Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về những cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do Chính phủ trình Quốc hội, đại biểu có thể nêu một số những khó khăn thực tế tại địa phương đang gặp khó?
Đại biểu Hồ Thị Minh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của địa phương, nghiên cứu, trình Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia.
Những nội dung Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến cũng chưa thể tháo gỡ hoàn toàn những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy vậy, ở thời điểm này, tôi thấy việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp, kịp thời, không cần chờ kết thúc chương trình, dự án mới tiến hành rút kinh nghiệm. Tôi hy vọng, qua phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu, để ban hành Nghị quyết đặc thù tạo điều kiện cho địa phương thực hiện thuận lợi hơn, nhất là cơ chế lồng ghép ba chương trình mục tiêu quốc gia, mang lại hiệu quả cao nhất. Đây cũng là điều mà các địa phương đang rất mong chờ.
Đại biểu Hồ Thị Minh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị
Qua thực tế khảo sát và tổng hợp ý kiến của cử tri và Nhân dân, vẫn còn một số vướng mắc mà địa phương đang gặp khó trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Điển hình như Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công cho phép địa phương sử dụng vốn cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình. Đó là những địa phương hiện nay đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia theo từng giai đoạn, ngân sách địa phương thu vượt và được giữ lại để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Nhưng với những tỉnh hụt thu ngân sách, không có ngân sách để ủy thác cho ngân hàng chính sách cho một số đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi.
Trong đó, Tiểu dự án 1 của Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã cấp về đến xã nhưng chưa giải ngân được đồng nào, vì chưa có hướng dẫn hỗ trợ hộ nghèo bằng cách gì (cho hay cho nhưng có thu hồi vốn). Tôi cho rằng, nguồn vốn này rất lớn, nên ủy thác cho ngân hàng chính sách nguồn vốn của Tiểu dự án 1 của Dự án 9 cho người dân được vay với lãi suất ưu đãi sẽ phát huy giá trị hơn.
Hoặc đối với chuỗi dự án có sự hỗ trợ của nhà nước (50% vốn), kết thúc dự án thẩm định giá thu hồi tài sản bằng tiền mặt cũng phát huy được tại Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ví dụ, nhà nước đầu tư vào dự án với 50% số vốn, nhưng đến khi kết thúc dự án, thẩm định giá trị tài sản và thu hồi bằng tiền mặt cũng khó thực hiện và trên thực tế tại tỉnh Quảng Trị không giải ngân được đồng nào. Bởi, chủ dự án, chuỗi sản xuất sẽ thấy không hợp lý, bởi hỗ trợ 50%, sau hai năm kết thúc dự án, nhà nước thu hồi số tiền này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của chuối dự án.
Theo đại biểu Hồ Thị Minh, vẫn còn một số vướng mắc trong triển khai Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hay như Tiểu dự án 4, Dự án 5 “Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình các cấp” sử dụng nguồn vốn sự nghiệp nhưng đến tháng 11/2023 mới ban hành tài liệu, điều này cho thấy công tác hướng dẫn thực hiện còn rất lúng túng. Qua nghiên cứu, xem xét cơ chế đặc thù Chính phủ trình Quốc hội, tôi thấy rằng những vướng mắc này vẫn chưa tháo gỡ được.
Tôi cho rằng, nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới, tích hợp tất các các chương trình, dự án và có tới 18 bộ, ngành cùng đồng thời hướng dẫn các dự án, tiểu dự án, nội dung trong các tiểu dự án để thực hiện chương trình, dẫn tới vẫn còn một số văn bản ban hành nhưng chưa có sự thống nhất, còn chồng chéo, khiến địa phương khó áp dụng và thực hiện.
Phóng viên: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia quy định về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, quan điểm của đại biểu về vấn đề này?
Đại biểu Hồ Thị Minh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Tại dự thảo Nghị quyết đã quy định Trung ương không phân bổ vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cho từng dự án, mà phân cấp cho Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân huyện sẽ phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án tùy theo điều kiện thực tế, tính cấp thiết, bức xúc ở địa phương. Như vậy, lần này Trung ương mạnh dạn giao quyền cho địa phương chủ động điều phối, sử dụng ngân sách hiệu quả, đem lại kết quả thực sự để người dân được hưởng lợi.
Trong 8 cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình Quốc hội, tôi thấy có 3 cơ chế có tính khả thi rất cao như phân cấp, phân quyền. Qua khảo sát thực tế, chỉ có 02 địa phương mạnh dạn phân cấp đến cấp huyện, đây là điều mà các bộ, ngành rất trăn trở. Bởi trước khi xây dựng dự thảo Nghị quyết đã tiến hành khảo sát, trong 51 tỉnh, thành phố có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 63 tỉnh, thành phố được hưởng lợi của cả 03 chương trình mục tiêu quốc gia chỉ có 02 địa phương mạnh dạn phân cấp đến cấp huyện.
Tôi cho rằng, việc phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được nêu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, nếu được thông qua và có hiệu lực, các địa phương sẽ chủ động triển khai thực hiện. Có các quy định cụ thể, rõ ràng sẽ giúp các địa phương thực hiện hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc lựa chọn một huyện, một xã cần phải cân nhắc, đặt biệt dự thảo Nghị quyết nêu lựa chọn xã, huyện thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và sự hài lòng của người dân đạt trên 70% thì không cần thiết lựa chọn thí điểm đặc thù, vì không còn vướng mắc và đã đạt đến 70% sự hài lòng của người dân. Tôi cho rằng, chúng ta nên chọn địa phương đang khó khăn, vướng mắc, cần tháo gỡ để áp dụng cơ chế, có như vậy mới đồng bộ, hiệu quả.
Phóng viên: Việc Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện các chương trình, thưa đại biểu?
Đại biểu Hồ Thị Minh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Nếu Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tôi cho rằng đây là hành động rất kịp thời, có ý nghĩa lớn, bởi sau 03 năm thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững), đến thời điểm này, ngoài những tỉnh, thành phố tự chủ về ngân sách, còn lại chưa đơn vị nào giải ngân trên 50%. Đây là điều trăn trở, nguồn vốn có nhưng không triển khai được, hiệu quả từ các chương trình cho các đối tượng hưởng lợi không có.
Việc Quốc hội không chờ kết thúc giai đoạn 2021-2025 mới ban hành nghị quyết mà ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tháo gỡ ngay trong thời điểm này là một trong những chính sách kịp thời. Tôi tin tưởng, nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc ở địa phương trong quá trình thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tôi cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, một số bộ ngành vẫn phải tiếp tục có trách nhiệm hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện để tạo sự đồng bộ, thông suốt, mang lại hiệu quả lớn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!