt khác, trong khi mua chưa hết công suất của điện gió, điện mặt trời trong nước thì lại đi nhập khẩu điện từ các nước lân cận, gây ra tình trạng bức xúc trong doanh nghiệp lĩnh vực này vì không đảm bảo quyền lợi chính đáng. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry bày tỏ băn khoăn không hiểu vì sao lại có những bất cập này và cho rằng nếu không kịp thời tháo gỡ, đây cũng chính là điểm nghẽn cản trở cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm và sớm chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ những khó khăn này cho doanh nghiệp, đồng thời cũng để đảm bảo các mục tiêu trong việc thực hiện quy hoạch Điện VIII về phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất điện sớm đi vào cuộc sống.
Vấn đề thứ hai, đại biểu Trần Thị Hoa Ry mong Quốc hội quan tâm thêm đến lĩnh vực về đời sống xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, qua triển khai giám sát của Quốc hội, Chính phủ cũng đã chỉ đạo và hết sức nỗ lực trong việc tổ chức triển khai thực hiện việc này. Đặc biệt, trong Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập, trong đó đã xác định rõ có 21/42 điều gây khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia và có 16 điều hiện nay đang tập trung để sửa Nghị định 27.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.
Ngoài những việc các đại biểu Quốc hội đã đề cập trong vướng mắc, đại biểu Trần Thị Hoa Ry rất mong Chính phủ quan tâm thêm, đó là trong những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua đã được Thủ tướng chỉ đạo cho các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ cho địa phương. Qua giám sát có một số Bộ, ngành sau khi lý giải, chỉ dẫn lòng vòng lại khẳng định là đề nghị áp dụng theo quy định của pháp luật. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, vấn đề này nếu không quan tâm, giải quyết một cách thấu đáo thì từ nay đến cuối năm liên quan đến mục tiêu chương trình này rất khó giải ngân được.
Vấn đề thứ ba cũng liên quan đến việc thực hiện chính sách của đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là khi triển khai thực hiện phân định theo trình độ phát triển theo Quyết Định 861 và 612 trên cơ sở khảo sát về việc phân định đối với cùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển, Hội đồng Dân tộc đã kiến nghị cùng với Chính phủ và các Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu và cho phép duy trì một số chế độ, chính sách liên quan đến vùng này. Bởi vì, áp dụng theo tiêu chí mới thì những vùng này vẫn còn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trong khi đó khi triển khai thực hiện chúng ta đã xét vào năm 2019. Tuy nhiên, mặc dù những kiến nghị này đã trải qua 2 năm, đến bây giờ vẫn chưa có kết quả trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry mong Chính phủ quan tâm và xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực này.
Vấn đề thứ tư, đó là cần quan tâm sớm đến thực trạng về lao động và việc làm sau đại dịch COVID-19. Bởi vì do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, theo thông cáo của Tổng cục Thống kê thì trong quý I/2023, tình trạng lao động thất nghiệp cũng còn nhiều, khoảng 150.000 người.
Theo dự báo hiện nay, nếu trong điều kiện doanh nghiệp còn khó khăn như hiện nay thì trong thời gian tới liên quan đến lĩnh vực này sẽ có chiều hướng gia tăng chứ không phải giảm. Mặt khác, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần nếu so với cùng kỳ năm 2022 thì tăng đến 20%. Theo đó, đối tượng lao động nữ thì trên 55% và đặc biệt rút bảo hiểm xã hội một lần này đối tượng trẻ cũng cao, tức là độ tuổi từ 20 đến 40 khoảng 50%.