ĐẠI BIỂU LÝ ANH THƯ - ĐOÀN ĐBQH TỈNH KIÊN GIANG: CẦN GHI NHẬN KỊP THỜI VÀ CÓ CHÍNH SÁCH KHEN THƯỞNG HƠN NỮA VỚI NHÀ KHOA HỌC NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG HIỆU QUẢ

11/06/2023

Để tránh lãng phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho sự phát triển khoa học, đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm: Cần có sự ghi nhận kịp thời và chính sách khen thưởng hơn nữa đối với những nhà khoa học nghiên cứu đề tài được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả.

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học phát triển bằng cách thu hút, tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy trí tuệ nghiên cứu các công trình, đề tài thiết thực, phục kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân. Đây cũng là việc làm nhằm giảm sự lãng phí ngân sách Nhà nước khi đầu tư cho phát triển khoa học nhưng các đề tài nghiên cứu khó có thể áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống.

Quốc hội thực hiện phiên chất vấn về nhóm vấn đề lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Vấn đề trên một lần nữa được đưa ra nghị trường trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Huỳnh Thành Đạt sáng 07/6. Xung quanh nội dung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên tâm nghiên cứu các đề tài khoa học áp dụng vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Phóng viên: Tại Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đến việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong thời gian qua nhằm tránh lãng phí chất xám của các nhà khoa học và ngân sách Nhà nước. Đại biểu có ý kiến như thế nào về nội dung này?

ĐBQH Lý Anh Thư: Đối với các đề tài khoa học công nghệ, tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ chỉ đạo từ các các cơ quan Trung ương tới địa phương phải có hệ thống thống kê. Trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, các đề tài nghiên cứu khoa học phải có độ trễ và có rủi ro. Tuy nhiên, Bộ phải thống kê được trong tổng số các đề tài khoa học thì bao nhiêu đề tài có độ trễ, nằm trong độ rủi ro và bao nhiêu đề tài được áp dụng vào phục vụ đời sống thực tiễn.

Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Trong nghiên cứu khoa học, bất cứ một đề tài nghiên cứu nào cũng có thể thành công hoặc thất bại. Thế nhưng, Bộ Khoa học và Công nghệ phải nắm rõ được đề nào nào rủi ro để có hướng khắc phục, đề tài nào có khả thi thì tiếp tục phát huy.

Ngoài yêu cầu trên, tôi cũng mong rằng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ quan tâm hơn nữa đến chính sách cho nghiên cứu khoa học. Theo đó, công tác thanh quyết toán cho các đề tài nghiên cứu khoa học phải đơn giản. Bởi hiện nay, nhiều nhà khoa học thường tập trung dành thời gian cho các công tác nghiên cứu nhưng khi đề tài hoàn thành và được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì việc thanh quyết toán thường rất rườm rà nên gây mất rất nhiều thời gian. Điều này cũng khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy chán nản trong nghiên cứu khoa học.

Phóng viên: Với những quan điểm nêu trên, đại biểu có ý kiến như thế về việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong thời gian tới?

ĐBQH Lý Anh Thư: Tôi nhận thấy, đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao, kinh nghiệm thường là có thời gian công tác, nghiên cứu khoa học lâu năm. Tuy nhiên, khi kinh nghiệm đã “chín” thì họ lại đến tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, bên cạnh sử dụng đội ngũ các nhà khoa học trẻ thì việc phát huy trí tuệ, chất xám của đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao này như thế nào lại là vấn đề cần quan tâm. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tránh lãng phí trong đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn tại Hội trường.

Để khuyến khích và phát huy trí tuệ của đội ngũ nhà khoa học có kinh nghiệm, trình độ cao trong nghiên cứu khoa học, tôi cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan có sự ghi nhận, chính sách khen thưởng hơn nữa đối với những nhà khoa học nghiên cứu đề tài được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả.

Phóng viên: Tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề lãng phí ngân sách Nhà nước trong nghiên cứu khoa học. Vậy theo đại biểu, trong thời gian tới, chúng ta cần đưa ra những giải pháp hữu hiệu nào để khắc phục được tình trạng này?

ĐBQH Lý Anh Thư:  Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã đề cập rõ là hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật còn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ. Vì thế, tôi cho rằng, để tránh lãng phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học thì chúng ta cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy định những chính sách một cách rõ ràng hơn để tránh chồng chéo. Theo đó, ngoài việc sữa đổi luật liên quan đến khoa học công nghệ thì cần sửa đổi các văn bản dưới luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

 

(Theo Cổng TTĐTQH)

Các bài viết khác