Quốc hội dành 2,5 ngày, bắt đầu từ sáng 06/6 đến sáng 08/6 để thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành 2,5 ngày, bắt đầu từ sáng 06/6 đến sáng 08/6 để thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung của chương trình nghị sự quan trọng này tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học và công nghệ và giao thông vận tải.
Để hiểu rõ hơn về những kỳ vọng, mong muốn của những đại biểu đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh.
Phóng viên: Đại biểu nhìn nhận như thế nào về các nội dung, vấn đề được chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 này?
ĐBQH Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những nhiệm vụ trong thời gian tới, Quốc hội đã lấy ý kiến của các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH và lựa chọn những nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 5 này. Nhìn chung, những vấn đề Quốc hội lựa chọn để chất vấn đều là những vấn đề rất cần thiết, sát thực trong thực tiễn cuộc sống. Cử tri, nhân dân cũng đang mong muốn qua chất vấn có thể sẽ mang lại kết quả tốt để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.
Thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, tôi mong là những vấn đề còn đang tắc nghẽn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống thì sẽ được làm rõ và có giải pháp tháo gỡ một cách có hiệu quả cũng như giải quyết dứt điểm. Những vấn đề còn đang vướng mắc trong thực tiễn, kể cả trên nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, các lĩnh vực xã hội đều sẽ được giải quyết nhằm đạt được kết quả theo các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra cũng như là các mục tiêu của phát triển kinh tế -xã hội trong cả giai đoạn.
Phóng viên: Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 này, đại biểu quan tâm đến những nội dung, vấn đề nào và có những đề xuất, giải pháp ra sao?
ĐBQH Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: Năm 2022, với sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và quân dân cả nước, dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, kinh tế-xã hội đã được phục hồi. Các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và các nhiệm vụ khác đã đạt được toàn diện trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tốc độ kinh tế tăng trưởng chậm lại và nhiều vướng mắc trên các lĩnh vực. Một số chỉ tiêu về kinh tế-xã hội khó có thể đạt được chỉ tiêu đề ra. Ví dụ như tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động hay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, xuất khẩu ở một số hàng hóa đang gặp khó khăn. Đặc biệt, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn, khả năng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đơn đặt hàng để xuất khẩu còn hạn chế, Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng tăng lên.
Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 5.
Ngoài ra, về lĩnh vực xã hội, việc thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế, tình hình rút bảo hiểm xã hội 1 lần, thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần hay những vấn đề về việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đây là những vấn đề mà chúng tôi rất mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ có những trao đổi một cách đúng mức và được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành để nhằm có được những giải pháp hữu hiệu, hiệu quả hơn.
Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng như thế nào ở các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn và thực hiện những giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập mà đại biểu Quốc hội nêu?
ĐBQH Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: Chúng tôi chỉ mong muốn các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ lớn không phải chỉ cho năm 2023 mà cho cả giai đoạn 2021-2025. Nhiều những vấn đề mà tôi quan tâm như việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, giao kế hoạch phân bổ vốn còn rất chậm.
Ngoài ra, một số chương trình đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu Quốc gia hay thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế -xã hội còn chậm được giải ngân là do còn vướng mắc ở các văn bản hướng dẫn, một phần là do cán bộ sợ sai, sợ vi phạm nên trì trệ, không linh hoạt, không sáng tạo trong việc triển khai các nhiệm vụ. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong các Tư lệnh ngành sớm có sự phối hợp, tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế để có một sự thông thoáng, phù hợp đối với hệ thống các văn bản dưới luật. Việc làm này cũng nhằm giúp cho các địa phương dễ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tháo gỡ những vấn đề trong thực tiễn đời sống đang đặt ra.
Đối với việc tổ chức thực hiện cũng cần phải có một sự quán triệt, hướng dẫn cũng có sự chủ động hơn nữa để các cấp, các ngành, các địa phương có thể linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm hơn để nhằm thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!