CHÙM ẢNH: NỮ ĐBQH TẠI CÁC PHIÊN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 5, trong hai ngày 31/5 và 01/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Vào đầu tháng 5 này, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Là một người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhận thấy mục tiêu này có nguy cơ khó thực hiện nếu vấn đề nút thắt trong việc quy định về đào tạo văn hóa trung học phổ thông cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được tháo gỡ.
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc hướng nghiệp, phân luồng, liên thông và phát triển giáo dục nghề nghiệp, một trong những chính sách đó là tổ chức cho học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề, vừa học văn hóa trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề này cũng đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở về trước đã có gần 300 trường trung cấp, cao đẳng vừa tổ chức dạy nghề, vừa dạy chương trình văn hóa THPT theo hình thức giáo dục thường xuyên cho học sinh học nghề ngay tại trường. Mỗi năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp giảng dạy cho khoảng 350.000 học sinh, góp phần đẩy mạnh phân luồng người học sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, từ năm 2020, hoạt động trên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bị dừng lại. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đã có ý kiến gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm cũng như đã được đưa vào Nghị quyết chất vấn tại Quốc hội khóa XIV. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư 15, trong đó hướng dẫn việc dạy khối lượng văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng cũng chưa giải quyết được vấn đề, chưa tháo gỡ được nút thắt này. Do là Thông tư này chỉ quy định là cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy 4 môn văn hóa mà không phải là dạy 7 môn để các học sinh học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn tham gia được vào kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như là có điều kiện để thi tiếp lên đại học sau khi học chương trình trung cấp và cao đẳng. Nhiều học sinh đã không chọn vừa học nghề vừa học THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi vì đó là sự khó khăn trong việc đi học, sự phối hợp giữa 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm giáo dục thường xuyên không được thuận lợi. Buổi sáng, học sinh đi học nghề nhưng chiều học kiến thức của chương trình phổ thông nên cũng rất khó khăn. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cũng rất khó khăn cho các em nên tỷ lệ tuyển sinh của khối cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảm hẳn đối với đối tượng sau tốt nghiệp THCS.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết, hiện nay có 31.800 người lao động chưa qua đào tạo sơ cấp. Chỉ một biến động của nền kinh tế như là đợt dịch COVID-19 vừa qua đã có 2 triệu người lao động rời khỏi thị trường lao động, trong đó phần lớn là các lao động phổ thông không qua đào tạo. Đấy là những con số rất đáng chú ý và cũng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của Chỉ thị 21 đề ra là thu hút 50 đến 55% học sinh phổ thông vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chính vì những lý do trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dứt điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định dạy văn hóa THPT là hình thức giáo dục thường xuyên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi vì là từ năm 2019 trở về trước, rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện rồi và đã có kết quả như báo cáo ở trên. Hiện nay, cơ sở vật chất, giảng viên, các chương trình ở các cơ sở này vẫn tiếp tục được phát triển. Tuy nhiên, do việc chỉ đạo phối hợp với cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ gây khó khăn nên người học không chọn./.