ĐẠI BIỂU TÔ THỊ BÍCH CHÂU - ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

17/01/2024

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp một số ý kiến liên quan đến vấn đề khuyến khích đầu tư vào đất đai, hòa giải việc tranh chấp đất đai, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo dòng sự kiện

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường sáng 15/01, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu – Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến một số nội dung như sau.

Thứ nhất, tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2013 có tên là “Khuyến khích Đầu tư vào đất đai”. Đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) giữ tên như Điều 9 của Luật Đất đai năm 2013, vì nội dung khuyến khích đầu tư về đất đai có nội hàm rộng hơn, Nhà nước khuyến khích đầu tư vào đất đai. Hơn nữa, không phải chỉ có Nhà nước khuyến khích vào đầu tư, sử dụng đất, vì thực tế, khuyến khích đầu tư vào đất đai và quyền, nhiệm vụ của toàn dân với tư cách là chủ sở hữu đất đai. Đối với đất đai không phải chỉ có đầu tư sử dụng đất đai mà còn đầu tư vào phát triển đất đai, quy hoạch đất đai, bảo vệ môi trường liên quan đến đất đai.

Thứ hai, tại Điều 13 quyền của Nhà nước là đại diện của chủ sở hữu về đất đai. Theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, tại điều này có 12 nội dung rất lớn và rất rộng. Trong Điều 13 dự thảo Luật Đất đai đã xác định rõ và đầy đủ quyền đại diện của chủ sở hữu về đất đai, hình thức các văn bản thực hiện, quyền đại diện của chủ sở hữu về đất đai. Do đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị ở khoản 13 của Điều 13 bổ sung vấn đề Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai phải chịu sự giám sát của Nhân dân, của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp, chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên theo đúng quy định của luật về việc thực hiện quyền giám sát xã hội cho phù hợp với Hiến pháp.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ ba, tại Điều 17, đảm bảo của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất. Tại khoản 1 Điều 17 có quy định là “Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất”. Để phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung khoản 1 ở Điều 17, đó là “Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất”.

Thứ tư, liên quan đến vấn đề hòa giải việc tranh chấp đất đai. Đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết tại Điều 235 về hòa giải tranh chấp đất đai cũng là một điều rất lớn và rất nhiều nội dung quy định đối với việc hòa giải và đặc biệt là giao rất nhiều quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong quy định tại khoản 2 Điều 235 của dự thảo đã xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Hội đồng hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất đai cấp xã và hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã, những nội dung này được đại biểu Tô Thị Bích Châu đánh giá là rất quan trọng. Do đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung quy định Ủy ban nhân dân cấp xã không được buộc người dân thực hiện những công việc không được quy định tại điều này.

Cũng tại Điều 235, tại khoản 3 quy định là hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại của Tòa án và pháp luật về tố tụng dân sự. Đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung ở khoản 3 Điều 235 là “Hòa giải tranh chấp đất đai tại trọng tài thương mại được thực hiện theo quy tắc hòa giải của Trung tâm Trọng tài thương mại”.

Thứ năm, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Tại điều 236 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung ở khoản 5 Điều 236 về tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật và theo tố tụng về trọng tài thương mại. Vì trọng tài thương mại cũng phải tuân theo quy tắc tố tụng của trọng tài thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)

Các bài viết khác