Tổng kết hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khoá XIII

22/03/2016

Thực hiện chương trình công tác năm 2016 và kế hoạch tổng kết hoạt động nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, chiều 22/3, tại Nhà quốc hội Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt tổng kết hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng tới dự buổi tổng kết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi gặp mặt        Ảnh: Đình Nam

Cùng dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cùng đại diện các Ủy ban, các đoàn đại biểu Quốc hội…

Báo cáo Tổng kết hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngay sau lễ ra mắt, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các cơ quan khác tổ chức 23 hội thảo, hội nghị nhằm cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức cho các đại biểu về những vấn đề có liên quan đến nội dung hoạt động Quốc hội theo từng kỳ họp, theo chương trình nhiệm kỳ XIII, đặc biệt là việc triển khai thi hành Luật bình đẳng giới, việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, với tỉ lệ hơn 24%, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã đóng góp ở mức độ cao nhất cho hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội. Bản Hiến pháp mới được thông qua trong niềm cảm xúc của những nữ đại biểu Quốc hội với nhiều điều khoản về quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng giới và an sinh cho người dân… Cùng với Hiến pháp, nhiều đạo luật đã được lồng ghép giới, Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật an toàn vệ sinh lao động, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật giáo dục nghề nghiệp… Đã có khoảng 40 luật được xem xét dưới góc độ bình đẳng giới, đó là mức cao nhất trong tất cả các nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, Nhóm cũng đã tổ chức 5 hội thảo khu vực về việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị trong nhiệm kỳ 2016- 2021 và đã xây dựng Báo cáo kết quả 5 hội thảokiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nói riêng và tỷ lệ phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị nói chung cho nhiệm kỳ 2016- 2021. Trên cơ sở này, Quốc hội đã thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân với quy định về bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ và bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là phụ nữ.

Ngoài ra, với tư cách là nước chủ nhà của Đại hội đồng IPU-132 Việt Nam đã tham gia có trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động của Đại hội đồng IPU-132, trong đó có sự tham gia tích cực của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng, Hội nghị nữ nghị sĩ và các phiên họp Ủy ban, các hội nghị có liên quan. Việc tham gia các hoạt động đối ngoại đã tạo điều kiện cho các thành viên của Nhóm được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của nhóm nữ đại biểu Quốc hội các nước trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực.

Phát biểu tại buổi tổng kết, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực của các nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. Dù nguồn lực còn hạn hẹp nhưng các hoạt động của Nhóm đã mang đến hiệu quả nhất định, nhất là việc thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật. Đặc biệt, lần đầu tiên Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã có những quy định cụ thể về tỷ lệ nữ ứng cử viên. Và quy định này đang được tích cực triển khai trong công tác bầu cử.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia có hiệu quả tại các diễn đàn liên nghị viện, đặc biệt, trong việc tổ chức IPU-132, với việc đảm nhận những vị trí quan trọng như Trưởng đoàn Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị nữ nghị sĩ… và tham gia tích cực tại các Ủy ban và các hội nghị bên lề, đóng góp quan trọng trong việc thông qua Tuyên bố Hà Nội và các nghị quyết của Đại hội đồng. Các nữ đại biểu cũng tham gia sâu vào những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu như: biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, chiến tranh mạng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, sức khỏe phụ nữ, sự tham chính của phụ nữ, phòng chống tệ nạn buôn bán người, bạo lực đối với phụ nữ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội, lồng ghép giới vào chính sách, pháp luật.

Vui mừng khi các nữ đại biểu Quốc hội không những hoàn thành tốt vai trò đại biểu mà còn có những thành công trên các cương vị công tác khác, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ có thêm 2 đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Lần đầu tiên có 2 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp đó, lần đầu tiên có 3 nữ trong Bộ chính trị và cả 3 đều là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội. Quốc hội cũng rất tự hào, khi có 5 nữ đại biểu Quốc hội lần đầu tiên được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng. 56/120 nữ đại biểu Quốc hội (46%) có sự thăng tiến về cương vị, tiến bộ về vị trí công tác- là số liệu rất thuyết phục về những cố gắng nỗ lực đã được ghi nhận của các nữ đại biểu Quốc hội.

Cùng hướng về tương lai,Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng rằng, trong thời gian tới, đặc biệt tại kỳ họp thứ 11 này, Quốc hội còn rất nhiều công việc hệ trọng phải hoàn thành,  mỗi thành viên của Nhóm, dù còn tiếp tục tái cử hay không cũng sẽ là thành viên tích cực để góp thêm một tiếng nói khi tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam.

Cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các Vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Trương Thị Mai cho rằng, tuy số lượng khiêm tốn nhưng hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã mang lại những hiệu quả thiết thực, xây dựng được hình ảnh người nữ đại biểu Quốc hội- người phụ nữ đại diện cho lợi ích chính đáng của người dân, cho phụ nữ và trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn; là người phụ nữ bản lĩnh ở nghị trường và quan tâm đến đời sống xã hội; là người phụ nữ dịu dàng và chu đáo trong chăm sóc gia đình của nền văn hoá Á Đông.

Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu quốc hội Việt Nam Trương Thị Mai hi vọng, trong thời gian tới, dù còn nhiều khó khăn trong việc hoàn thành trách nhiệm với gia đình và nhiệm vụ đối với quốc gia, nhưng mong rằng Nhóm nữ đại biểu Quốc hội sẽ phấn đấu tối đa để  khẳng định được mình và không phụ lòng tin của nhân dân và đất nước.

 

Hồ Hương