Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga
Dễ thấy lãng phí và bất cập
Phóng viên: Bà có đánh giá như thế nào thực trạng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nước ta hiện nay?
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Trong những năm vừa qua, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao nước ta đã được quan tâm đầu tư tương đối đầy đủ từ trung ương đến địa phương. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đúng là có thực trạng các thiết chế này chưa được quản lý và sử dụng thực sự hiệu quả.
Trước tiên là hệ thống các nhà văn hoá, đặc biệt là nhà văn hoá cấp thôn, khu dân cư, chưa khai thác được hết công năng. Ở nhiều địa phương, nhà văn hoá thôn, khu dân cư chủ yếu đóng cửa, mỗi tháng chỉ được sử dụng một vài buổi vào mục đích là nơi họp chi bộ hoặc phát lương hưu, họp thôn, khu khi có vấn đề cần thiết. Tôi thấy rất nhiều địa phương cho thuê địa điểm nhà văn hoá thôn, khu dân cư để tư nhân tổ chức các lớp học thêm, dạy thêm, dạy yoga, khiêu vũ…
Trong những năm vừa qua, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao nước ta đã được quan tâm đầu tư tương đối đầy đủ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn hiện hữu thực trạng các thiết chế này chưa được quản lý và sử dụng thực sự hiệu quả
Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế bảo tàng cũng chưa được khai thác hiệu quả. Hầu hết các bảo tàng cấp tỉnh đều vắng khách. Chỉ có một số ít bảo tàng gắn với các khu, điểm du lịch là có đông khách (như bảo tàng Quảng Ninh). Các bảo tàng cấp tỉnh hầu như chỉ là nơi lưu trữ hiện vật, các gian trưng bày không có khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.
Có những nhà thi đấu thể dục thể thao được đầu tư hết sức hiện đại và quy mô nhưng lại hoạt động rất cầm chừng. Hay hệ thống rạp chiếu phim các tỉnh gắn với đơn vị sự nghiệp là các Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng (thuộc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch) rơi vào cảnh đìu hiu. Nhiều tỉnh có rạp chiếu phim nhưng không chiếu phim được trong rạp, nên đóng cửa hoàn toàn. Thậm chí các thư viện cũng vô cùng vắng vẻ… Đây là sự lãng phí rất lớn!
Phóng viên: Thực tế, thiết chế văn hóa ở một số địa phương được xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp, ít người biết đến hoặc không quan tâm, dẫn đến nguồn thu hàng năm đạt thấp. Theo bà đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục?
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Chúng ta luôn kiến nghị cần phải tập trung nguồn lực cho phát triển và chấn hưng văn hoá. Điều đó là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi đầu tư cho văn hoá, thể thao, cần phải tính toán rất kỹ, sao cho với nguồn lực kinh phí của quốc gia còn hạn hẹp, những đầu tư phải mang lại hiệu quả cao nhất.
Tôi cho rằng guyên nhân của việc hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hoá, thể thao còn thấp, tôi cho rằng tập trung ở mấy vấn đề sau:
Một là, sự đầu tư còn thiên về dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, dẫn đến sự manh mún, vừa thiếu lại vừa thừa. Các thiết chế văn hoá, thể thao luôn được đầu tư , quy hoạch theo "công thức đồng đều" giữa các địa phương, các vùng miền, không tính đến đặc thù. Mỗi tỉnh, thành phố, mỗi vùng, miền đều có những đặc trưng riêng cả về quy mô kinh tế, dân số, về đặc trưng văn hoá, phong tục, tập quán, thói quen... Điều đó dẫn tới việc có những thiết chế không phát huy được công năng do không phù hợp.
Có nhiều nguyên nhân khiến các thiết chế văn hóa, thể thao thời gian qua hoạt động chưa hiệu quả
Hai là, khi đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, có trường hợp chưa khảo sát nhu cầu thực sự kỹ lưỡng, dẫn đến việc đầu tư xây dựng thiết chế với quy mô lớn, hiện đại nhưng không khai thác được. Ví dụ nhà thi đấu thể thao Hà Nam được xây dựng với quy mô đầu tư lên đến nghìn tỉ, đủ tầm tổ chức các giải đấu thể thao các bộ môn thi đấu trong nhà cấp quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên từ khi khánh thành đi vào hoạt động (năm 2014) đến nay, trung bình mỗi năm nhà thi đấu chỉ đăng cai tổ chức được vài ba giải đấu
Ba là, việc đầu tư cho các thiết chế văn hoá, thể thao vì dàn trải nên dẫn đến tình trạng nửa vời; không đủ để thực sự đổi mới trong hoạt động, trong khai thác hiệu quả. Các bảo tàng cấp tỉnh không được đầu tư kinh phí để hiện đại hoá các hình thức trưng bày, giới thiệu, thuyết minh. Ngay những kho lưu trữ hiện vật cũng còn thiếu thốn và không đủ điều kiện để bảo quản tốt. Nhiều hiện vật quý, có giá trị phải "đắp chiếu" nằm trong kho…
Các thư viện vẫn trong tình trạng "cũ kỹ" về cả cơ sở vật chất lẫn cách vận hành, khai thác, dẫn đến việc không có độc giả đến với thư viện. Hệ thống nhà văn hoá hầu như mới chỉ được trang bị bàn ghế cơ bản, chưa có thiết bị cần thiết cho các sinh hoạt văn hoá…
Bốn là, những quy định của pháp luật liên quan đến việc quản lý, khai thác và vận hành các thiết chế văn hoá còn thiếu, chậm được sửa đổi bổ sung nên nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Năm là, kinh phí xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao được đầu tư nhưng kinh phí để duy trì hoạt động của các thiết chế này lại chưa được quan tâm bố trí.
Sáu là, năng lực của một bộ phận các cán bộ quản lý, vận hành các thiết chế văn hoá, thể thao còn hạn chế, thiếu năng động, sáng tạo.
Một trong những giải pháp trong thời gian tới là cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, vận hành, khai thác các thiết chế văn hoá, thể thao...
Về giải pháp, tôi cho rằng với nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan vừa nêu trên, chúng ta cần tổng thể các giải pháp để giải quyết từng bước. Trước tiên là hoàn thiện thể chế. Cần rà soát kỹ lưỡng các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hoá thể thao để đề xuất sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn vướng mắc, những vấn đề còn thiếu các quy định, cơ chế cần thiết
Thứ hai là cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, vận hành, khai thác các thiết chế văn hoá, thể thao.
Thứ ba, cần xác định những nội dung trọng điểm cần đầu tư để tập trung nguồn lực cho các thiết chế văn hoá, thể thao; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sử dụng dịch vụ ngày càng cao của nhân dân.
Truy nguyên nhân, tìm giải pháp
Phóng viên: Dự kiến ngày 18/1 tới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 – 2023”. Là thành viên của Ủy ban cũng như là một chuyên gia lâu năm trong ngành văn hóa, theo bà, phiên giải trình này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Và kỳ vọng của bà đối với Phiên giải trình lần này?
Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Từ thực trạng vừa nêu, tôi thấy Phiên giải trình lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Vừa giúp chúng ta nhận diện những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hoá, thể thao giai đoạn 2013- 2023 vừa giúp các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đề nghị với Chính phủ những giải pháp thiết thực, hiệu quả để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó.
Tại phiên giải trình, những báo cáo, giải trình cũng như những cam kết về giải pháp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng giúp các đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát vấn đề một cách sâu sát và hiệu quả.
Tôi kỳ vọng sau phiên giải trình này, những vướng mắc về thể chế liên quan đến những nội dung giải trình sẽ sớm được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổng hợp, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung; trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo đúng thẩm quyền. Mặt khác, cũng qua phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân hiểu rõ hơn những khó khăn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch để cùng chia sẻ và cùng nỗ lực để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch xứng tầm.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!