ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ THU HÀ - PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH: KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5 - CƠ CHẾ ĐẶC THÙ RÕ NÉT, CHÍNH SÁCH CỤ THỂ, ĐÁP ỨNG KỲ VỌNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

20/01/2024

Đánh giá về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, một trong những dấu ấn của Kỳ họp này là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là nội dung mà các cấp chính quyền địa phương rất mong đợi, trong đó Nghị quyết đã thể hiện những cơ chế đặc thù rất rõ nét, chính sách cụ thể, và đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Theo dòng sự kiện

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Các luật, Nghị quyết được thông qua tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội

Phóng viên: Sau 3,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm, sáng 18/01, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã bế mạc và thành công tốt đẹp. Đại biểu đánh giá thế nào về kết quả của Kỳ họp này?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Với tôi, đây là Kỳ họp với rất nhiều cảm xúc. Trong thời gian ngắn, nhưng rất nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội thông qua, có tác động lớn, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng, sự quyết tâm, quyết liệt, đồng hành trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Bộ, ngành, địa phương, các vị đại biểu Quốc hội và sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước.

Các nội dung được trình tại Kỳ họp này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo, chủ động, kỹ lưỡng, thận trọng. Dưới sự điều hành khoa học, sáng tạo và linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và tinh thần làm việc nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Trong đó, Quốc hội đã xem xét và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là 2 dự án Luật mà Kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết định chưa thông qua theo kế hoạch để tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, thể hiện sự cẩn trọng, nhưng cũng quyết tâm rất cao của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Ủyy ban của Quốc Hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn. Một trong những điểm nhấn ấn tượng của Nghị quyết này là cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đây là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đây đều là những nội dung quan trọng, trong đó Luật Đất đai (sửa đổi) được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, được các đại biểu bấm nút thông qua với số phiếu đồng ý cao, thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng, đánh giá cao chất lượng của các luật, nghị quyết, khởi động cho một năm mới hứa hẹn nhiều thành công.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ bảo đảm công tác quản lý, sử dụng đất đai chặt chẽ, thông thoáng và sát với yêu cầu của thực tiễn

Phóng viên: Tại Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Với sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân về đạo luật quan trọng này, đại biểu đánh giá và kỳ vọng như thế nào để Luật có thể đi vào thực tiễn cuộc sống?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

Các đại biểu nhấn nút thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao, thể hiện tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc và thống nhất cao của Quốc hội, là kết quả của cả một quá trình rất dài, phức tạp. Các nội dung của Luật đã được các ĐBQH thảo luận kỹ lưỡng, đi đến cùng từng vấn đề, nên theo tôi, chất lượng của Luật Đất đai (sửa đổi) đã đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Dự thảo Luật đã được Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; Quốc hội xem xét dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến ĐBQH đã được tiếp thu, giải trình. Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.

Để cụ thể hóa, tới đây Chính phủ và các Bộ ngành cần phải có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhằm đảm bảo hiệu lực và tính thực tiễn của Bộ luật, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống. Và để đồng bộ Luật này với các Luật liên quan, Quốc hội cũng đã chủ động xác định hiệu lực thi hành của các Luật khác như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời.

Tôi tin tưởng rằng, các nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ bảo đảm công tác quản lý, sử dụng đất đai được chặt chẽ, thông thoáng và sát với yêu cầu của thực tiễn đời sống, đáp ứng đầy đủ mong mỏi của cử tri và Nhân dân, doanh nghiệp cả nước.

Các cơ chế đặc thù rõ nét, các chính sách cụ thể

Phóng viên: Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với tỉ lệ tán thành cao. Quan điểm của đại biểu về nội dung này như thế nào và bày tỏ kỳ vọng gì khi Nghị quyết được triển khai thực hiện trong thời gian tới để đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Có thể nói, đây là bước tiếp theo thực hiện nghị quyết giám sát của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện một số cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị kỹ càng, chi tiết, bám sát thực tiễn yêu cầu; các đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm rất lớn đối với dự thảo Nghị quyết này.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với tỉ lệ tán thành cao

Nghị quyết được thông qua có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng. Với 8 chính sách đặc thù được đưa ra đều xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn, tôi cho rằng, đây là nội dung mà các cấp chính quyền địa phương rất mong đợi, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, giúp tháo gỡ, hỗ trợ rất nhiều cho việc triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu này trong thời gian tới.

Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành và Hội đồng Dân tộc, cũng như các Ủy ban của Quốc hội. Chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ chế đặc thù khá rõ nét, cách thức và các vấn đề, chính sách được đề cập cụ thể.

Tôi mong rằng, ngay sau Kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình; tiếp tục giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cả nước; nâng số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó chú trọng nâng số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tôi cũng kỳ vọng, các giải pháp này sẽ góp phần tích cực trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn của các chương trình. Đề nghị Chính phủ sớm có kế hoạch chi tiết, cụ thể để bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách trong thực tiễn.

Với tâm thế hiện nay, với sự quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, tôi tin tưởng rằng, toàn quốc sẽ nâng cao chất lượng hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng yêu cầu, chủ trương, quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác